Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 03-08/12/2018

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

 

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số PMI sản xuất tháng 11 của Việt Nam tăng 2,6 điểm lên 56,5 điểm trong tháng 11, sát mức kỷ lục được ghi nhận của Nikkei. Các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 11 được cải thiện khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng mạnh và nhanh. (Theo Nikkei ngày 02/11)

Ngày 06/12, Liên bộ Công Thương - Tài chính thông báo điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu từ 15h chiều ngày 06/12. Theo đó, Liên bộ quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON92, xăng RON95; trích 800 đồng/lít với dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn, giá trần của xăng E5 RON92 không cao hơn 17.181 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 18.459 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.258 đồng/lít; dầu hỏa giảm 990 đồng/lít không cao hơn 15.252 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.402 đồng/lít.

Đến thời điểm 15h ngày 06/12, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ước còn 1.460 tỷ đồng. Như vậy, so với lần công bố cách đây hai tuần (ngày 21/11) là 1.262 tỷ đồng, quỹ BOG của Petrolimex tăng 198 tỷ đồng, còn so với ngày 06/11 là 1.230 tỷ đồng thì mức tăng là 230 tỷ đồng. (Theo Petrolimex ngày 06/12)

Doanh nghiệp

Cuộc khảo sát do hãng PwC thực hiện với 1.189 lãnh đạo doanh nghiệp tại 21 nền kinh tế thuộc Diễn dàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/2018 tại Papua New Guinea cho thấy, Việt Nam giữ vị trí hàng đầu 2 năm liên tiếp về địa điểm dự kiến thu hút FDI; tiếp theo là các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ giữ vị trí thứ 3, thứ 4 là Australia.

Một trong những lý do giúp Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu là niềm tin, sức sống của các hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh thể chế, nỗ lực mở cửa là điều đặc biệt quan trọng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam ngoài những thách thức từ căng thẳng thương mại thì cũng có những cơ hội lớn nhờ vào sự dịch chuyển đầu tư toàn cầu. Hơn 1/3 nhà đầu tư Hoa Kỳ đã hoặc đang có ý định chuyển ra khỏi Trung Quốc và tìm các địa điểm lân cận, trong đó có Việt Nam. (Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI ngày 03/12)

11 tháng năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã cơ bản hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu từ 3,3 - 18% nhiệm vụ kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 542.344 tỷ đồng, vượt 16,8% so với kế hoạch 11 tháng và vượt 2,2% kế hoạch năm.

Nộp NSNN toàn Tập đoàn trong 11 tháng đạt 108.122 nghìn tỷ đồng, vượt 46,5% kế hoạch cả năm. PVN đứng vị trí dẫn đầu khối doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất Việt Nam trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2018. (Theo PVN ngày 07/11)

Tổng cầu

 

Đầu tư

Trong 11 tháng năm 2018, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 30,8 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới là 15,78 tỷ USD; vốn điều chỉnh tăng thêm là 7,4 tỷ USD; vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp Việt Nam là 7,6 tỷ USD.

Vốn FDI vào Việt Nam giảm cả về vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh tăng thêm, nhưng tăng mạnh ở hoạt động góp vốn, mua cổ phần (tăng 44,4%) so cùng kỳ.

Tính đến ngày 20/11, cả nước có 2.714 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và 954 lượt dự án tăng vốn. Ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 16,5 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Theo đối tác đầu tư, có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, đứng đầu là Nhật Bản. (Theo Cục Ðầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư ngày 03/12)

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã phê duyệt gói tín dụng trị giá 100 triệu USD của Chương trình phát triển và phổ cập lĩnh vực tài chính giữa ADB và Việt Nam nhằm phát triển lĩnh vực tài chính của Việt Nam,  hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập đang gia tăng.

