Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 27/2-4/3/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tồn kho

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 01/2017 đạt 74,4%, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2016. Những ngành có tỷ lệ tồn kho cao là: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 116,7%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn là 111,7%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 110% và sản xuất, chế biến thực phẩm là 85%. Ngoài ra, sức tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 16% so với tháng 12/2016 và giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2016. Ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh là sản xuất thiết bị điện (-1,6%); sản xuất kim loại (-3,2%); sản xuất, chế biến thực phẩm (- 3,4%)... (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/02)

Dịch vụ

Trong tháng 02/2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1.199.421 lượt, tăng 19,1% so với tháng 1 và tăng 42,2% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung 2 tháng đầu năm, đã có 2.206.659 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là tháng thứ hai liên tiếp có hơn 1 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay, ngành du lịch sẽ đạt mục tiêu đón trên 11,5 triệu khách quốc tế, 66 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 460.000 tỷ đồng trong năm 2017. (Theo Tổng cục Du lịch ngày 28/02)

Doanh nghiệp

Trong tháng 02/2017 có 5.461 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62.275 tỷ đồng, giảm tương đương 39,3% về số doanh nghiệp và 31% về số vốn so với tháng trước, chủ yếu do tháng 02/2017 trùng với thời điểm kỳ nghỉ Tết Âm lịch khiến cho tình hình đăng ký doanh nghiệp sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân tháng 02/2017 lại đạt 11,4 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 13,6% so với tháng trước.(Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 28/02)

Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng đạt hơn 8,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 16,18% so với cuối năm 2015. Trong đó, tài sản của hai khối dẫn đầu là ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần đều tăng 16,89% lên tương ứng 3,86 triệu tỷ đồng và 3,42 triệu tỷ đồng; vốn tự có của toàn hệ thống cũng tăng 10,66% lên 639,66 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ tăng 6,11% lên 488,42 nghìn tỷ đồng; khối ngân hàng thương mại cổ phần dẫn đầu về vốn tự có và vốn điều lệ, tương ứng là 254,15 nghìn tỷ đồng (tăng 7,54%) và 200,86 nghìn tỷ đồng (tăng 3,55%). (Theo Thời báo Ngân hàng ngày 28/02)

Ngày 28/02, Công ty Cổ phần Hàng không VietJet Air (VJC) niêm yết 300 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 90.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức vốn hóa 27.000 tỷ đồng (khoảng 1,2 triệu USD). Với biên độ dao động +/- 20%, dự kiến thị giá VJC sẽ dao động trong khoảng 72.000 - 108.000 đồng.

Vietnam Airlines và Vietjet Air hiện là hai doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần hàng không nội địa với tỷ lệ lần lượt là 42,5% và 41,5%, tiếp theo là Jetstar khoảng 14,2%.

Tính đến ngày 28/02, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp, bình quân khoảng 7 - 10%, trong đó Thaco đạt 15 - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, chủ yếu do quy mô thị trường nhỏ, một số chính sách thường xuyên thay đổi và những quy định chưa tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào các dự án quy mô lớn ở Việt Nam. (Theo Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương ngày 28/02)

Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đã hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu 1,5 triệu cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư thế giới di động (Mã: MWG - HoSE) sang cho Quỹ đầu tư The Ton Poh Fund (Thái Lan) từ hai quỹ ngoại khác. Trong đó, Quỹ CDH Electric Bee Limited chuyển nhượng 1 triệu cổ phiếu và quỹ Dempsey Hill Asia chuyển nhượng 500.000 cổ phiếu còn lại.

The Ton Poh Fund tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam hồi tháng 3/2015 bằng việc mua 2,5 triệu cổ phiếu CotecCons với mức giá 66.500 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, cổ phiếu CTD đang giao dịch quanh mức 200.000 đồng/cổ phiếu.

(Theo VSD ngày 28/02)

Ngày 02/3 tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã công bố danh sách 592 doanh nghiệp được trao tặng danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2017 do người tiêu dùng bình chọn, trong đó có 40 doanh nghiệp đạt chứng nhận 21 năm liên tiếp.Cuộc bình chọn này đưa ra một số xu hướng tiêu dùng giúp doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất - kinh doanh như: Xu hướng lựa chọn sản phẩm qua thông tin từ người bán, trên các kênh truyền thông và mạng xã hội; mua sắm chuyển mạnh từ chợ, cửa hàng tạp hóa sang siêu thị và các kênh bán hàng online; lựa chọn sản phẩm an toàn cho sức khỏe, chất lượng tốt và giá cả hợp lý…

Ngày 02/3, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố Sách trắng 2017, ấn phẩm thường niên lần thứ 9 của EuroCham. Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do: Những thay đổi về pháp lý; thời kỳ dân số vàng với 25% trong tổng số 90 triệu dân ở độ tuổi từ 10 đến 24 tuổi; GDP bình quân đầu người đang tăng nhanh với tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á (12,9% mỗi năm trong giai đoạn 2012 - 2020); môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện (cắt giảm thuế trong một số lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ môi trường, nông nghiệp - những lĩnh vực các doanh nghiệp châu Âu luôn quan tâm đầu tư).

