Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 26/02-03/3/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered (Việt Nam) tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên hơn 4.215 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được chủ sở hữu phê duyệt tại Nghị quyết ngày 28/9/2017. Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng tín dụng từng năm của toàn hệ thống và đánh giá tình hình hoạt động, tài chính và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered (Việt Nam).

(Theo Báo Chính phủ ngày 26/02)

Tính đến ngày 31/12/2017 đã có 126/178 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được cung cấp tối thiểu mức độ 3 trên môi trường mạng. Trong đó, 123 thủ tục được cung cấp ở mức độ 4 (mức độ cao nhất về dịch vụ công trực tuyến ở Việt Nam). Trong năm 2018, Tổng cục Hải quan tiếp tục mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tối thiểu mức độ 3 cho 42 thủ tục. Như vậy, số lượng thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 sẽ nâng lên 168/178 thủ tục, tương đương 94%. (Theo Cục Công nghệ thông tin và Thống kê, Tổng cục Hải quan ngày 24/02)

Trong tháng 02/2018, cả nước có:

+ 7.864 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 99,1 nghìn tỷ đồng, giảm 27,4% về số doanh nghiệp và tăng 0,8% về số vốn đăng ký so với tháng 1.

+ 2.319 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 49,4% so với tháng 1

+ 4.232 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động bao gồm 2.677 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 1.555 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 68,2% so với tháng 1.

+ 975 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 37,3% so với tháng 1.

Tính chung 2 tháng đầu năm, cả nước có 18.703 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 197,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29,4% về số doanh nghiệp và tăng 29,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; 6.878 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2017, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên 25,6 nghìn doanh nghiệp; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 17.132 doanh nghiệp, tăng 4,5%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2.529 doanh nghiệp, tăng 0,2%.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/02)

Ngày 27/02, Fitch Ratings đã công bố xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) đối với MBBank tăng từ “B” lên “B+” với triển vọng ổn định, đồng thời giữ nguyên xếp hạng với Ngân hàng ACB ở mức “B” với triển vọng ổn định và Ngân hàng VietinBank, Vietcombank cùng Agirbank ở mức “B+” với triển vọng tích cực. Fitch cũng nâng sức mạnh độc lập (VR) của Ngân hàng VietinBank và Vietcombank lên “B” từ mức “B-” và đánh giá sức mạnh độc lập của MBBank từ “B” lên “B+”. Ngân hàng Agribank tiếp tục được xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn ở mức “B+” với triển vọng “tích cực”, sàn xếp hạng hỗ trợ ở mức “B+”.

Một trong các nguyên nhân làm cho Fitch Ratings đưa ra đánh giá tích cực là nhờ sự cải thiện về môi trường hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Việc hoạch định chính sách kinh tế từ các nhà chức trách giúp thúc đẩy sự ổn định về kinh tế vĩ mô và khả năng dự báo. (Theo Fitch Ratings ngày 27/02)

Tăng trưởng

Trong năm 2017, GDP bình quân đầu người của Việt Nam rất thấp, đạt 2.385 USD; nếu xét trong khối ASEAN, mức thu nhập này chỉ cao hơn Cambodia và Myanmar. Mục tiêu đến năm 2035, thu nhập bình quân đầu người khoảng 10.000 USD, trong khi Trung Quốc đã đạt mức thu nhập bình quân hơn 8.000 USD và mục tiêu 10.000 USD vào năm 2020.Việc tăng GDP đầu người là một trong những mục tiêu cụ thể, là thước đo sự thịnh vượng của một quốc gia, do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 6 giải pháp nhằm hướng tới quốc gia thịnh vượng: (i) Hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực kinh tế tư nhân (trọng tâm là doanh nghiệp tư nhân); (ii) Xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo của quốc gia, hướng tới một nền kinh tế dựa vào tri thức, đổi mới sáng tạo; (iii) Đổi mới thể chế thúc đẩy phát triển đô thị, tăng cường kết nối giữa đô thị và nông thôn cũng như các khu vực lân cận; (iv) Phát triển bền vững môi trường, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; (v) Đảm bảo công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội, tạo cơ hội bình đẳng cho nhóm yếu thế và thúc đẩy hòa nhập ở nhóm trung lưu; (vi) Xây dựng một thể chế hiện đại, một Nhà nước hiệu quả. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25/02)