Chương trình sẽ hỗ trợ một số cải cách của Việt Nam, bao gồm việc cải thiện khung pháp lý và các quy định để giải quyết các khoản nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của thị trường tiền tệ và thị trường trái phiếu chính phủ, cũng như các biện pháp chính sách để áp dụng cách tiếp cận dựa trên thị trường đối với phổ cập tài chính thông qua tài chính vi mô và công nghệ tài chính. (Theo ADB ngày 04/12)

Trong 11 tháng qua, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) mới tăng thêm 8,3 tỷ USD, có khoảng 560 dự án FDI đăng ký mớicó tổng vốn trên 5,3 tỷ USD và 500 dự án FDI tăng vốn thêm hơn 3 tỷ USD.

Lũy kế đến hết tháng 11 năm 2018, các KCN, KKT đã thu hút được khoảng 7.500 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 970.000 tỷ đồng và khoảng 8.000 dự án có vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 145 tỷ USD. (Theo Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 01/12)

Ngân sách
nhà nước

Đến ngày 30/11/2018, tổng số thu thuế của cơ quan hải quan đạt 284.202 tỷ đồng, bằng 100,42% dự toán, bằng 97% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 7,27% so với cùng kỳ năm 2017 (264.947 tỷ đồng).

Số thu 11 tháng đầu năm đạt tỷ lệ cao so với dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do: Kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng mạnh so với dự toán và so với cùng kỳ năm 2018.(Theo Tổng cục Hải quan ngày 05/12)

Sau một năm triển khai nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7, Tổng cục Hải quan đã ký thỏa thuận hợp tác phối hợp thu NSNN với 39 ngân hàng thương mại, trong đó có 24 ngân hàng thương mại đã triển khai nộp thuế điện tử và thông quan 24/7.


Đến nay có 3.235 doanh nghiệp đã thực hiện thanh toán nộp thuế điện tử 24/7; 21 ngân hàng và chi nhánh có phát sinh giao dịch đạt 14.902 tỷ đồng và 87.006 giao dịch, trong đó có 3 ngân hàng VCB, BIDV, Vietinbank có số thu chiếm khoảng 79,1% tổng số thu nộp thuế điện tử 24/7.

 

Đến hết tháng 11/2018, số thu thuế của cơ quan hải quan qua hệ thống ngân hàng phối hợp thu (thu thuế điện tử) đạt 269.990 tỷ đồng, đạt 95% tổng thu (284.202 tỷ đồng). (Theo Tổng cục Hải quan ngày 05/12)

Thanh toán vốn đầu tư công 11 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 239.573,357 tỷ đồng, đạt 59,94% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 61,62% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 (tỷ lệ tương ứng là 59,21% và 65,12%).

Trong đó có 5 bộ, ngành và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 80% kế hoạch (có 5 địa phương trong số đó đạt tỷ lệ giải ngân trên 90% là Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nam Định, Bình Phước).

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn 31/56 bộ, ngành trung ương và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 65% kế hoạch năm, trong đó còn 21 bộ, ngành trung ương và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50% (có 13 bộ, ngành trung ương đạt tỷ lệ giải ngân thấp hơn 30%).

Nguyên nhân giải ngân chậm  là do đến tháng 11 vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; thủ tục điều chỉnh hạng mục, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; do ảnh hưởng của địa hình phức tạp, thời tiết; năng lực một số nhà thầu chưa đảm bảo; các dự án chuyển tiếp đang triển khai thi công chưa nghiệm thu khối lượng hoàn thành để giải ngân thanh toán vốn. (Theo Bộ Tài chính ngày 05/12)

11 tháng năm 2018:

- Tổng thu NSNN đạt hơn 1,22 triệu tỷ đồng, bằng 92,7% dự toán năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, số thu nội địa đạt hơn 975 nghìn tỷ đồng, bằng 88,7% dự toán. Không kể các khoản như thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết... số thu nội địa còn lại ước đạt gần 743 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm.

Ước đến hết tháng 11/2018, có 48/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 92%). Thu từ dầu thô đạt 57,9 nghìn tỷ đồng, bằng 161,4% dự toán năm, tăng 41,1% so cùng kỳ năm 2017. Thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu là 283,5 nghìn tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán năm.

