Kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 22-27/8/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Sản xuất công nghiệp

Trong 7 tháng đầu năm 2016, các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT):

- Có tổng doanh thu đạt hơn 79,3 tỷ USD, tăng hơn 16% so cùng kỳ năm 2015.

- Xuất siêu khoảng 700 triệu USD và đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 66.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015.

- Thu hút được 7.327 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.386 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt 692 nghìn tỷ đồng.

(Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)


Dịch vụ

Trong 8 tháng đầu năm 2016, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,45triệu lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015; khách du lịch nội địa đạt 43,1 triệu lượt khách; tổng doanh thu từ du lịch đạt 265.152 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam)

Tổng cầu


Đầu tư

Năm 2016, lần thứ hai liên tiếp Việt Nam đứng đầu danh sách 14 quốc gia thu hút FDI với 6,45 điểm, nhờ những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp theo là Hungary đạt 4,32 điểm và Romania đạt 3,48 điểm; tại khu vực Đông Nam Á: Malaysia đạt 2,86 điểm, Thái Lan 2,43 điểm và Indonesia 1,09 điểm. (Theo Văn phòng thống kê FDI Intelligence thuộc tờ Financial Times (Hoa Kỳ)

FDI vào Việt Nam đang có xu hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường như: Luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giầy, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm… do chỉ có khoảng hơn 5% khu công nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; còn lại tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường. (Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 24/8)

Tính đến ngày 20/8, cả nước có 1.619 dự án FDI mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký là 9,795 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2015, nâng tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 14,366 tỷ USD, tăng 7,7%. Uớc tính các dự án FDI đã giải ngân được 9,8 tỷ USD, tăng 8,9%. Trong 8 tháng qua, các doanh nghiệp FDI đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực. Trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,8 tỷ USD, chiếm 33,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,679 tỷ USD, chiếm 11,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,46 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư. (Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Xuất nhập khẩu

Trong tháng 8/2016, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản cả nước đạt khoảng 2,76 tỷ USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2016 đaṭ 20,6 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 9,9 tỷ USD, tăng 5,7%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 4,3 tỷ USD, tăng 4,1%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt khoảng 4,54 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, xuất khẩu gạo tiếp tục gặp khó khăn do không có nhu cầu nhập khẩu gạo mới từ cả thị trường truyền thống và các thị trường khác; cùng những thiệt hại trong đợt hạn hán và xâm nhập mặn thời gian qua. Lũy kế kim ngạch xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 3,37 triệu tấn, trị giá 1,51 tỷ USD, giảm 16,6% về khối lượng và 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)

Cân đối vĩ mô


Lạm phát

CPI tháng 8/2016 đã tăng 0,1% so với tháng 7 và tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, sau 8 tháng, CPI đã tăng 2,58% so với tháng 12 năm 2015. Trong đó lạm phát cơ bản (loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 8/2016 tăng 0,09% so với tháng 7, tăng 1,83% so với cùng kỳ năm 2015. Lạm phát cơ bản 8 tháng đầu năm 2016 tăng 1,81% so cùng kỳ năm 2015. (Theo Tổng cục Thống kê)

Thương mại điện tử

Trong giai đoạn 2016 - 2020, lĩnh vực thương mại điện tử sẽ tăng bình quân hơn 30%/năm, với quy mô giá trị đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, chiếm khoảng 5%thị trường bán lẻ, nhờ nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng công nghệ, viễn thông, internet được phổ cập rộng rãi và lượng người dùng điện thoại thông minh tăng mạnh. (Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - VECOM)

Tín dụng

Tính đến đầu tháng 8, tổng dư nợ tín dụng tại thành phố Hồ Chí Minh đạt 1.364,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng 7 và tăng 10,5% so với tháng 12/2015; tổng vốn huy động đạt 1.678,7 nghìn tỷ đồng, giảm 0,7% so với tháng 7 và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 4 ngày tăng giá và 2 ngày giảm, giá vàng SJC đã giảm tổng cộng 110 - 120 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (27/8/2016), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 36,29 - 36,55 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 36,29 - 36,57 triệu đồng/lượng, ổ định giá ở chiều mua vào và tăng 10 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,46 - 36,52 triệu đồng/lượng, tăng 30 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 59 đồng với 4 ngày tăng giá, 2 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 27/8), tỷ giá trung tâm là 21.895 đồng/USD.

Tỷ giá tại các NHTM được điều chỉnh tăng so với chốt phiên giao dịch ngày 26/8.

- Vietcombank và BIDV: 22.265 - 22.335 đồng/USD, cùng tăng 5 đồng ở cả hai chiều.

- Vietinbank: 22.278 - 22.338 đồng, tăng 5 đồng ở cả hai chiều.

- ACB: 22.280 - 22.350 đồng/USD, tăng 5 đồng chiều mua vào và tăng 15 đồng chiều bán ra.

- Eximbank: 22.280 - 22.340 đồng, tăng 10 đồng ở cả hai chiều.