PMI

PMI Việt Nam (chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất) tăng từ 53,4 điểm của tháng 1 lên 53,5 điểm trong tháng 2, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của sức khỏe lĩnh vực sản xuất. Các điều kiện kinh doanh liên tục được cải thiện kể từ tháng 12/2015. Sản lượng sản xuất tăng nhanh nhất trong 10 tháng qua, trong khi hoạt động mua hàng tăng mạnh nhất kể từ cuối năm 2016. (Theo Nikkei ngày 01/3)

Sản xuất công nghiệp

Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 02/2018 vừa được Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) công bố cho thấy, chỉ số công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 15,2%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua (cùng kỳ năm 2017 chỉ tăng 2,4%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh cùng với mức tăng trưởng dương của ngành khai khoáng (cùng kỳ năm 2016 và 2017 tăng trưởng âm) là hai động lực chính thúc đẩy tăng trưởng chung. Trong đó, ngành chế, biến chế tạo tăng 17,7% cũng là mức tăng cao nhất nhiều năm; ngành khai khoáng tăng 5,7% sau 2 năm liên tục giảm. (Theo Báo Đầu tư ngày 02/3)

Dịch vụ

Trong tháng 02/2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 1.431.845 lượt, tăng 0,1% so với tháng 01/2018 và tăng 19,4% so với tháng 02/2017. Tính chung 2 tháng đầu năm đạt khoảng 2.862.087 lượt khách, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2017. Khách du lịch nội địa đạt khoảng 15,6 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 118.800 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng khách đến bằng đường hàng không đạt 1.145.961 lượt, chiếm 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam (tăng 16,5 %); khách đến bằng phương tiện đường biển đạt 57.850 lượt, chiếm 4% (giảm 18,6%); khách đến bằng đường bộ đạt 228.034 lượt, chiếm 16% (tăng 58%) so với tháng 02/2017. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/02)

Đầu tư

Trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 3,34 tỷ USD, bằng 98,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tính đến ngày 20/02, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 9,7% so cùng kỳ năm 2017. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành, lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,83 tỷ USD, chiếm 54,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; xây dựng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 345,4 triệu USD; tiếp đến là kinh doanh bất động sản (312,1 triệu USD)...

(Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 27/02)

Trong tháng 02/2018, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt khoảng 12.582 tỷ đồng, bao gồm vốn trung ương 2.489 tỷ đồng và vốn địa phương 10.093 tỷ đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 29.076 tỷ đồng, bằng 8,6% kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vốn trung ương quản lý đạt 5.632 tỷ đồng, bằng 8,5% kế hoạch năm và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2017. Bộ Giao thông vận tải là đơn vị có vốn thực hiện cao nhất với 2.008 tỷ đồng, bằng 10,9% và giảm 22,4% so với năm 2017. Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương quản lý đạt 23.444 tỷ đồng, bằng 8,6% kế hoạch năm và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2017. Hoạt động đầu tư trong tháng chủ yếu tập trung thực hiện các dự án, công trình chuyển tiếp từ năm trước và triển khai kế hoạch đầu tư năm 2018. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 02/3)

Ủy ban châu Âu và Bộ Công Thương ngày 27/02 đã chính thức ra mắt Hợp phần Hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam. Đây là một hợp phần hỗ trợ kỹ thuật cho công tác triển khai Chương trình Hỗ trợ chính sách ngành năng lượng trị giá 108 triệu EUR của EU, nhằm tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững cho khu vực nông thôn Việt Nam, góp phần xây dựng một ngành năng lượng bền vững hơn thông qua việc khuyến khích hiệu quả năng lượng, năng lượng sạch và tái tạo. Dự kiến sau khi kết thúc chương trình sẽ có khoảng 750 thôn, bản, 1 huyện đảo và 2 xã đảo được cấp điện với khoảng 60.000 hộ dân có điện. (Theo Ủy ban châu Âu và Bộ Công Thương ngày 27/02)

Tổng cầu


Xuất nhập khẩu

Thặng dư thương mại nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trong 2 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 0,81 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó:

- Kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tháng 02/2018 đạt khoảng 2,6 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2018 đạt 6,1 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 3,3 tỷ USD, tăng 27,8%; thuỷ sản chính đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 29,5%; lâm sản chính đạt khoảng 1,43 tỷ USD, tăng 28,5%; nhóm các mặt hàng khác đạt 237 triệu USD, tăng 107,1%.

