Kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 15-20/8/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Doanh nghiệp

Hiện có 40% doanh nghiệp Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN trở thành thị trường mục tiêu để mở rộng kinh doanh và đầu tư trong năm 2017, do Việt Nam có những thế mạnh, lợi thế so sánh về giá thuê nhân công cạnh tranh (65%); bảo mật an ninh cá nhân (65%); hệ thống chính trị ổn định (64%); cơ sở hạ tầng (61%); ổn định của hệ thống pháp luật (54%). Ngoài ra, Việt Nam cũng đứng đầu các nước trong ASEAN về thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ có kế hoạch chuyển dần đầu tư ra khỏi Trung Quốc trong 2 năm tới (khoảng 27%), tiếp đến là Campuchia, Malaysia và Lào. (Theo kết quả khảo sát về triển vọng kinh doanh thương mại năm 2017 tại các nước Đông Nam Á của Phòng Thương mại Hoa Kỳ - Amcham)

Tổng cầu


Ngân sách
nhà nước

Mỗi năm, ngân sách sẽ hụt thu hàng ngàn tỷ đồng do những chính sách ưu đãi dành cho dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa. Nếu giá dầu trong năm 2017 ở mức 45 USD/thùng, tổng thu thuế phát sinh tăng vào khoảng 4.868 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ giảm trên 6.200 tỷ đồng (do nhập khẩu xăng dầu giảm sau khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động). Như vậy, ngân sách sẽ hụt thu hơn 1.300 tỷ đồng năm 2017; khoảng 10.929 tỷ đồng trong năm 2018, hơn 10.600 tỷ đồng vào năm 2019 và trên 14.100 tỷ đồng năm 2020. (Theo Vụ Ngân sách nhà nước - Bộ Tài chính)

Trong tháng 7/2016, Hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 404 cuộc, trong đó có 108 cuộc kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan; ra quyết định truy thu 136,95 tỷ đồng, thực thu vào ngân sách 225,28 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2016, Hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 4.454 cuộc, trong đó có 687 cuộc kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan (bằng 101% so với cùng kỳ năm 2015), đạt 51% chỉ tiêu được giao. Tổng số tiền đã ra quyết định truy thu là 1.158 tỷ đồng (bằng 118% so với cùng kỳ năm 2015), đã thực thu vào ngân sách 1.072 tỷ đồng, đạt 38% chỉ tiêu được giao. (Theo Tổng cục Hải quan)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Thị trường bán lẻ ở Việt Nam đang ngày càng cạnh tranh và tiềm năng, với doanh thu đạt khoảng 109,8 tỷ USD trong năm 2015, tăng 2,4 lần so với 5 năm trước; dự kiến đạt 179 tỷ USD vào năm 2020. (Theo tờ Financial Times của Anh)

Đầu tư

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Cơ chế phát triển hạ tầng địa phương” do Ngân hàng Thế giới viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam với tổng kinh phí là 666.000 USD, trong đó WB cấp 630.000 USD, vốn đối ứng của Việt Nam là 36.000 USD.(Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 19/8)

Trong giai đoạn 2011 - 2015, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã giải ngân khoảng 23 tỷ USD, cao gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2005 - 2010. Việt Nam hiện là một trong những nước có tỷ lệ giải ngân vốn ODA hàng đầu đối với các nhà tài trợ như Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nợ công bền vững, trong thời gian tới, việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA cần phải chặt chẽ hơn và chỉ tập trung cho những dự án thực sự hiệu quả, đồng thời tăng cường cho các địa phương vay lại.(Theo Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 15/8)

Xuất nhập khẩu

Trong 7 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt gần 191,73 tỷ USD, tăng 2% (tương ứng tăng hơn 3,83 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 96,99 tỷ USD, tăng 5,4%;tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 94,74 tỷ USD, giảm 1,2%. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa cả nước tính đến hết tháng 7/2016 thặng dư hơn 2,25 tỷ USD.