Tổng cầu


Đầu tư

Ngày 02/3, tỉnh Bắc Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 100 triệu USD (tương đương gần 2.300 tỷ đồng) cho Công ty Hanwha Techwin Security của Hàn Quốc. Dự án Hanwha được xây dựng trên tổng diện tích 6 héc-ta tại Khu công nghiệp Quế Võ, chuyên sản xuất mạch điện tử, chất bán dẫn, các loại chíp điện tử, máy vi tính, camera… Tính đến hết tháng 02/2017, các khu công nghiệp Bắc Ninh đã thu hút được 1.086 dự án với tổng vốn đăng ký 15,87 tỷ USD, trong đó có 659 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 14,13 tỷ USD, đã giải quyết việc làm cho hơn 230.000 lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước 7.000 tỷ đồng trong năm 2016.

Ngân sách
nhà nước

Số thu ngân sách trong tháng 02/2017 của hệ thống Hải quan là 20.572 tỷ đồng. Tính tổng 2 tháng, số thu ngân sách đạt 41.092 tỷ đồng, bằng 14,4% dự toán cả năm, tăng 7.486 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ 22,2%) so với cùng kỳ năm 2016. Năm 2017, Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu thu ngân sách 290.000 tỷ đồng, vượt 1,8% dự toán được giao. Trong đó một số cục hải quan tỉnh, thành phố được giao chỉ tiêu số thu cao là: Thành phố Hồ Chí Minh (109.000 tỷ đồng), Hải Phòng (59.000 tỷ đồng), Hà Nội (20.800 tỷ đồng), Vũng Tàu (17.450 tỷ đồng), Đồng Nai (15.900 tỷ đồng), Bình Dương (11.400 tỷ đồng)… (Theo Tổng cục Hải quan ngày 02/3)

Xuất nhập khẩu

Trong tháng 02/2017, cả nước đã nhập siêu khoảng 1,2 tỷ USD, chủ yếu do sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán,các doanh nghiệp thường bắt đầu chu kỳ sản xuất mới nên nhu cầu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất cao hơn tháng 1. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 27,2 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016; kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 14,2 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung 2 tháng đầu năm, giá trị nhập siêu khoảng 40 triệu USD (tổng kim ngạch xuất khẩu là 27,34 tỷ USD, nhập khẩu là 27,38 tỷ USD). (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/02)

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 2 đạt khoảng 1,9 tỷ USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm lên 4,3 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2016; thủy sản ước đạt 844 triệu USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2016; các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 993 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính tăng chủ yếu là nhờ kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng 22,3% lên đạt 616 triệu USD so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 24/02)

Kim ngạch thương mại năm 2016 giữa Việt Nam và Brunei đạt 97,7 triệu USD, tăng 32,6% so với năm 2015;mục tiêu đạt 500 triệu USD vào năm 2025, thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn doanh nghiệp; phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại và đầu tư…(Theo Bộ Công Thương ngày 27/02)

Khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 02/2017 đạt khoảng 462 nghìn tấn, trị giá 104 triệu USD. Tổng khối lượng xuất khẩu gạo trong 2 tháng đầu năm đạt khoảng 799 nghìn tấn, trị giá 248 triệu USD, giảm 17,2% về khối lượng và giảm 40,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam ngày 28/02)

Cân đối vĩ mô


Lạm phát

CPI tháng 02/2017 tăng 0,23% so với tháng 1, tăng 0,69% so với tháng 12/2016 và tăng 5,02% so với cùng kỳ năm 2016. Lạm phát cơ bản tháng 02/2017 tăng 0,2% so với tháng 1 và tăng 1,51% so với cùng kỳ năm 2016; lũy kế 2 tháng đầu năm tăng 1,69% so với cùng kỳ năm 2016. CPI bình quân 2 tháng đầu năm tăng 5,12% so với cùng kỳ năm 2016. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 0,77%, chủ yếu do tác động của giá gas được điều chỉnh tăng 28.000 đồng/bình từ đầu tháng và nhu cầu điện, nước sinh hoạt tăng khi thời tiết đang chuyển dần sang mùa nóng; nhóm giao thông tăng 0,56%... (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/02)

PMI

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 02/2017 đạt 54,2 điểm - mức cao nhất trong 21 tháng qua, tăng mạnh so với mức 51,9 của tháng 01/201 và cao hơn nhiều so với mức bình quân 50,2 của khu vực ASEAN. Ngoài ra, chỉ số tự tin của các doanh nghiệp Việt cũng đạt mức cao nhất trong vòng 1 năm qua.Nguyên nhân là do số lượng đơn hàng mới tăng tốc giúp sản xuất tăng trưởng nhanh hơn; tâm lý tự tin về triển vọng năm 2017 khiến mức tích lũy nguyên liệu cao kỷ lục; hoạt động thu mua tăng mạnh. (Theo IHS Markit và Nikkei ngày 01/3)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 4 ngày giảm, 1 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 04/3), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,63 - 36,88 triệu đồng/lượng, tăng 40 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều so với sáng ngày 03/3.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,75 - 36,81 triệu đồng/lượng, tăng 70 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 40 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với sáng ngày 03/3.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 18 đồng với 3 ngày tăng giá và 3 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 04/3), tỷ giá trung tâm là 22.246 NVD/USD, không đổi so với tỷ giá ngày 03/3. Tỷ giá tại một số ngân hàng thương mại cũng không đổi so với ngày 03/3:

- Vietcombank và BIDV: 22.795 - 22.865 VND/USD.

- Vietinbank, ACB và DongAbank: 22.800 - 22.870 VND/USD.

- Eximbank: 22.790 - 22.870 VND/USD.

- Techcombank: 22.750 - 22.880 VND/USD.

Tín dụng

Các ngân hàng thương mại (NHTM) cam kết dành nguồn vốn khoảng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao với mức lãi suất ưu đãi (có thể thấp hơn 7%, tùy theo khả năng tài chính của mỗi ngân hàng). NHNN đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan để xây dựng bộ tiêu chí cụ thể xác định các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch làm căn cứ cho các NHTM triển khai thực hiện chương trình tín dụng này. Theo Nghị định số 55/2015/NĐ- CP của Chính phủ về cho vay ưu đãi với nông nghiệp nông thôn, đối tượng đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được vay tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp nhất là 7%/năm.(Theo Ngân hàng Nhà nước - NHNN ngày 27/02)

Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực trong 2 tháng đầu năm 2017.Tính đến ngày 20/02/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,87% so với tháng 12 năm 2016 (cùng kỳ tăng 2,03%); tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 1,03% so với cuối năm 2016, (cùng kỳ tăng 0,34%); tín dụng tăng trưởng 1,23% so với cuối năm 2016, cao hơn mức tăng 0,33% của cùng kỳ năm 2016. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 02/3)

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Năm 2016, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phát hành 281.750 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP), tương đương 98,3% kế hoạch, trong đó 91% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên (vượt mục tiêu do Quốc hội đề ra là 70%); đồng thời lần đầu tiên phát hành thành TPCP kỳ hạn 30 năm cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2017 và các năm tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào 5 giải pháp lớn nhằm tiếp tục phát triển thị trường trái phếu: (i) Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; (ii) Phát triển thị trường TPCP làm nòng cốt để phát triển thị trường trái phiếu; (iii) Đa dạng hóa các nhà đầu tư, tập trung phát triển nhà đầu tư dài hạn; (iv) Hoàn thiện và phát triển hệ thống các nhà tạo lập thị trường theo thông lệ quốc tế; (v) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế. (Theo Bộ Tài chính ngày 28/02)

Tổng khối lượng TPCP sẽ phát hành trong năm 2017 là 183.300 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức hơn 281.000 tỷ đồng đã phát hành của năm 2016. Trong đó có 18.000 tỷ đồng kỳ hạn dưới một năm, 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 2 - 3 năm, 80.300 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm, 25.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 năm, 5.000 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm, 20.000 tỷ đồng kỳ hạn 15 năm, 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 20 năm và 15.000 tỷ đồng kỳ hạn 30 năm. (Theo Kho bạc Nhà nước ngày 28/02)

Cổ phiếu

Trong tuần từ 27/2 - 03/3/2017, thị trường chứng khoán tăng điểm với việc VN-Index tiến lên sát ngưỡng 720 điểm.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 5,11 điểm (+0,72%) lên 712,62 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt188,8 triệu đơn vị/phiên, giảm 13,57%; tổng giá trị giao dịch đạt 3.322,4 tỷ đồng.

- HNX-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,13%) lên 86,72 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt53,6triệu đơn vị/phiên, tăng 4,59%; tổng giá trị giao dịch đạt 526,67 tỷ đồng.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng với tổng giá trị trên 3 sàn đạt 349,19 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu bán ròng mạnh nhất là PVD với khối lượng đạt 2,8 triệu cổ phiếu, trị giá 61,72 tỷ đồng và cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là HPG với khối lượng đạt 2,63 triệu đơn vị, trị giá 110,39 tỷ đồng. Tổng cộng trên cả 3 sàn,khối ngoại đã bán ròng 4,72 triệu đơn vị, tuy nhiên, tổng giá trị mua ròng tương ứng 349,19 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 3 phiên mua ròng và 2 phiên bán ròng, tổng khối lượng mua ròng là 6,83 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng là 235,47 tỷ đồng, giảm 25,91% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4phiên và bán ròng 1 phiên duy nhất ngày 02/3, tổng khối lượng mua ròng là 125.965 đơn vị, tổng giá trị mua ròng là 23,21 tỷ đồng, giảm 83,79% về lượng, nhưng tăng 166,17% về giá trị so với tuần trước.

- UPCoM: Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 5 phiên liên tiếp, tổng khối lượng mua ròng là 1,98 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng là 90,51 tỷ đồng, tăng mạnh so với tuần trước đó (116.772 đơn vị và 20,08 tỷ đồng).

Đàm phán - Ký kết

APEC

- Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017, cuộc họp của Ủy ban Chỉ đạo các quan chức cao cấp về hợp tác kinh tế kỹ thuật đã diễn ra vào ngày 28/2. Trong đó, Việt Nam đã đề xuất: (i) Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, trọng tâm sẽ là xây dựng một cộng đồng bền vững, bao trùm, trong đó người dân và doanh nghiệp là trung tâm của sự phát triển; (ii) Hội nhập kinh tế và kết nối khu vực; (iii) Khuyến khích sự năng động của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, lực lượng có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng của khu vực, hiện chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp của khu vực APEC; (iv) Đảm bảo an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, đây cũng là mục tiêu thứ hai trong Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

- Ngày 02/3/2017 tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã khai mạc Hội nghị lần thứ nhất quan chức cao cấp APEC 2017 (SOM1). Trong ngày làm việc đầu tiên của SOM1, các đại biểu thảo luận những ưu tiên và đề xuất của Việt Nam như: Thúc đẩy bao trùm về mặt xã hội, tài chính và kinh tế trong khu vực APEC; phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; thu hẹp khoảng cách trong phát triển kinh tế và hội nhập của các khu vực vùng sâu, vùng xa vì sự phát triển, tăng trưởng bền vững trong khu vực APEC.

Chính sách

Quyết định số 260/QĐ-TTg

Ngày 22/02/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 260/QĐ-TTg về việc giao dự toán thu, chi năm 2017 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Trong đó, dự toán thu và chi năm 2017 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đều tăng so với năm 2016.

- Chỉ tiêu dự toán thu năm 2017 là 320.777 tỷ đồng, tăng 51.483 tỷ đồng so với năm 2016; trong đó thu bảo hiểm xã hội là 191.392 tỷ đồng, bảo hiểm thất nghiệp là 12.941 tỷ đồng, bảo hiểm y tế là 78.938 tỷ đồng, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư tài chính là 37.500 tỷ đồng.

- Chỉ tiêu dự toán chi năm 2017 là 239.534 tỷ đồng, tăng 39.487 tỷ đồng; trong đó, chi chế độ bảo hiểm xã hội từ quỹ bảo hiểm xã hội là 127.940 tỷ đồng, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp là 8.721 tỷ đồng, bảo hiểm y tế là 91.185 tỷ đồng, chi phí quản lý là 11.688 tỷ đồng.

- Mức chi hỗ trợ cho UBND cấp xã thực hiện lập danh sách tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn là 6.000 đồng/người tính theo danh sách tăng, giảm đối tượng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/02/2017 và áp dụng cho năm ngân sách 2017.

Thông tư số 13/2017/TT-BTC

Ngày 15/02/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 13/2017/TT-BTC quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN.

- Các hình thức đăng ký rút tiền mặt:

+ Đăng ký qua dịch vụ công trên Cổng thông tin KBNN.

+ Đăng ký bằng văn bản với KBNN.

+ Đăng ký qua điện thoại với cán bộ có thẩm quyền của KBNN nơi giao dịch (phải gửi bổ sung văn bản đăng ký rút tiền mặt khi đến KBNN làm thủ tục thanh toán).

- Hạn mức:

+ Từ 200 triệu đồng trở lên đối với các đơn vị thực hiện giao dịch với KBNN cấp tỉnh.

+ Từ 100 triệu đồng trở lên đối với các đơn vị thực hiện giao dịch với KBNN cấp huyện.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/4/2017.