- Kim ngạch nhập khẩu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tháng 02/2018 đạt 2,53 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 5,29 tỷ USD tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 4,12 tỷ USD, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2017.

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 23/02)

Gần 4 tháng (bắt đầu từ ngày 17/10/2017 đến hết ngày 15/02/2018) sau khi Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô bắt đầu có hiệu lực, cả nước nhập khẩu khoảng 4.780 chiếc xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, chiếm gần 20% tổng lượng xe nhập khẩu toàn thị trường (trên 23.800 chiếc). Trong khi lượng xe nhập khẩu giai đoạn 15/10/2016 - 15/2/2017 (4 tháng) đạt hơn 40.700 chiếc, cao gấp 2 lần so với giai đoạn 17/10/2017 - 15/02/2018; trong đó xe con đạt hơn 22.700 chiếc, cao gấp 5 lần. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy những điều kiện, khó khăn của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP đã ảnh hưởng trực tiếp đến lượng xe con nhập khẩu về Việt Nam, trong đó xe có xuất xứ từ Indonesia, Thái Lan giảm mạnh nhất.(Theo Tổng cục Hải quan ngày 26/02)

Trong 15 ngày đầu tháng 02/2018:

- Kim ngạch xuất - nhập khẩu của cả nước đạt 16,95 tỷ USD, giảm 21,3% so với nửa cuối tháng 01/2018. Tuy nhiên, kim ngạch xuất - nhập khẩu lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/02 vẫn đạt 57,12 tỷ USD, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/02/2018 thặng dư 1,67 tỷ USD. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động xuất - nhập khẩu, khi kim ngạch xuất - nhập khẩu tính đến ngày 15/02 đạt 36,82 tỷ USD, tăng 37% (tăng 9,94 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại thặng dư hơn 4,28 tỷ USD.

- Tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt xấp xỉ 9,2 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến ngày 15/02, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 29,395 tỷ USD, tăng 45,8% so với cùng kỳ 2017, tương đương tăng thêm 9,235 tỷ USD, mức tăng trưởng kỷ lục của hoạt động xuất khẩu. Trong đó, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đã đóng góp tích cực vào kết quả trên, với 5,742 tỷ USD, tăng gần 64,6% so với cùng kỳ năm 2017.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 27/02 và 01/3)

Trong thời gian 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất năm 2018 (tính từ ngày 14/02/2018 - 20/02/2018), trên phạm vi toàn quốc có 108 chi cục hải quan và tương đương có phát sinh hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa, với số lượng tờ khai đăng ký gần 5.100 tờ. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu sơ bộ đạt 893 triệu USD, tăng 47% so với dịp nghỉ tết một năm trước đó. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 289 triệu USD, tăng gần 50% và kim ngạch nhập khẩu là 604 triệu USD, tăng 45,7%. Nhập siêu của Việt Nam đạt 315 triệu USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 23/02)

Trong tháng 01/2018:

- Xuất khẩu cao su tăng cả khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2017, tăng 45,7% về khối lượng và 10,8% về trị giá; tương ứng 135.700 tấn, trị giá 198,6 triệu USD. Giá xuất khẩu cao su đạt bình quân 1.462,7 USD/tấn. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính mặt hàng cao su của Việt Nam, với 55,2% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của cả nước. Thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo là Malasyia và Ấn Độ. Lượng cao su xuất sang hai thị trường này đều tăng mạnh cả khối lượng và giá trị kim ngạch, đạt trên 100%.

