Kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 8-13/8/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới không mấy khả quan, với mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 ở mức 6% và 6,6% trong năm tiếp theo; FDI có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong nửa cuối năm 2016, trong khi xuất khẩu giảm nhẹ. (Theo Ngân hàng Standard Chartered ngày 09/8)

Sản xuất công nghiệp

Tổng doanh thu quý 2/2016 của 19 doanh nghiệp ngành thép đang niêm yết trên HOSE, HNX và đăng ký giao dịch tại sàn Upcom đạt hơn 30.147 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2015; nhưng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.726 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ.Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu thuần của 19 doanh nghiệp này đạt hơn 62.176 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 5.741 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Công ty chứng khoán Artex ngày 12/8)

Trong 7 tháng đầu năm 2016, sản lượng sản xuất thép xây dựng cả nước đạt 4,566 triệu tấn, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2015; tiêu thụ 4,488 triệu tấn, tăng 25,46% so với cùng kỳ năm 2015. Hiện cả nước tồn kho 485.798 tấn thép, giảm 6,73% so với cuối tháng 6. (Theo Hiệp hội Thép Việt Nam ngày 11/8)

Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), sự phục hồi của thị trường thép Việt Nam chưa bền vững, giá bán khó tăng mạnh trong nửa cuối năm 2016, do: Giá quặng sắt phục hồi là do yếu tố đầu cơ, không phải do nhu cầu thực; công suất sản xuất của Trung Quốc còn rất lớn, Chính phủ nước này tiếp tục áp dụng các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu thép; nguồn cung mới đang được kích hoạt khi một số nhà máy thép hoạt động trở lại...

Dịch vụ

Tính đến ngày 20/7/2016, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố với trên 546 nghìn doanh nghiệp/tổng số 548 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,6%; trong đó số lượng doanh nghiệp đăng ký dịch vụ với ngân hàng đạt trên 503.000 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 91,7 %). (Theo Tạp chí Tài chính ngày 11/8)

Dự trữ hàng hóa

Trong tháng 7/2016, ngành Tài chính đã thực hiện hiệu quả công tác quản lý dự trữ nhà nước về cả nhập, xuất lương thực và nhập, xuất vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia, trong đó đã xuất cấp 1.054,26 tấn gạo cho các tỉnh gặp khó khăn.

- Xuất cấp cho tỉnh Cao Bằng 290,400 tấn, Kon Tum 583,050 tấn để hỗ trợ cứu đói giáp hạt.

- Xuất cấp cho tỉnh Quảng Trị 180,810 tấn gạo để hỗ trợ cứu đói cho các hộ nghèo, hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội ở vùng biển đang gặp khó khăn.

(Theo Tạp chí Tài chính ngày 10/8)

Doanh nghiệp

7 tháng năm 2016 đã có 43 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 6 tổng công ty (tổng giá trị thực tế của 43 doanh nghiệp này là 29.907 tỷ đồng; trong đó giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 22.240 tỷ đồng). Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 381 tỷ đồng (giá trị sổ sách), thu về 424 tỷ đồng từ bán cổ phần tại 5 lĩnh vực (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng - tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư); đồng thời đã thoái 1.259 tỷ đồng, thu về 1.959 tỷ đồng từ bán cổ phần ở những lĩnh vực khác; SCIC đã bán 1.229 tỷ đồng, thu về 3.248 tỷ đồng.(Theo Bộ Tài chính ngày 10/8)

Trong tháng 7/2016, doanh số bán ô tô của toàn thị trường đạt 28.004 xe, tăng 15% so với tháng 6/2016 và tăng 38% so với tháng 7/2015. So với tháng 6/2016: Doanh số bán xe du lịch đạt 17.514 xe, tăng 36%; xe thương mại 9.334 xe, giảm 10%; xe chuyên dụng 1.156 xe, giảm 2%. (Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA ngày 09/8)

Tổng công ty Điện lực Hà Nội, cổ đông lớn thứ 2 của Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung (CHP), sẽ thực hiện thoái toàn bộ 11.247.705 cổ phần (tương đương 8,93% vốn) tại CHP theo phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh từ ngày 12/8 - 05/9/2016. (Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - HNX)

Tổng cầu


Đầu tư

Trong tháng 7/2016, Việt Nam đã ký kết 4 hiệp định vay nước ngoài với WB có tổng giá trị là 669 triệu USD. Lũy kế 7 tháng đầu năm đã đàm phán, ký kết 26 hiệp định vay với tổng giá trị quy đổi khoảng 4.431 triệu USD, trong đó chủ yếu vay từ WB, ADB và Chính phủ Nhật Bản. Trị giá giải ngân vốn vay nước ngoài trong tháng 7/2016 đạt khoảng 3.274 tỷ đồng (150 triệu USD). Lũy kế từ đầu năm đến ngày 25/7/2016 đã giải ngân khoảng 44.054 tỷ đồng (2.014 triệu USD), đạt 42,85% so với kế hoạch cả năm (4.700 triệu USD). (Theo Bộ Tài chính)

Ngân sách

nhà nước

Tính đến tháng 7/2016, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 32,5 nghìn doanh nghiệp, qua đó xử lý tăng thu 5,7 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2015; đôn đốc, cưỡng chế thu được 23,5 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế năm 2015 chuyển sang, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Thông cáo báo chí về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 7/2016 của Bộ Tài chính)

Xuất nhập khẩu

Trong 7 tháng đầu năm 2016, ngành rau quả của Việt Nam đã xuất siêu hơn 1 tỷ USD, trong đó: Kim ngạch nhập khẩu rau quả đạt hơn 351 triệu USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2015; kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2015. Thái Lan đã vượt Trung Quốc, trở thành nhà cung cấp nhiều rau quả nhất cho thị trường Việt Nam, với giá trị đạt hơn 143 triệu USD, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2015; trong khi Trung Quốc chỉ đạt 81 triệu USD. (Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam - Vinafruit)

Trong quý 2/2016, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 732,3 triệu USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2015, do nguồn cung nguyên liệu khan hiếm. Do cả 2 quý đều tăng trưởng dương nên xuất khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 1,4 tỷ USD; tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo xuất khẩu tôm cả năm 2016 chỉ đạt khoảng 3 tỷ, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2015, do nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ vẫn thiếu hụt trong nửa cuối năm khi chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn. (Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - Vasep)

Cân đối vĩ mô


Kiều hối

Tính đến cuối tháng 7/2016, lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 2,5 tỷ USD, tăng khoảng 4,16% so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu được chuyển về từ Hoa Kỳ và châu Âu.Dự báo lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng, cả năm 2016 đạt khoảng 5,7 - 5,8 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2015. (Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh ngày 05/8)

Tín dụng

Tính đến ngày 29/7/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45% so với cuối năm 2015; huy động vốn tăng 9,94% so với cùng kỳ năm 2015 (trong đó huy động bằng VND tăng 12,28%; bằng ngoại tệ giảm 6,25%); tín dụng tăng trưởng 8,54% so với cuối năm 2015. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống tính đến cuối tháng 6/2016 là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. Tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59,71 nghìn tỷ đồng, giảm 14,55% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó bán nợ cho VAMC 8,88 nghìn tỷ đồng, khách hàng trả nợ 30,98 nghìn tỷ đồng, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu 7,24 nghìn tỷ đồng. (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 11/8/2016)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 2 ngày tăng giá và 4 ngày giảm, giá vàng SJC đã giảm tổng cộng 60 - 100 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 13/8), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 36,36 - 36,63 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 36,36 - 36,65 triệu đồng/lượng, giảm thêm 50 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm 40 nghìn đồng/lượng bán ra so với sáng ngày 12/8.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,51 - 36,57 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng ở mỗi chiều so với sáng ngày 12/8.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 21 đồng với 3 ngày tăng giá, 2 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 13/8), tỷ giá trung tâm là 21.849 /USD, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại hầu như không thay đổi với so với sáng ngày 12/8:

- Vietcombank và BIDV: 22.260 - 22.330 đồng/USD.

- Vietinbank: 22.265 - 22.353 đồng/USD.

- ACB: 22.270 - 22.330 đồng/USD.

- Techcombank: 22.260 -2 2.330 đồng/USD, giảm 20 đồng chiều bán ra.

- Eximbank và DongABank: 22.270 - 22.330 đồng/USD.

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Trong tháng 7/2016, tổng số nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch chứng khoán tại Việt Nam tăng lên 173 cá nhân/tổ chức, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2015. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2016, tổng tài khoản cấp mới đạt 932 tài khoản, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam - VSD)

Trái phiếu

Trong tuần qua, HNX đã tổ chức 2 phiên đấu thầu TPCP và TPCP bảo lãnh. Cụ thể:

- Ngày 08/8, tổ chức đấu thầu TPCP bảo lãnh do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 1.000 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 5 năm (500 tỷ đồng); 15 năm (300 tỷ đồng); 10 năm (200 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 250 tỷ đồng (50%), lãi suất 6,45%/năm.

+ Kỳ hạn 10 năm: Không trúng thầu.

+ Kỳ hạn 15 năm: Không trúng thầu.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 12/8/2016, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động thành công 5.500 tỷ đồng TPCP bảo lãnh.