10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất đạt gần 60,497 tỷ USD, chiếm 63,86% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Trong đó: (i) Đứng đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác với kim ngạch nhập khẩu đạt 15,343 tỷ USD, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2015; (ii) Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 15,019 tỷ USD, tăng 14,3%; (iii) Vải các loại đạt 5,954 tỷ USD, tăng 1,3%; (iv) Điện thoại các loại đạt 5,619 tỷ USD, giảm 9,4%; (v) Sắt thép các loại đạt 4,491 tỷ USD, tăng 0,8%; (vi) Chất dẻo nguyên liệu đạt 3,329 tỷ USD, giảm 0,7%; (vii) Nguyên phụ liệu dệt may da giày đạt 2,941 tỷ USD; (viii) Xăng dầu các loại đạt 2,775 tỷ USD; (ix) Kim loại thường khác đạt 2,608 tỷ USD, tăng 16,7%; (x) Sản phẩm từ chất dẻo đạt 2,412 tỷ USD, tăng 14,7%. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 15/8)

Trong 7 tháng đầu năm 2016, xi măng và clinker của Việt Nam xuất khẩu đạt 8,97triệu tấn, giá trị xuất khẩu xi măng đạt khoảng 335,12 triệu USD, giảm 6,2% về lượng và 18,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015. Philippines đã vượt Băngladesh, trở thành thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam, với giá trị đạt 99,28 triệu USD, chiếm 30% tổng trị giá xuất khẩu. (Theo Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam ngày 15/8)

Tính chung 7 tháng đầu năm, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu là 60.602 chiếc, trị giá gần 1,42 tỷ USD, giảm 5,9% về lượng và giảm 17,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015. Trị giá ô tô nhập khẩu giảm mạnh hơn so với lượng do tác động của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt mới khuyến khích các nhà nhập khẩu đẩy mạnh nhập các dòng xe dung tích nhỏ. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 18/8)

Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đến năm 2020 ngành dệt may sẽ xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, nhưng đến năm 2015 Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu 27,5 tỷ USD và dự kiến năm 2016 là 31 tỷ USD. Trong 5 năm (2010 - 2015), ngành dệt may đã duy trì đà tăng trưởng vững chắc và ổn định với mức tăng kim ngạch xuất khẩu 15%/năm. (Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam - Vitas)

Cân đối vĩ mô


Cải cách hành chính

Kết quả về chỉ số cải cách hành chính - Par Index năm 2015 của các bộ, ngành và tỉnh, thành phố như sau:

- Nhóm bộ, ngành: Ngân hàng Nhà nước đứng đầu với 89,42 điểm; Bộ Tài chính đứng ở vị trí thứ 2 với 89,21 điểm; tiếp theo là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điểm trung bình về cải cách hành chính năm 2015 của các bộ ngành là 85,3, giá trị cao nhất trong 4 năm triển khai thực hiện xác định chỉ số cải cách hành chính, cao hơn 8,31% so với năm 2014.

- Nhóm các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng đứng đầu bảng xếp hạng với 93,31 điểm; tiếp đến là Hải Phòng (92,59 điểm); Đồng Nai (92,53 điểm). Điểm trung bình về cải cách hành chính năm 2015 của 63 tỉnh, thành phố là 85,11 - cao hơn 8,39 điểm so với năm 2015.

(Theo kết quả chỉ số cải cách hành chính - Par Index được Bộ Nội vụ công bố ngày 17/8)

Tín dụng

Trong 6 tháng đầu năm 2016 đã có hơn 11.000 tỷ đồng nợ xấu được thu hồi, cao hơn so với mức thu nợ của năm 2015 (12.000 tỷ đồng), năm 2014 (5.000 tỷ đồng). Với tốc độ thu hồi nợ xấu tăng mạnh vào những tháng cuối năm 2016, dự kiến VAMC có thể vượt chỉ tiêu thu hồi nợ xấu đặt ra cho năm 2016 là 30.000 tỷ đồng. (Theo Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 3 ngày tăng giá và 3 ngày giảm, giá vàng SJC đã tăng tổng cộng 50 - 70 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 20/8), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 36,41 - 36,68 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 36,41 - 36,7triệu đồng/lượng, giảm 70 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm 50 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,55 - 36,61 triệu đồng/lượng, giảm 70 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 7 đồng với 1 ngày tăng giá, 4 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 20/8), tỷ giá trung tâm là 21.856/USD, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại hầu như không thay đổi với so với sáng ngày 19/8:

- Vietcombank và BIDV: 22.260 - 22.330 đồng/USD.

- Vietinbank: 22.270 - 22.350 đồng/USD, tăng 5 đồng chiều mua vào và giảm 5 đồng chiều bán ra.

- ACB: 22.270 - 22.330 đồng/USD.

- Techcombank: 22.250 - 22.350 đồng/USD.

- Eximbank và DongABank: 22.270 - 22.330 đồng/USD.