- Xuất khẩu xi măng và clinker ra thị trường nước ngoài tăng 121% về khối lượng và tăng 112% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017, đạt 2,9 triệu tấn, tương đương 101,12 triệu USD. Giá xi măng, clinker xuất khẩu giảm 4,6% so với tháng 12/2017, đạt trung bình 34,8 USD/tấn. Trong số 12 thị trường chủ yếu xuất khẩu xi măng clinker của Việt Nam, xuất khẩu sang Bangladesh nhiều nhất, chiếm 31,3% trong tổng lượng xuất khẩu xi măng, clinker của cả nước, với trên 909.109 tấn. Philippines là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai, chiếm 20% trong tổng lượng xuất khẩu xi măng và clinhker của cả nước, đạt trị giá 26,06 triệu USD.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 28/02)

Trong tháng 02/2018, Việt Nam chi 105 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng rau quả, nâng tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong tháng 2 đầu năm 2018 lên 272 triệu USD. Giá trị nhập khẩu mặt hàng rau đạt khoảng 72 triệu USD, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2017 và mặt hàng quả đạt 196 triệu USD, tăng 55,9% so cùng kỳ . Hai thị trường mà Việt Nam nhập khẩu rau quả nhiều nhất vẫn là Thái Lan (chiếm 44% thị phần) và Trung Quốc (chiếm 23% thị phần).

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 28/02)

2 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất siêu 1,08 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,68 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,76 tỷ USD.

- Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 33,62 tỷ USD, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,66 tỷ USD, tăng 25,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt gần 24 tỷ USD, tăng gần 22%. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 6,2 tỷ USD, tăng gần 65% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ xếp thứ 2 với 6 tỷ USD, tăng 14%; EU đạt 5,8 tỷ USD, tăng 15%; ASEAN đạt 3,5 tỷ USD; Nhật Bản đạt 2,6 tỷ USD và Hàn Quốc đạt 2,6 tỷ USD, tăng mạnh hơn 36%.

- Kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 32 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 13 tỷ USD, tăng hơn 16%; khu vực FDI đạt hơn 19 tỷ USD, tăng hơn 14%. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,4 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp đến là Hàn Quốc đạt 7 tỷ USD; ASEAN đạt 4,4 tỷ USD; Nhật Bản đạt 2,5 tỷ USD; EU đạt 1,8 tỷ USD; Hoa Kỳ đạt 1,4 tỷ USD.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 01/3)

Ngân sách Nhà nước

Tính đến ngày 31/12/2017, tổng nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do cơ quan thuế quản lý đạt hơn 73.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan trách nhiệm hình sự... là trên 31.400 tỷ đồng (chiếm 43% tổng số thuế nợ và chiếm 3,2% tổng thu nội địa năm 2017). Tổng số nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do cơ quan hải quan quản lý tính đến hết năm 2017 là hơn 5.400 tỷ đồng, tăng 23,5% so với thời điểm ngày 31/12/2016. Như vậy, tổng số nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do cơ quan thuế và hải quan quản lý khoảng trên 35.300 tỷ đồng, chiếm 2,75% tổng thu thuế, phí, lệ phí năm 2017 và gần một nửa số nợ thuế. (Theo Bộ Tài chính ngày 01/3)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 6 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch ngày 03/3, so với ngày 02/3, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,62 - 36,84 triệu đồng/lượng, giảm 80 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 130 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,15 - 36,95 triệu đồng/lượng, giảm 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,75 - 36,82 triệu đồng/lượng, giảm 160 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 130 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 20 đồng so với tuần trước với 3 ngày tăng, 2 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 03/3, tỷ giá trung tâm là 22.468 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 02/3; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại tăng so với ngày 02/3 như sau:

- Vietinbank: 22.721 - 22.791 VND/USD, tăng 45 đồng.

- Vietcombank và BIDV: 22.720 - 22.790 VND/USD, không thay đổi.

