Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 15-20/01/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Dịch vụ

Tính đến hết năm 2017, tổng tài sản toàn thị trường bảo hiểm đạt khoảng 302.935 tỷ đồng (tăng 23,44% so với năm 2016), tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 248 nghìn tỷ đồng (tăng 26,74%), tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt khoảng 106 nghìn tỷ đồng (tăng 21,20%), số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 29 nghìn tỷ đồng. (Theo Bộ Tài chính ngày 15/01)

Doanh nghiệp

Trong năm 2017, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC đã mua nợ thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt đạt 32.377 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua là 31.831 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Lũy kế từ khi thành lập đến hết ngày 31/12/2017, VAMC đã mua được 26.221 khoản nợ của 16.269 khách hàng tại 42 tổ chức tài chính, với tổng dư nợ gốc nội bảng 307.932 tỷ đồng, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VAMC cũng đã ký hợp đồng với 5 tổ chức tín dụng (TCTD) để mua nợ theo giá thị trường đối với 6 khách hàng với tổng giá mua nợ 3.142,07 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, VAMC đã thanh toán dứt điểm cho 3 TCTD trong năm 2017. VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được 30.700 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch thu hồi nợ năm 2017 được NHNN giao (22.000 tỷ đồng), tăng 2.700 tỷ đồng so với năm 2016. (Theo VAMC ngày 18/01)

Tăng trưởng

Trong năm 2018, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh (khoảng 6,8%), do hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô đều được cải thiện trong năm 2017, giúp giảm thiểu nguy cơ bất ổn của thị trường, gia tăng tính cạnh tranh trong xuất khẩu so với các nền kinh tế ASEAN khác; thu hút vốn FDI, năng lực quản lý và các chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... góp phần xây dựng niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và tạo điều kiện cho Việt Nam duy trì là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong năm 2018. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm 2018 (có thể đạt gần 15 tỷ USD). (Theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered ngày 17/01)

Sản xuất công nghiệp

Trong năm 2017:

- Sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép của các doanh nghiệp thành viên đạt 21,062 triệu tấn, tăng 24,3% so với năm 2016. Lượng thép các loại bán ra đạt gần 18 triệu tấn, tăng 20,7% so với năm 2016.

- Nhập khẩu thép các loại của Việt Nam tính đến hết ngày 30/11/2017 đạt hơn 18,2 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 9,63 tỷ USD, giảm 14% về lượng, nhưng vẫn tăng 15% về giá trị. Hiện Việt Nam nhập khẩu thép chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, với lượng nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn thép, giảm 33% về lượng và giảm 5% về trị giá. Tỷ trọng thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 47% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu của Việt Nam.

- Xuất khẩu thép của Việt Nam đạt hơn 4,3 triệu tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3 tỷ USD, tăng 33% về lượng và tăng 56% về giá trị. Hiện ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu hơn 2,4 triệu tấn, chiếm tới 58,6% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu.

(Theo Hiệp hội Thép Việt Nam - VSA ngày 18/01)

Tổng cầu


Ngân sách Nhà nước

Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (Việt Nam - EAEU FTA) giai đoạn 2018 - 2022 gồm 10.865 dòng thuế, trong đó có 10.771 dòng thuế chi tiết ở cấp độ 8 số và 94 dòng thuế được chi tiết ở cấp độ 10 số.

Trong năm 2018, Biểu thuế Việt Nam - EAEU FTA có 5.535 dòng thuế được cắt giảm về 0%, tập trung chủ yếu vào các nhóm mặt hàng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất xuất khẩu như nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, linh kiện điện tử, nhựa nguyên liệu, phân bón, ngô, lúa mỳ... Tổng cộng có khoảng 9.262 dòng thuế (tương đương với 77% tổng Biểu) được cắt giảm thuế so với năm 2017.

Ngoài 1.372 dòng thuế không được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam - EAEU FTA (tương đương với 12,9% tổng Biểu giai đoạn 2018 - 2022) do thuộc danh mục không cam kết, 3.720 dòng thuế còn lại vẫn đang tiếp tục được cắt giảm dần về 0% bao gồm: Sữa và sản phẩm từ sữa, hóa chất và sản phẩm hóa chất, ô tô và phụ tùng linh kiện ô tô, giấy các loại, sắt thép và sản phẩm sắt thép, sản phẩm cao su, hàng điện gia dụng, máy móc thiết bị... (Theo vov.vn ngày 17/01)

Trong năm 2017, việc giải ngân đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông của Bộ Giao thông vận tải đạt khoảng 60.761,5 tỷ đồng, bằng 94% kế hoạch do Chính phủ giao.