- Tổng chi ngân sách đạt hơn 1,21 triệu tỷ đồng, bằng 79,5% dự toán năm. Trong đó, riêng chi thường xuyên là gần 842 nghìn tỷ đồng.

(Theo Bộ Tài chính ngày 06/12)

Tính đến ngày 26/11/2018, cơ quan thuế đã thực hiện gần 78,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp và kiểm tra trên 424,96 nghìn hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế, kiến nghị xử lý thu vào ngân sách nhà nước gần 15,4 nghìn tỷ đồng (số đã nộp vào ngân sách nhà nước 10,2 nghìn tỷ đồng); chống chuyển giá, giảm lỗ trên 25,1 nghìn tỷ đồng; thu hồi 28,1 nghìn tỷ đồng nợ thuế.

Trong lĩnh vực hải quan, tính đến ngày 15/11/2018, cơ quan hải quan đã thực hiện 6,5 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, xử lý thu vào ngân sách 2 nghìn tỷ đồng; đôn đốc, xử lý thu hồi 1.333 tỷ đồng nợ thuế. (Theo Bộ Tài chính ngày 07/12)

Xuất - nhập khẩu

Tháng 11/2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3,61 tỷ USD, lũy kế 11 tháng đạt khoảng 36,3 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017; Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính trong 11 tháng đạt gần 18,1 tỷ USD, tăng 3,1%; thủy sản đạt 8,1 tỷ USD, tăng 6,8%; chăn nuôi đạt 0,51 tỷ USD, tăng 13%; các mặt hàng lâm sản chính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 18%... Giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng đạt khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 03/12)

Mexico là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại Mỹ La-tinh, ngược lại, Việt Nam hiện là thị trường lớn thứ 8 của Mexico ở châu Á. Kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt gần 5 tỷ USD trong năm 2017 và từ tháng 1 - 8/2018, kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam - Mexico đã lên đến 3 tỷ USD.

Việt Nam và Mexico là hai nền kinh tế mở có tính bổ sung lẫn nhau; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khi có hiệu lực sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Mexico. (Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico ngày 05/12)

Hàn Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu), thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Kim ngạch thương mại song phương đã tăng 123 lần, từ 0,5 tỷ USD trong năm 1992 lên 61,5 tỷ USD vào năm 2017. Bên cạnh đó, ngày 06/12, Việt Nam và Hàn Quốc đã đã ký bản ghi nhớ về chương trình hành động thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại 2 chiều 100 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng.

Chương trình hành động này đã đề ra những hoạt động hợp tác cụ thể giữa hai bên từ nay đến năm 2020, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong các ngành linh kiện - phụ tùng, ô tô, dệt may và da giầy, điện tử và xuất khẩu nông sản… (Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thuộc Bộ Công Thương ngày 06/12)

11 tháng năm 2018, Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 24,1% thị phần. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2018 đạt 504 USD/tấn, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Điều đáng nói là, cơ cấu gạo xuất khẩu tăng đã đẩy cao giá trị xuất khẩu gạo Việt trên thị trường quốc tế. Trong đó, xuất khẩu gạo trắng chiếm 51% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 32%; gạo nếp chiếm 12% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 5%.

Dự báo cả năm 2018, gạo xuất khẩu giữ vững đà tăng trưởng, kỳ vọng đạt 6,15 triệu tấn với kim ngạch  3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về trị giá so với năm 2017.