- DongABank: 22.280 - 22.345 đồng/USD, tăng 5 đồng chiều mua vào và tăng 10 đồng chiều bán ra.

- Techcombank: 22.250 - 22.350 đồng, giảm 10 đồng chiều mua vào và tăng 10 đồng chiều bán ra.

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Trong quý 2/2016, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một trong 5 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất và có mức sinh lời lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Tính đến ngày 23/8, so với ngày 31/12/2015, VN-Index đã tăng 13,8%, mức cao nhất trong 8 năm qua (kể từ tháng 3/2008), HNX-Index tăng 4%; vốn hóa thị trường đạt 1,59 triệu tỷ đồng (tương đương 38% GDP) và tăng 17%. (Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 24/8)

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và thực hiện Thông tư số 203/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán, kể từ ngày 12/9/2016, Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) sẽ thay đổi quy chế giao dịch chứng khoán–(i) Tăng khối lượng tối đa của 1 lệnh giao dịch lên 500.000 cổ phiếu/chứng chỉ quỹ và giữ nguyên khối lượng tối thiểu của giao dịch thỏa thuận là 20.000 cổ phiếu/chứng chỉ quỹ; áp dụng đơn vị yết giá mới được chia nhỏ hơn so với quy định hiện tại; (ii) Bổ sung trường hợp không điều chỉnh giá tham chiếu khi công ty niêm yết phát hành thêm cổ phiếu; chỉnh sửa quy định đối với chứng khoán được giao dịch trở lại sau khi bị tạm ngưng giao dịch; quy định về việc sửa, hủy lệnh; quy định giao dịch đối với chứng khoán bị kiểm soát. (Theo Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh - HOSE ngày 25/8)

Trái phiếu

Sau 4 năm triển khai, Hệ thống đấu thầu điện tử trực tuyến trên HNX đã có nhiều cải tiến giúp việc đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) thuận lợi hơn Số lượng nhà đầu tư không phải là thành viên đấu thầu ngày càng tăng, tính đến cuối tháng 6/2016 đã chiếm 70% tổng số nhà đầu tư tham gia đấu thầu. (Theo Báo Hải quan ngày 25/8 dẫn số liệu từ HNX)

Tính đến cuối tháng 8/2016, tổng khối lượng huy động TPCP đã đạt 89,56% so với kế hoạch. Dự báo Kho bạc Nhà nước sẽ sớm hoàn thành kế hoạch huy động TPCP cả năm 2016; lãi suất trúng thầu các phiên đấu thầu tới nhiều khả năng sẽ có xu hướng đi ngang hoặc giảm nhẹ so với mức hiện tại. (Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt)

Trong tuần qua, HNX đã tổ chức 2 phiên đấu thầu TPCP và TPCP bảo lãnh:

- Ngày 22/8, tổ chức đấu thầu TPCP bảo lãnh do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 1.000 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 5 năm (500 tỷ đồng); 10 năm (200 tỷ đồng); 15 năm (300 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 500 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 6,4%/năm.

+ Kỳ hạn 10 năm: Không trúng thầu.

+ Kỳ hạn 15 năm: Không trúng thầu.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 26/8/2016, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động thành công 6.000 tỷ đồng TPCP bảo lãnh.

- Ngày 24/8, tổ chức đấu thầu TPCP do KBNN phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 8.800 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 5 năm (3.900 tỷ đồng); 7 năm (3.900 tỷ đồng); 20 năm (1.000 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 3.900 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 5,79%/năm.

+ Kỳ hạn 7 năm: Huy động được 3.900 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 6,35%/năm.

+ Kỳ hạn 15 năm: Không trúng thầu.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 26/8/2016, KBNN đã huy động thành công 221.029,0566 tỷ đồng TPCP.

Tín phiếu

Trong ngày 23/8, Ngân hàng Nhà nước đã nâng lượng phát hành tín phiếu lên mức 10.000 tỷ đồng, thay vì quy mô phổ biến 8.000 tỷ đồng/phiên thời gian qua, kỳ hạn không đổi 14 ngày; lãi suất trúng thấu của tín phiếu ghi nhận phiên giảm mạnh thứ ba liên tiếp, giảm thêm 0,11 điểm phần trăm và xuống còn 0,59%/năm.Đây là mức giảm mạnh so với lãi suất 1,5%/năm tín phiếu kỳ hạn 14 ngày phổ biến trong các tháng trước. Sau phiên ngày 23/8, số dư tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước đang lưu hành đạt khoảng 61.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 22 - 26/8/2016, VN-Index và HNX-Index đều tăng điểm nhờ sự hỗ trợ từ đà tăng giá của nhóm cổ phiếu bluechip. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 5,47 điểm (0,82%) lên 667,75 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt112,36triệu đơn vị/phiên, giảm12,7%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt2.867,9tỷ đồng, giảm16,9%.

- HNX-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,83 điểm (1%) lên 83,93 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 32,3triệu đơn vị/phiên, giảm17,17%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt409,5tỷ đồng, giảm17,4%.