Lạm phát

Trong tháng 02/2018, CPI tăng 0,73% so với tháng 1 (tăng 1,24%) và tăng 3,15% so với cùng kỳ năm 2017. CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017 tăng 2,9%. Lạm phát cơ bản tháng 02/2018 tăng 0,49% so với tháng 1 và tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2017. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm 2018 tăng 1,32% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/02)

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Trong tuần từ 26/02 - 02/3/2018, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 5,42 điểm (0,49%) lên 1.121,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 220,15 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 7.094,29 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 ngày tăng và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 1,15 điểm (0,91%) lên 128,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 63,19 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 1.092,16 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 4 ngày tăng điểm và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,35 điểm (0,58%) lên 60,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 12,58 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 253,67 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 39.1820.068 đơn vị, trị giá 1.324,77 tỷ đồng.

- HOSE Khối ngoại thực hiện 5 ngày bán ròng liên tiếp với khối lượng 28,08 triệu đơn vị, trị giá 1.078,49 tỷ đồng.

- HNX: Khối ngoại thực hiện 4 ngày bán ròng và 1 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 5.490.000 đơn vị, trị giá 91,36 tỷ đồng.

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 1 ngày mua ròng và 4 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 5.612.068 đơn vị, trị giá 154,92 tỷ đồng.

Chứng khoán

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong những ngày đầu năm 2018 tiếp tục có những tín hiệu khả quan khi thanh khoản thị trường tiếp tục tăng mạnh với giá trị bình quân đạt trên 8.000 tỷ đồng/phiên. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 12,6 nghìn tỷ đồng, gần bằng 48% của cả năm 2017. Bên cạnh đó, các chuyên gia, tổ chức đầu tư trong và ngoài nước đánh giá Việt Nam có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định sẽ tiếp tục hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh. (Theo Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh - HOSE ngày 23/02)

Trái phiếu

Trong tháng 02/2018:

- Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX đã tổ chức 6 phiên đấu thầu, huy động được tổng cộng 10.015 tỷ đồng trái phiếu, giảm 48% so với tháng 01/2018. Tất cả trái phiếu trúng thầu trong tháng 02/2018 đều do Kho bạc Nhà nước phát hành với tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu đạt 85%. Khối lượng đặt thầu của tháng 2 khá cao, gấp 3,7 lần khối lượng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu của trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm là 3,05%/năm, 7 năm là 3,4%/năm, 10 năm khoảng 4 - 4,35%/năm, 15 năm khoảng 4,4 - 4,5%/năm. So với tháng 01/2018, lãi suất trúng thầu của TPCP giảm trên tất cả các kỳ hạn: Kỳ hạn 5 năm giảm 1,25%/năm, 7 năm giảm 0,95%/năm, 10 năm giảm 0,38%/năm, 15 năm giảm 0,1%/năm.

- Trên thị trường TPCP thứ cấp, tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 645 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 73,9 nghìn tỷ đồng, giảm 37% về giá trị so với tháng 01/2018. Tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch mua bán lại (repos) đạt hơn 806 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 83,8 nghìn tỷ đồng, giảm 29% về giá trị so với tháng 01/2018.

(Theo HNX ngày 01/3)

Nhận định

chuyên gia

Theo dự đoán của các chuyên gia (26/02):

Trong năm 2018, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phát triển ngành sản xuất và GDP của Việt Nam sẽ cao hơn mức trung bình ở châu Á.

- Giáo sư Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga: Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển kinh tế ổn định, thu hút ngày càng nhiều dự án nước ngoài lớn, ngành ngoại thương tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao . Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp Việt Nam thứ 55/137 nước và Báo cáo 2017 về mức độ dễ dàng kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) xếp Việt Nam thứ 82 trong số 190 nước.

- Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Học viện Quốc phòng Australia: Việt Nam xếp hạng không cao trong hầu hết các chỉ số quốc tế như Chỉ số tự do kinh tế 2017 của Heritage Foundation (xếp thứ 63/181 nước). Tuy nhiên, Việt Nam đã tăng 20 bậc trong 5 năm qua theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 của WEF; tăng 14 bậc theo Báo cáo 2017 về mức độ dễ dàng kinh doanh của WB; tăng 12 bậc lên vị trí thứ 47 trong số 127 nước theo Chỉ số sáng kiến toàn cầu do Tổ chức Sở hữu Thế giới công bố.