Trong đó, các nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân thấp nhất là từ nguồn trái phiếu chính phủ (78,5%), vay nước ngoài (91,7%), ngân sách (93,5%). Dự kiến năm 2018, ngành Giao thông vận tải sẽ giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao (trên 31.229,5 tỷ đồng). Trong đó, nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước khoảng 21.229,5 tỷ đồng và vốn ngoài ngân sách là 10.000 tỷ đồng. (Theo Bộ Giao thông vận tải ngày 18/01)

Đầu tư

Hiện doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 276 dự án tại Lào, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 5 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực năng lượng, dịch vụ, hạ tầng, khai khoáng, nông - lâm nghiệp.

Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong số các nhà đầu tư tại Lào. Riêng thành phố Hồ Chí Minh tính đến tháng 6/2017, có 36 doanh nghiệp được cấp phép đầu tư tại Lào với tổng vốn gần 345 triệu USD. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 18/01)

Xuất nhập khẩu

Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 12/2017 (từ ngày 16/12/2017 - 31/12/2017) đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 2% tương ứng tăng hơn 392 triệu USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 12/2017; cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 207 triệu USD.

Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của cả nước năm 2017 đạt 425,12 tỷ USD, tăng 21% tương ứng tăng 73,74 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016; cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,92 tỷ USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 15/01)

Trong năm 2017, kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam sang khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đạt khoảng 49,4 tỷ USD, tăng 18,8% so với năm 2016 (năm 2016, kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt khoảng 41,6 tỷ USD). Nhập siêu của Việt Nam từ ASEAN đạt 5,9 tỷ USD, giảm 9,5% so với mức nhập siêu của năm 2016.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm 2016. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 27,7 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2016. (Theo Báo Điện tử Vinanet ngày 14/01)

Trong năm 2017, tổng giá trị kim ngạch hàng xuất khẩu Hàn Quốc vào Việt Nam đạt gần 48 tỷ USD, chiếm hơn 8% tỷ trọng hàng xuất khẩu của Hàn Quốc, tăng gấp 2 lần so với năm 2014.

Thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Việt Nam liên tục tăng trong vài năm gần đây, vượt 10 tỷ USD (năm 2012); đạt 20 tỷ USD (năm 2016) và đạt hơn 31 tỷ USD (năm 2017). Các mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu bán dẫn, màn hình phẳng, thiết bị cảm ứng, các thiết bị viễn thông di động. (Theo Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc - KITA ngày 18/01)

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Lào năm 2017 đã tăng trưởng hơn 900 triệu USD, tăng 10% so với năm 2016. Việc thực hiện Hiệp định Thương mại song phương và Hiệp định Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương hai nước chạm mốc 4 tỷ USD vào năm 2020. (Theo Bộ Công Thương Việt Nam ngày 18/01)

Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giầy đạt 17,93 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2016; trong đó, xuất khẩu giầy dép đạt 14,67 tỷ USD, tăng 12,8%; túi cặp, vali các loại đạt 3,26 tỷ USD, tăng 2%.

Dự báo năm 2018 chỉ số sản xuất ngành da - giầy tăng 5% so với năm 2017; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 19,5 - 20 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017 và chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giầy đạt 55%. Xuất khẩu giầy dép tiếp tục đứng thứ 4 và túi - cặp đứng thứ 10 trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. (Theo Hiệp hội da - giầy - túi xách Việt Nam - Lefaso ngày 12/01)

Năm 2017, cả nước nhập khẩu 97.213 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng giá trị kim ngạch đạt gần 2,2 tỷ USD, giảm 13,6% về lượng và giảm 6,1% về trị giá so với năm 2016. Trong đó chỉ có 38.832 xe ô tô con (xe dưới 9 chỗ ngồi) được nhập khẩu về Việt Nam, trị giá gần 718 triệu USD.

So với năm 2016, số lượng ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu về Việt Nam giảm 9.916 xe, tuy nhiên trị giá kim ngạch tăng thêm khoảng 30 triệu USD. Tính bình quân năm 2017, một xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có giá gần 18.500 USD/xe (chưa tính các khoản thuế), trong khi năm 2016 mức giá bình quân chỉ trên 14.100 USD/xe. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 15/01)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày tăng, 2 ngày giảm và 1 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 20/01, so với ngày 19/01, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,68 - 36,87 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 70 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Bảo Tín Minh Châu: 35,95 - 36,65 triệu đồng/lượng, không thay đổi.

- Doji: 36,75 - 36,82 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 60 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 10 đồng so với tuần trước với 1 ngày tăng, 3 ngày giảm giá và 2 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 20/01, tỷ giá trung tâm là 22.406 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 19/01; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại không thay đổi so với ngày 12/01 như sau: Vietcombank, BIDV và Vietinbank: 22.675 - 22.745 VND/USD, không thay đổi.

Dự trữ ngoại hối

Dự trữ ngoại hối tính đến ngày 12/01 đạt 54,5 tỷ USD. Riêng 2 tuần đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã mua ròng 2,5 tỷ USD và nâng tổng số ngoại tệ đã mua được từ khi áp dụng chính sách tỷ giá trung tâm (đầu năm 2016) đến ngày 12/01/2018 lên 22 tỷ USD. Đây là mức dự trữ kỷ lục, giúp tăng niềm tin cho doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. (Theo NHNN ngày 12/01)

Lãi suất

NHNN ngày 12/01 đã chính thức giảm lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) từ 5%/năm xuống 4,75%/năm. Đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 3/2014. Động thái giảm lãi suất hiện không có nhiều ý nghĩa đối với thị trường, do từ tháng 5/2017 đến nay, kênh cho vay qua OMO diễn ra với những phiên nhỏ giọt, hàng loạt phiên chào quy mô chỉ 1.000 tỷ đồng và hầu hết đều không có khối lượng trúng thầu.

Tuy nhiên, đây là tín hiệu từ nhà điều hành, cũng như mức điều chỉnh có tác dụng trực tiếp đối với chi phí vay vốn của các thành viên tiếp cận kênh OMO khi nhu cầu vốn mùa cao điểm thanh toán và chi trả đang đến gần. (Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 15/01)

Lao động

Trong năm 2017, cả nước đưa được 134.751 lao động (trong đó 53.340 lao động nữ; chiếm 39,6%) đi làm việc ở nước ngoài; vượt 28,3% so với kế hoạch năm và bằng 106,7% so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2016. Đặc biệt, thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với 54.504 lao động (24.502 lao động nữ).

Tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản đạt hơn 100.000 người và Việt Nam đã trở thành nước có số lượng thực tập sinh phái cử nhiều nhất trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản. Đài Loan tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 66.926 lao động (23.530 lao động nữ).

Đây là năm thứ hai liên tiếp số lượng lao động đưa đi Đài Loan đạt trên 60.000 người (chiếm gần 50% tổng số lao động Việt Nam được đưa đi làm việc tại các thị trường trong cả năm). Mục tiêu năm 2018 đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. (Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 18/01)

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Trong tuần từ 15/01 - 19/01/2018, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 11,82 điểm (1,13%) lên 1.062,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 317,26 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 8.418,12 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 ngày tăng và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,5 điểm (0,41%) lên 122,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 71,44 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 802,57 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,04 điểm (0,08%) lên 58,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 12,88 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 197,13 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 53.474.813 đơn vị, trị giá 2.698,91 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu bán ròng mạnh nhất là VIC với khối lượng 4,63 triệu đơn vị, trị giá hơn 400 tỷ đồng; cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là VNM với khối lượng 692.420 đơn vị, trị giá 142,6 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 5 ngày mua ròng liên tiếp, với khối lượng 50,28 triệu đơn vị, trị giá 2.428,15 tỷ đồng, tăng 7,18% về lượng nhưng giảm 3,24% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại thực hiện 3 ngày bán ròng và 2 phiên mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 475.187 đơn vị, trị giá 23,25 tỷ đồng, giảm 82% về lượng và 66% về giá trị so với tuần trước.

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 phiên mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 3,67 triệu đơn vị, trị giá 294,01 tỷ đồng, tăng 3,14% về lượng và 88,38% về giá trị so với tuần trước.

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) sẽ chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư vào ngày 02/02/2018, với số lượng 475,1 triệu cổ phiếu, tương đương gần 12% vốn điều lệ của VRG, giá chào là 16.660 đồng/cổ phiếu.

Trong năm 2017, VRG đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu như sản lượng cao su khai thác đạt 109% kế hoạch của năm; sản lượng gỗ (103%)... Tổng tài sản VRG đạt 73.000 tỷ đồng; doanh thu hợp nhất khoảng 19.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 3.600 tỷ đồng. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 18/01)

Bất động sản

2017 là năm chứng kiến nhiều giao dịch M&A lớn trên thị trường bất động sản với tổng giá trị đạt 1,5 tỷ USD. Một số giao dịch đáng chú ý như Quỹ Đầu tư Warburg Pincus thành lập liên doanh với VinaCapital có quy mô 300 triệu USD, phục vụ cho mục tiêu đầu tư vào phân khúc khách sạn nghỉ dưỡng; Warburg Pincus thâu tóm công ty quản lý khách sạn Serenity Holding hay 50% cổ phần trong khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội…

Dự báo xu thế gia tăng M&A sẽ tiếp tục trong năm 2018 với giá trị kỳ vọng 1,5 - 2 tỷ USD, chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Hàn Quốc. (Theo Hãng Tư vấn JLL Việt Nam ngày 16/01)

Thị trường bất động sản Việt Nam trong 2 năm qua phát triển đúng hướng, ổn định với lượng giao dịch bất động sản năm 2017 tăng mạnh so với năm 2016.

Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2017 có 64.000 giao dịch trong khi năm 2016 chỉ có khoảng 40.000 giao dịch; giá bất động sản tương đối ổn định, phân khúc nhà ở giá rẻ thanh khoản tốt; tổng dư nợ tín dụng bất động sản có xu hướng giảm, dòng tín dụng trong lĩnh vực này được NHNN điều hành thận trọng và an toàn hơn.

Bên cạnh đó, năm 2017, hoạt động xây dựng tăng 8,7% so với năm 2016. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 37,5% (tăng 0,9% so với năm 2016). Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4 m2 sàn/người, tăng 0,6 m2 sàn/người so với năm 2016.

Tổng số dự án bất động sản đang triển khai là 3.077 dự án với vốn đầu tư khoảng 3,3 triệu tỷ đồng, sử dụng 79.943 héc-ta đất. Dư nợ tín dụng bất động sản tính đến quý III/2017 là khoảng 447.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6 - 8% tổng dư nợ tín dụng và ở trong ngưỡng an toàn. (Theo Bộ Xây dựng ngày 16/01)

Trái phiếu

Trong tuần đầu tiên của tháng 01/2018, Kho bạc Nhà nước huy động được 3.105 tỷ đồng qua 2 đợt phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm và 10 năm, với tỷ lệ trúng thầu đạt 90%. Lãi suất trúng thầu loại trái phiếu có kỳ hạn 5 năm giảm 0,22%/năm và kỳ hạn 10 năm giảm 0,13%/năm so với cuối năm 2017.

Thị trường trái phiếu chính phủ năm 2018 dự báo ít biến động với triển vọng kinh tế vĩ mô tiếp tục tăng trưởng 6,8% trở lên, lạm phát dưới 4%. Khối lượng phát hành dự kiến khoảng 180.000 tỷ đồng; lãi suất trúng thầu nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức thấp. (Theo Báo Đầu tư ngày 17/01)

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước (KBNN) gọi thầu 4.500 tỷ đồng cho 3 loại kỳ hạn: 10 năm; 15 năm và 30 năm, khối lượng trúng thầu đạt 4.500 tỷ đồng (đạt 100%).

- 10 năm: Huy động được 1.500 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu là 4,7%/năm.

- 15 năm: Huy động được 1.500 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu là 5,03%.

- 30 năm: Huy động được 1.500 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu chỉ là 5,4%. Phiên đấu thầu phụ huy động được 450 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2018 đến ngày 17/01, KBNN đã huy động thành công 13.055 tỷ đồng trái phiếu chính phủ thông qua đấu thầu tại HNX.

(Theo HNX ngày 17/01)

Nhận định

chuyên gia

Theo Tạp chí Nhịp sống số ngày 16/01, trong bài viết “Việt Nam đang theo công thức tiền tệ của các “con hổ” châu Á để tăng trưởng kinh tế nhanh” đăng trên Tạp chí Forbes của tác giả Salvatore Babones, một giáo sư xã hội học thuộc Đại học Sydney:

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng từ 40 tỷ USD lên gần 55 tỷ USD vào ngày 12/01. Tăng dự trữ ngoại hối là đường lối đúng đắn đối với một nền kinh tế hướng tới xuất khẩu như Việt Nam. Nếu NHNN có thể tiếp tục theo đuổi chính sách duy trì tiền VND được định giá thấp nhưng tăng giá từ từ trong 20 - 30 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành “con hổ” thứ năm của châu Á.