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Trong tuần qua, HNX đã tổ chức 1 phiên đấu thầu TPCP do KBNN phát hành vào ngày 17/8, với tổng khối lượng gọi thầu 6.500 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 5 năm (2.600 tỷ đồng); 7 năm (2.600 tỷ đồng); 15 năm (1.300 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 2.600 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 5,92%/năm.

+ Kỳ hạn 7 năm: Huy động được 2.600 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 6,49%/năm.

+ Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 1.300 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 7,65%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 19/8/2016, KBNN đã huy động thành công 213.229,0566 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 15 - 20/8/2016, VN-Index tăng điểm nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluchip, trong khi HNX-Index giảm điểm. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 6,57 điểm (1%) lên 655,71 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt128,71triệu đơn vị/phiên, tăng11,8%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt2.867,9tỷ đồng, tăng28,8%.

- HNX-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 0,03 điểm (0,03%) xuống 83,1 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt39triệu đơn vị/phiên, giảm3,1%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt495,71tỷ đồng, giảm3,2%.

Trong tuần qua, tính chung trên cả hai sàn, khối ngoại đã bán ròng với tổng giá trị tương ứng 1.074 tỷ đồng. Trong đó:

- HOSE:Khối ngoại bán ròng trong cả 5 phiên giao dịch với tổng giá trị 1.093 tỷ đồng.

- HNX: Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 19 tỷ đồng.

Bất động sản

Tính đến giữa tháng 8/2016, lượng tồn kho bất động sản tập trung chủ yếu ở phân khúc đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ.Tổng giá trị tồn kho bất động sản toàn quốc gần 36.000 tỷ đồng; giảm 14.931 tỷ đồng so với tháng 12/2015 (tương đương 29,34%) và giảm 1.530 tỷ đồng so với cuối quý 2/2016. Tồn kho đất nền nhà ở chiếm giá trị lớn nhất với gần 4,4 triệu m2, tương ứng 16.000 tỷ đồng. Tiếp đến là tồn kho nhà thấp tầng khoảng 9.890 tỷ đồng, tương ứng 4.951 căn; chung cư 4.883 căn, tương đương 6.893 tỷ đồng; đất nền thương mại hơn 1 triệu m2, khoảng 3.255 tỷ đồng.(Theo Bộ Xây dựng)

Đàm phán - Ký kết

Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu

Theo Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương, FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 05/10/2016. Dự kiến sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương sẽ đạt 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020, gấp 3 lần so với năm 2014 (khoảng 4 tỷ USD).

Chính sách

Tổng vụ nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục gia hạn biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm săm lốp xe đạp nhập khẩu từ Đài Loan, Srilanka và Việt Nam. Theo đó, đối với mặt hàng thuộc mã HS 4011.50 có mức thuế là 0,73 USD/kg; thuộc mã HS 4013.20 có mức thuế là 2,02 USD/kg. Đồng thời, đối với phụ kiện săm lốp xe đạp thuộc mã HS 8714.99.90 của các sản phẩm thuộc 2 mã HS nêu trên, mức thuế chống bán phá giá bổ sung cũng ở mức tương ứng 0,73 USD/kg và 2,02 USD/kg. Trước đó, năm 2004, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra quyết định áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm nêu trên nhập khẩu từ Việt Nam; năm 2010 Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành rà soát và tiếp tục áp thuế với mức 30 - 44%. (Theo Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương ngày 16/8)

Nhận định

chuyên gia

Ông Jean-Philippe Pourcelot, nhà kinh tế của Tập đoàn Focus Economics (có trụ sở tại Tây Ban Nha, chuyên cung cấp các dữ liệu của các nền kinh tế trên thế giới cho các nhà đầu tư) cho rằng:

Kinh tế Việt Nam còn rất nhiều dư địa tăng trưởng, với các dòng FDI lớn hơn sẽ được đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới, phản ánh những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, minh bạch thông tin trong tiếp cận tín dụng… Từ đầu năm 2016 đến nay, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh, tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp xuất khẩu.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định (11/8):

Giá nhà tại Việt Nam hiện cao gấp 20 - 25 lần thu nhập của người dân, trong khi ở những quốc gia khác chỉ khoảng 5 lần. Dự báo trong khoảng 5 - 10 năm tới, số người dân không có nhà tại Việt Nam sẽ tăng nhanh, trong khi quỹ đất, thu nhập có giới hạn… sẽ làm phát sinh hệ lụy lớn về mặt xã hội như tranh chấp, chiếm dụng đất đai, nhà ở...