Trong tuần từ 22 - 26/8/2016, nhà đầu tư nước ngoài đã giảm hơn nửa khối lượng và giá trị bán ròng so với tuần trước đó (15 - 19/8/2016), tuy nhiên, danh mục bán ròng mạnh của khối ngoại vẫn tập trung vào các cổ phiếu lớn và đẩy mạnh mua vào các cổ phiếu đầu cơ. Trên cả hai sàn,khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 11,44 triệu đơn vị, giá trị tương ứng là 523,19 tỷ đồng, giảm 56,77% về lượng và 52,34% về giá trị so với tuần trước.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 5 phiên bán ròng liên tiếp với tổng khối lượng là 14,62 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 568,21 tỷ đồng, giảm 38% về khối lượng và 47,33% về giá trị so với tuần trước đó.

- HNX:Khối ngoại có 1 phiên bán ròng duy nhất trong ngày 25/8. Tổng khối lượng mua ròng cả tuần đạt 3,18 triệu đơn vị, giá trị tương ứng là 45,02 tỷ đồng, trong khi tuần trước bán ròng 2,84 triệu đơn vị, trị giá 18,97 tỷ đồng.

Bất động sản

Thị trường bất động sản 7 tháng đầu năm 2016 có số lượng giao dịch tăng trưởng ổn định với khoảng 9.050 giao dịch thành công tại Hà Nội và khoảng 8.700 giao dịch thành công tại thành phố Hồ Chí Minh; tồn kho bất động sản tiếp tục giảm nhưng tốc độ đã chậm lại, lượng tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ. Tính đến 20/7/2016, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 35.958 tỷ đồng, giảm 14.931 tỷ đồng (29,3%) so với tháng 12/2015 và giảm 1.530 tỷ đồng so với thời điểm 20/6/2016. (Theo Bộ Xây dựng)

Tính đến tháng 7/2016, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã cam kết cho vay đạt 35.025 tỷ đồng và giải ngân được 28.356 tỷ đồng (81%). Trong đó cam kết cho vay đối với 56.491 hộ gia đình, cá nhân với tổng số tiền là 27.705 tỷ đồng đã giải ngân cho 55.654 hộ với số tiền là 22.989 tỷ đồng (83%); cam kết cho vay 60 dự án của tổ chức, doanh nghiệp với tổng số tiền là 7.320 tỷ đồng, đã giải ngân được 5.367 tỷ đồng (73%). (Theo Bộ Xây dựng)

Đàm phán - Ký kết

Hàn Quốc và Việt Nam

Ngày 24/8, VinaCapital, tập đoàn quản lý đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, có tổng giá trị tài sản hơn 1,4 tỷ USD (tính đến ngày 31/7/2016), công bố hợp tác với Shinhan BNP Paribas Asset Management (Shinhan) để cung cấp các sản phẩm đầu tư giúp khách hàng của Shinhan tại Hàn Quốc tham gia vào nền kinh tế đang tăng trưởng của Việt Nam. Bên cạnh đó, hai tập đoàn sẽ cùng phát triển VIP Equity Fund, quỹ chuyên đầu tư vào các công ty đại chúng tại Việt Nam, Indonesia và Philippines, dự kiến thành lập vào tháng 9/2016. Trong tương lai, VinaCapital và Shinhan sẽ thành lập quỹ đầu tư vào nhiều loại hình tài sản như cổ phần, trái phiếu, bất động sản... tại Việt Nam.

Chính sách

Nghị định số 120/2016/NĐ-CP

Ngày 23/8/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và Lệ phí.

- Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN); trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ theo tỷ lệ quy định, phần còn lại nộp NSNN.

- Hằng năm, tổ chức thu phí phải quyết toán thu, chi theo quy định. Với số thu từ phí, lệ phí năm 2016, tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện quyết toán theo quy định của Pháp lệnh Phí và Lệ phí và quy định của pháp luật về quản lý thuế; sau đó phần trích để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định; từ ngày 01/01/2018, số tiền lệ phí còn dư phải nộp toàn bộ vào NSNN.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.

Quyết định số 1600/QĐ-TTg

Ngày 16/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2020, có khoảng 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/8/2016.

Nhận định

chuyên gia

Bà Trang Lê, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL) nhận định:

Tính minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam đã được cải thiện nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đang gia tăng, nhưng tiến trình này vẫn chưa thực sự hiệu quả do thiếu đồng bộ, triệt để trong quá trình thực hiện và giám sát.

Ông Ben Gray - Giám đốc bộ phận đầu tư thị trường vốn Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định:

Trong 8 tháng đầu năm 2016, có khoảng 10 thương vụ M&A ngành bất động sản hoàn tất với giá trị giao dịch đạt trên 1,7 tỷ USD. Trong đó Nhật Bản dẫn đầu với 5 giao dịch thành công. Hoạt động M&A trong ngành bất động sản tại Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ước tính trong năm 2016, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam sẽ đạt trên 4,3 tỷ USD, do các hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực sẽ góp phần gia tăng dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam.