Kinh tế - Tài chính trong nước tuần từ 28/11-02/12/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Sản xuất công nghiệp

Từ ngày 01/12, giá gas do các đơn vị đầu mối kinh doanh, phân phối tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam sẽ giảm 2.500 đồng/bình 12kg so với tháng 11, dao động 291.000-300.500 đồng/bình, do giá gas thế giới bình quân tháng 12 giảm 15 USD/tấn so với tháng 11 (ở mức 400 USD/tấn). (Theo TTXVN ngày 30/11)

PMI

PMI của Việt Nam tháng 11/2016 đã tăng từ 51,7 điểm trong tháng 10 lên 54 điểm - mức cao nhất trong gần 2 năm qua, do số lượng đơn đặt hàng mới, nhu cầu hàng hóa đầu vào và lượng hàng dự trữ trong tháng đều tăng, cho thấy sự cải thiện mạnh trong lĩnh vực sản xuất. (Theo Công ty Nikkei ngày 01/12)

Dịch vụ

Trong tháng 11/2016, có khoảng hơn 926.000 lượt khách quốc tế tới Việt Nam, nâng tổng số khách trong 11 tháng đạt hơn 9 triệu lượt, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015 và cao hơn kỳ vọng 500 nghìn lượt của ngành du lịch. Trong đó khách Trung Quốc đạt hơn 2,48 triệu lượt, tăng 53,9% so với cùng kỳ; Hàn Quốc đạt hơn 1,38 triệu lượt, tăng 39,2%; Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đài Loan cùng đạt hơn 1,6 triệu lượt. (Theo Tổng cục Du lịch, ngày 28/11)

Doanh nghiệp

Trong tháng 11/2016 có 9.918 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn tăng ký đạt 87.100 tỷ đồng - giảm 3,8% về số lượng doanh nghiệp và tăng 6,8% về vốn so với tháng 10; 2.074 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 4,9% so với tháng 10; 6.838 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; 1.173 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động. Lũy kế 11 tháng, cả nước có 101.683 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 797.700 tỷ đồng, tăng 17,1% về số doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; 24.560 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,7% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên 126.200 doanh nghiệp; bình quân mỗi ngày có 382 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/11)

Tính đến cuối năm 2015, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) có tài sản đạt gần 26.600 tỷ đồng, tăng hơn 6.000 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó phần lớn là khoản phải thu và đầu tư tài chính, với giá trị lần lượt là 21.462 tỷ và gần 4.700 tỷ đồng; dự phòng trích lập cho các khoản phải thu và đầu tư tài chính dài hạn đạt khoảng 1.000 tỷ đồng; khoản mục nợ phải trả là hơn 21.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 80% và gấp gần 4 lần so với vốn chủ sở hữu; thực hiện mua và nhận bàn giao hơn 2.160 tỷ đồng giá trị khoản nợ và tài sản, trong đó giá trị khoản nợ và tài sản chưa xử lý còn hơn 3.300 tỷ đồng. (Theo DATC ngày 29/11)

Ngày 28/11/2016, Hãng Xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service công bố kết quả xếp hạng lần đầu cho HDBank ở mức B2, với triển vọng ổn định. Đây là mức xếp hạng cao nhất Moody’s dành cho các ngân hàng TMCP không có vốn nhà nước tại Việt Nam. Trước đó, Moody's cũng đã công bố mức xếp hạng tiền gửi dài hạn B2, triển vọng ổn định cho một số ngân hàng TMCP lớn như MBBank, Techcombank, ACB, VIB… (Theo Moody's Investors Service ngày 28/11)

Hiện có 91,8% các tổ chức tín dụng sử dụng từ 2 định dạng tin điện trở lên trong hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS). Trong đó có 80,3% đơn vị sử dụng từ 2-5 định dạng và 11,5% đơn vị sử dụng nhiều hơn 5 định dạng. Đến năm 2020, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ hoàn thành áp dụng IBPS theo chuẩn ISO 20022. (Theo Ngân hàng Nhà nước - NHNN ngày 28/11)

Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu cho Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với mã chứng khoán SAB. Theo đó, Sabeco có vốn điều lệ trên 6.412 tỷ đồng, chính thức niêm yết vào ngày 06/12, giá tham chiếu cho phiên chào sàn của cổ phiếu SAB là 110.000 đồng/cổ phiếu. Sabeco sẽ trở thành công ty có vốn hóa lên tới hơn 70.000 tỷ đồng, lớn thứ 5 trên sàn HOSE sau Vinamilk, Vietcombank, PV Gas và Vingroup. (Theo báo Tuổi trẻ ngày 27/11)

Ngân hàng Hàn Quốc Nonghyup đã chính thức khai trương chi nhánh tại Hà Nội vào ngày 01/12, nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam. Nonghyup sẽ tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam với các hoạt động của một ngân hàng thương mại, tiếp tục hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như hoạt động của các doanh nghiệp hai nước. Nonghyup là ngân hàng lớn nhất tại Hàn Quốc, được thành lập năm 1961, chủ yếu cung cấp dịch vụ tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. (Theo Nonghyup ngày 01/12)

Tổng cầu


Đầu tư

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Hỗ trợ kỹ thuật có tổng kinh phí 1 triệu USD trong giai đoạn 2016 - 2019, nhằm thực hiện “Chương trình Phát triển lĩnh vực ngân hàng - tài chính” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) viện trợ không hoàn lại. Dự án sẽ giúp NHNN nâng cao khả năng ổn định tài chính, phát triển chuyên sâu khu vực tài chính phi ngân hàng và tăng cường thúc đẩy tài chính toàn diện thông qua việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý trong hệ thống tài chính, ngân hàng. (Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 30/11)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2016 đạt khoảng 302,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng 10 và 10,4% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 3.201,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2015, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,6% (cùng kỳ năm 2015 tăng 8,3%). (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/11)

Trong năm 2015, thị trường công nghệ Việt Nam đạt quy mô 154.700 tỷ đồng; tăng 22,6% so với năm 2014, trong đó điện thoại di động có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, đạt 30%. Trong giai đoạn 2011-2015, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng công nghệ tại Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ bình quân 15,7%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng mức tiêu thụ mặt hàng công nghệ đạt 94.472 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Hãng nghiên cứu thị trường công nghệ GfK ngày 29/11)

Ngân sách
nhà nước

Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 11/2016 đạt 27.547 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2015 (bao gồm vốn trung ương 6.675 tỷ đồng, vốn địa phương 20.872 tỷ đồng), do đây là thời kỳ cao điểm của hoạt động đầu tư, xây dựng cơ bản. Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 233.600 tỷ đồng và bằng 88,6% kế hoạch năm đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2015.(Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/11)

Xuất nhập khẩu

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 11 tháng đạt 159,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chiếm hơn 70% tổng kim ngạch. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 156,6 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 63,8 tỷ USD, tăng 3,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 92,8 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng năm 2016 thặng dư 2,84 tỷ USD. Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,40 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 21,24 tỷ USD. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/11)

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 11/2016 đạt khoảng 2,69 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng qua đạt 29,1 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 13,7 tỷ USD, tăng 7,2%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 6,4 tỷ USD, tăng 6,9%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 0,8%.

Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 đạt khoảng 353.000 tấn, trị giá 156 triệu USD, nâng tổng khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đạt khoảng 4,54 triệu tấn và 2 tỷ USD, giảm 25% về khối lượng và 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015, do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường quốc tế giảm (Philippines giảm 61,6%; Malaysia giảm 51,5%; Singapore giảm 34,1%; Bờ Biển Ngà giảm 29,1%; Hoa Kỳ giảm 28,3%; Hong Kong giảm 7,7%…). Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo không đạt kế hoạch kinh doanh do thị trường lúa gạo liên tục rơi vào tình trạng cung lớn hơn cầu.

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 28/11)

Cân đối vĩ mô


Lạm phát

CPI tháng 11/2016 tăng 0,48% so với tháng 10, tăng 4,52% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 4,5% so với tháng 12/2015, do giá xăng dầu, dịch vụ y tế, gas, nhóm hàng thực phẩm tăng. CPI bình quân ​11 tháng chỉ tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2015. CPI cơ bản (trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 11 tăng 0,1% so với tháng 10 và tăng 1,87% so với cùng kỳ năm 2015; CPI cơ bản 11 tháng chỉ tăng 1,82% so cùng kỳ năm 2015. Tháng 11 có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tăng giá, cao nhất là nhóm giao thông (1,63%), thấp nhất là nhóm đồ uống và thuốc lá (0,05%). (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/11)

Cán cân thanh toán

Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam quý II/2016 tiếp tục thặng dư 3.211 triệu USD, sau khi thặng dư 3.464 triệu USD trong quý I. Trong đó cán cân vãng lai thặng dư 2.242 triệu USD; cán cân vốn không phát sinh; cán cân tài chính thặng dư 2.944 triệu USD; lỗi và sai sót là -1.975 triệu USD. Tính chung 6 tháng, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư 6.675 triệu USD. (Theo NHNN ngày 30/11)

Tín dụng

Tín dụng từ đầu năm đến ngày 28/11 tăng 14,57% so với cuối năm 2015, trong đó tín dụng bằng VND tăng 15,81%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 3,49%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. (Theo NHNN ngày 29/11)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 4 ngày tăng và 2 ngày giảm, giá vàng SJC đã tăng tổng cộng 360-660 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 03/12), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 35,97-36,27 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 35,97-36,29 triệu đồng/lượng, tăng 290 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 390 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với sáng ngày 02/12.

- Bảo Tín Minh Châu: 35,97-36,23 triệu đồng/lượng, tăng 250 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 410 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với sáng ngày 02/12.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã giảm 8 đồng với 1 ngày tăng giá và 4 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 03/12), tỷ giá trung tâm là 22.124 NVD/USD, không đổi so với tỷ giá ngày 02/12; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại nhìn chung đều tăng nhẹ:

- Vietcombank: 22.655-22.735 VND/USD, tăng 20 đồng ở cả hai chiều.

- Vietinbank: 22.655-22.735 VND/USD, tăng 5 đồng ở cả hai chiều.

- BIDV: 22.650-22.730 VND/USD.

- ACB: 22.650-22.750 VND/USD, không đổi chiểu mua vào và tăng 30 đồng chiều bán ra.

- Techcombank: 22.640-22.750 VND/USD, không đổi chiều mua vào và giảm 10 đồng chiều bán ra.

- DongABank: 22.650-22.750 VND/USD, giảm 10 đồng chiều mua vào và tăng 10 đồng chiều bán ra.

- Eximbank: 22.650-22.730 VND/USD, tăng 10 đồng ở cả hai chiều.

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Tính đến tháng 11/2016, giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 1,79 triệu tỷ đồng, tương đương 43% GDP, quy mô tăng 1.436 lần so với năm 2000 (thị trường chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết với số vốn 986 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP); dư nợ thị trường trái phiếu đạt 24% GDP, giá trị thị trường đạt 65% GDP, tốc độ tăng trưởng bình quân 31%/năm - dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á và ASEAN+3. (Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 28/11)

Trái phiếu

Trong tuần qua, HNX đã tổ chức 2 phiên đấu thầu TPCP và TPCP bảo lãnh:

- Ngày 28/11, tổ chức đấu thầu TPCP bảo lãnh do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 424 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm; theo đó, khối lượng huy động được là 424 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 5,5%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 02/12/2016, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động thành công 11,424 tỷ đồng TPCP.

- Ngày 30/11, tổ chức đấu thầu TPCP do KBNN phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 4.900 tỷ đồng, gồm 2 loại kỳ hạn: 5 năm (3.900 tỷ đồng); 7 năm (1.000 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 3.200 tỷ đồng (82,05%), lãi suất trúng thầu 5,25%/năm.

+ Kỳ hạn 7 năm: Không trúng thầu.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 02/12/2016, KBNN đã huy động thành công 266.637,9566 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 28/11-2/12/2016, hai chỉ số VN-Index và HNX-Index tăng - giảm trái chiều. Nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ra nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn đã tạo sức ép khiến chỉ số VN-Index giảm sâu.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index giảm 10,73 điểm (-1,59%) xuống 665,14 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt128,68 triệu đơn vị/phiên, tăng 12%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 2.805,86tỷ đồng/phiên, tăng 17,46%.

- HNX-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng nhẹ 0,18 điểm (0,2%) lên 81,17 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt48,03triệu đơn vị/phiên, tăng 19,6%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt536,52tỷ đồng/phiên, tăng 32,2%.

Trong tuần qua, khối ngoại bán ròng mạnh, chủ yếu tập trung vào các mã chứng khoán có vốn hóa lớn. Tổng cộng trên cả 2 sàn,khối ngoại đã bán ròng 36,51 triệu đơn vị, tăng 170,64% so với tuần trước đó. Tổng giá trị bán ròng tương ứng 683,54 tỷ đồng, giảm 15,67% so với tuần trước.

- HOSE: Khối ngoại có 5 phiên bán ròng liên tiếp tổng cộng 33,61 triệu cổ phiếu, tăng 148,97% so với tuần trước đó. Tổng giá trị bán ròng tương ứng 612,84 tỷ đồng, giảm 23,4% so với tuần trước đó.

- HNX: Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3 phiên cuối tuần và mua ròng 2 phiên đầu tuần tổng cộng 2,9 triệu đơn vị, trong khi tuần trước đó mua ròng 11.583 triệu đơn vị. Tổng giá trị bán ròng tương ứng 70,7 tỷ đồng, gấp 6,7 lần tuần trước.

Bất động sản

Trong quý III/2016:

- Chỉ giá số nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh đạt 93,5 điểm, tăng 0,6 điểm theo quý và 4,5 điểm theo năm, ghi nhận mức cao nhất đạt được từ quý I/2011. Lượng giao dịch căn hộ trong quý đạt khoảng 7.500 căn, tăng 7% theo quý và 43% theo năm. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 19%, tăng 2 điểm phần trăm theo quý và năm do tình hình hoạt động tốt của hạng A và C.

- Trên thị trường Hà Nội, chỉ số giá nhà đạt 105,8 điểm, tăng 1 điểm so theo quý nhưng giảm 2,4 điểm so theo năm với giá bán trung bình đạt 27,6 triệu đồng/m2. Có khoảng 5.660 căn đã được bán, giảm 15% so theo năm. Tỷ lệ tiêu thụ trên thị trường sơ cấp đạt khoảng 33%, giảm 2 điểm phần trăm so theo quý và giảm 12 điểm phần trăm so theo năm.

(Theo Công ty Bất động sản Savills Việt Nam ngày 30/11)

Chính sách

Nghị định số 156/2016/NĐ-CP

Ngày 21/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2016/NĐ-CP của sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

- Các loại chứng thư số được sử dụng để ký số trong hoạt động tài chính giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan tài chính: Chứng thư số được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; chứng thư số được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị; chứng thư số nước ngoài được công nhận; chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam; chứng thư số nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế.

- Cơ quan tài chính tham gia giao dịch điện tử có ràng buộc bởi điều ước quốc tế về chữ ký số mà Việt Nam là thành viên phải thực hiện theo điều ước quốc tế đó. Các giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính bắt buộc phải sử dụng chữ ký số sẽ do Bộ Tài chính quy định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2017.

Thông tư số 251/2016/TT-BTC

Ngày 11/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 251/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh tranh.

Mức phí giải quyết khiếu nại vụ việc cạnh tranh là 10 triệu đồng/vụ việc đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh; 100 triệu đồng/vụ việc đối với hành vi hạn chế cạnh tranh; 10 triệu đồng/vụ việc đối với giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; 50 triệu đồng/hồ sơ đối với thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.

Thông tư số 312/2016/TT-BTC

Ngày 24/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 312/2016/TT-BTC quy định chế độ tài chính đối với bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam.

- Vốn hoạt động của BHTG Việt Nam bao gồm vốn điều lệ do NSNN cấp, nguồn thu từ phí BHTG, các nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trong đó vốn điều lệ do NSNN cấp là 5.000 tỷ đồng.

- BHTG Việt Nam được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để đầu tư, mua trái phiếu chính phủ, tín phiếu NHNN Việt Nam và gửi tiền tại NHNN Việt Nam.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2017, thay thế Thông tư số 41/2014/TT-BTC ngày 08/4/2014 của Bộ Tài chính.

Nhận định

chuyên gia

Theo các chuyên gia tài chính - chứng khoán (28/11):

Tỷ giá giữa USD/VND cuối năm 2016 có khả năng phải chịu thêm áp lực tăng giá, do nhu cầu ngoại tệ để thanh toán các đơn hàng và đầu cơ vào mùa cao điểm; FED có khả năng cao sẽ tăng lãi suất trong tháng 12/2016; nguồn cung ngoại tệ có thể giảm trong hai tháng cuối năm.

Các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam 2016 (01/12):

Tiềm năng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam rất lớn, do có tốc độ tăng trưởng internet cao (9%/năm), xếp hạng 15 trên thế giới; có lợi thế về dân số trẻ; có 52% dân số dùng internet. Trong đó tỷ lệ khách hàng của các hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng số như mobile, internet banking… chiếm 44%.