Dự báo Ai Cập sẽ phải nhập khẩu 500.000 tấn gạo trong đầu năm tới do giảm diện tích canh tác. Trong phiên thầu mua gạo quốc tế đầu tiên của Ai Cập trong năm 2018 có 1 mẫu gạo từ Việt Nam đã qua được vòng kiểm nghiệm. (Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 01/12)

Cân đối vĩ mô

 

Lao động

Tính đến ngày 30/11/2018 có khoảng 14,31 triệu người tham gia BHXH bắt buộc,  253 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện , 12,24 triệu người bảo hiểm thất nghiệp (BHTN),  82,38 triệu người bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 87,72% dân số. Số thu toàn ngành đạt 29.758 tỷ đồng và lũy kế hết tháng 11/2018 là 294.221 tỷ đồng, đạt 89,2% kế hoạch cả năm; trong đó thu BHXH là 201.262 tỷ đồng, thu BHTN là 14.297 tỷ đồng, thu BHYT là 78.660 tỷ đồng.

Về chế độ chi trả, toàn ngành thực hiện chi BHXH, BHYT, BHTN 25.560 tỷ đồng và lũy kế đến hết tháng 11/2018 là 278.550 tỷ đồng, đạt 94,62% kế hoạch cả năm; trong đó chi BHXH từ nguồn ngân sách là 41.562 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH là 139.729 tỷ đồng, chi Quỹ BHTN 8.277 tỷ đồng và ước chi khám, chữa bệnh BHYT là 88.781 tỷ đồng. (Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 05/12)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày tăng giá, 2 ngày giảm giá và 01 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 08/12 so với ngày 07/12, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

 - Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,32 - 36,48 triệu đồng/lượng, tăng 60 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,34 - 36,44 triệu đồng/lượng, tăng 40 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 14 đồng so với tuần trước với 4 ngày tăng giá và 2 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 08/12, tỷ giá trung tâm là 22.764 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 07/12; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm so với ngày 07/12 như sau:

- Vietcombank: 23.270 - 23.360 VND/USD, giảm 5 đồng.

- BIDV: 23.265 - 23.355 VND/USD, giảm 15 đồng.

- Vietinbank: 23.261 - 23.351 VND/USD, giảm 16 đồng.

Thị trường tài sản

 

Chứng khoán

Tháng 11/2018, trên thị trường UPCoM có 8 doanh nghiệp đăng ký giao dịch cổ phiếu mới và 1 doanh nghiệp hủy đăng ký giao dịch. Tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường này hiện đang là 800 doanh nghiệp (tính đến ngày 30/11/2018) với tổng khối lượng đăng ký giao dịch đạt gần 32 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị đăng ký giao dịch hơn 319 nghìn tỷ đồng.

Toàn thị trường có hơn 273 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng với giá trị giao dịch đạt hơn 5,5 nghìn tỷ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 12,4 triệu cổ phiếu/phiên (giảm 40% so với tháng trước), giá trị giao dịch đạt hơn 251 tỷ đồng/phiên (giảm 33,8% so với tháng trước).

Đáng chú ý, trong tháng này, nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tổng cộng 42,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,14 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị mua vào đạt hơn 674 tỷ đồng, giá trị bán ra đạt hơn 467 tỷ đồng. Tính chung cả tháng nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 207 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.

(Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX ngày 04/12)

Khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh trong tháng 11 đạt 2.821.433 hợp đồng, tăng 10,58% so với tháng 10. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 128.247 hợp đồng/phiên, tăng 15,6%. Khối lượng mở (OI) toàn thị trường giảm 8,53% so với tháng trước.

Tính đến cuối ngày 30/11/2018, khối lượng OI của toàn thị trường đạt 16.855 hợp đồng. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tiếp tục tăng. Cuối tháng 11, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 54.773 tài khoản, tăng 7,49% so với tháng 10. Hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức trong nước và nước ngoài chỉ chiếm dưới 1% khối lượng giao dịch toàn thị trường, trong đó hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán chiếm 0,2% khối lượng giao dịch. (Theo HNX ngày 05/12)

Trái phiếu

Ngày 05/12, HNX đã tổ chức đấu thầu TPCP do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 4.500 tỷ đồng tại các kỳ hạn 5 năm (500 tỷ đồng), 10 năm (2 nghìn tỷ đồng), 15 năm (2 nghìn tỷ đồng).

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 2 nghìn tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,10%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 28/11/2018). Phiên thầu phụ kỳ hạn 10 năm gọi thầu 600 tỷ đồng, huy động được 600 tỷ đồng với lãi suất 5,10%/năm.

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 2 nghìn tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,3%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 28/11/2018). Phiên thầu phụ kỳ hạn 15 năm gọi thầu 600 tỷ đồng, huy động được 600 tỷ đồng với lãi suất 5,3%/năm.

- Kỳ hạn 5 năm: Không trúng thầu.

Kể từ đầu năm 2018, KBNN huy động được 142.547 tỷ đồng thông qua đấu thầu tại HNX.

- Trên thị trường TPCP sơ cấp:  Tháng 11/2018, HNX đã tổ chức 14 phiên đấu thầu TPCP, huy động được tổng cộng 10.220 tỷ đồng, tăng 23% so với tháng 10; trong đó, tất cả trái phiếu huy động được là do Kho bạc Nhà nước phát hành.

Tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu tháng 11 đạt 52,1%. Khối lượng đặt thầu của tháng 11 gấp 1,78 lần khối lượng gọi thầu.

Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 10 năm nằm trong khoảng 5 - 5,1%/năm, 15 năm trong khoảng 5,25 - 5,3%/năm. So với tháng 10, lãi suất trúng thầu của trái phiếu chính phủ tăng trên các kỳ hạn: 10 năm (tăng 0,15%/năm), 15 năm (tăng 0,1%/năm).

- Trên thị trường TPCP thứ cấp: Tháng 11/2018, tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 515 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 56,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,15% về giá trị so với tháng 10.

Tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch mua bán lại (repos) đạt hơn 753 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 74,7 nghìn tỷ đồng, giảm 16,3% về giá trị so với tháng 10.

(Theo HNX ngày 03/12)

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 03/12 - 07/12/2018, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 3,77 điểm (0,39%) lên 958,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 209,59 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.762,23 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,04 điểm (0,03%) lên 107,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 39,45 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 581,93 tỷ đồng/ngày.

 - Upcom-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,43 điểm (0,81%) lên 53,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 12,64 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 255,16 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5.503.779 đơn vị, trị giá 106,23 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 3 ngày bán ròng và 2 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 1,31 triệu đơn vị, trị giá 145,14 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 945.970 đơn vị, trị giá 180,68 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 3 ngày bán ròng và 2 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 4,39 triệu đơn vị, trị giá 48,57 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 6,78 triệu đơn vị, trị giá 84,39 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 196.221 đơn vị, trị giá 87,48 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 3,1 triệu đơn vị, trị giá 145,14 tỷ đồng).

Nhận định

chuyên gia

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB), ông Ousmane Dione (05/12):

Để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10 nghìn USD/người/năm vào năm 2035, Việt Nam cần ưu tiên thực hiện 4 vấn đề.

(i) Cải cách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước cần phải được đẩy mạnh mạnh mẽ, nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.

(ii) Đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng yếu của quốc gia như đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt, Sân bay Long Thành và các cảng biển quan trọng cần được nằm trong chiến lược tổng thể về kết nối vận tải đa phương thức.

Đứng trước những khó khăn về tài chính, việc giải phóng nguồn đầu tư tư nhân có thể có ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đầu tư cao của Việt Nam.

(iii) Việt Nam cần những kiến thức và kỹ năng của thế kỷ 21 để năng suất lao động cao hơn, điều này đòi hỏi phải tập trung vào chất lượng và sự phù hợp của giáo dục đại học và dạy nghề.

(iv) Hướng tới tăng trưởng bền vững, thân thiện với môi trường: Sự tăng trưởng nhanh của Việt Nam đang tạo ra chi phí môi trường ngày càng lớn. Sự suy thoái đất và xói mòn đất, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí ngày càng tăng nhanh, làm khan hiếm dần nguồn nước, phá rừng…