- Ngày 10/8, tổ chức đấu thầu TPCP do KBNN phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 4.900 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 5 năm (2.600 tỷ đồng); 7 năm (1.300 tỷ đồng); 30 năm (1.000 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 2.600 tỷ đồng (100%), lãi suất 6,08%/năm.

+ Kỳ hạn 7 năm: Huy động được 1.300 tỷ đồng (100%), lãi suất 6,6%/năm.

+ Kỳ hạn 30 năm: Huy động được 579 tỷ đồng (57,9%), lãi suất 8%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 12/8/2016, KBNN đã huy động thành công hơn 206.729 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu

Sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động (tính đến ngày 24/7), chỉ số UpCoM Premium đã thu hút sự quan tâm giới đầu tư, trong đó nhà đầu tư nước ngoài giao dịch 84,7% các mã chứng khoán. Tổng khối lượng giao dịch của các mã cổ phiếu trong rổ chỉ số đạt 88,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 1.716 tỷ đồng, chiếm 70,9% tổng giá trị giao dịch thị trường UpCoM.Khối lượng giao dịch bình quân đạt 4,2 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng giá trị giao dịch 81,7 tỷ đồng/phiên.(Theo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX)

Trong tuần từ 08 - 12/8/2016, hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều tăng, nhờ nhóm cổ phiếu dầu khí tăng giá mạnh, cùng tâm lý tích cực của nhà đầu tư giúp nhiều mã cổ phiếu tăng giá. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 28,32 điểm (4,5%) lên 655,71 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt115,14triệu đơn vị/phiên, giảm4,32%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt2,226.26tỷ đồng, giảm0,86%.

- HNX-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 2,06 điểm (2,54%) lên 83,13 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt40,25triệu đơn vị/phiên, giảm0,1%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt512,26tỷ đồng, giảm15,26%.

Trong tuần qua, nhà đầu tư đã chuyển sang xu hướng bán ròng khá mạnh trên sàn HOSE. Trong đó tâm điểm bán ra của khối này là cổ phiếu lớn VIC với giá trị bán ròng lên tới gần 250 tỷ đồng. Tính chung trên cả hai sàn, khối ngoại đã bán ròng 12,26 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 313,93 tỷ đồng (tuần trước từ 01 - 05/8/2016) mua ròng 14,22 triệu đơn vị, giá trị 349,51 tỷ đồng).

- HOSE:Khối ngoại mua ròng duy nhất 1 phiên ngày 11/8. Tổng khối lượng bán ròng 16,3 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 366,72 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 4,56 triệu đơn vị, giá trị 219,79 tỷ đồng).

- HNX: Nhà đầu tư nước ngoài có 1 phiên bán ròng duy nhất vào ngày 10/8. Tổng khối lượng mua ròng 4,04 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 52,79 tỷ đồng, giảm 58,17% về lượng và 59,3% về giá trị so với tuần trước đó.

Đàm phán - Ký kết

Nhật Bản và Việt Nam

Ngày 08/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản Keiichi Ishii về quản lý thủy lợi thông qua vận hành công trình thủy lợi, quản lý thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm: Quy hoạch thủy lợi; xây dựng và vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình thủy lợi; các biện pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ thực hiện khảo sát để cải thiện hạ tầng trên toàn lãnh thổ Việt Nam nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết các hậu quả thiệt hại do hạn hán, giúp giảm nhẹ thiên tai ở Việt Nam. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 10/8)

Chính sách

Quyết định số 1556/QĐ-TTg

Ngày 05/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1556/QĐ-TTg về việc bổ sung 73.300 triệu đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2016, gồm: 59.000 triệu đồng dành cho các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để thực hiện các dự án: Chương trình 30a, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, truyền thông và giảm nghèo về thông tin, nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; 14.300 triệu đồng dành cho các địa phương để thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/8/2016.

Quyết định số 1563/QĐ-TTg

Ngày 08/8/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1563/QĐ-TTg về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020.

- Phấn đấu đến năm 2020, có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến ( trung bình 350 USD/người). Doanh số thương mại điện tử B2C tăng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm 30% kim ngạch xuất nhập khẩu; 50% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử; 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/8/2016.

Nhận định

chuyên gia

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định:

Trong những tháng cuối năm 2016, có 5 yếu tố có thể khiến mặt bằng lãi suất cho vay giảm, gồm: (i) Thanh khoản hệ thống đang khá dồi dào có thể đảm bảo được nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế. Cơ cấu tín dụng đang chuyển dịch tập trung cho 5 lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với chủ trương của Chính phủ; (ii) Lãi suất TPCP tiếp tục giảm ở các kỳ hạn. Phát hành trái phiếu chính phủ đã đạt 85% kế hoạch năm (phát hành 250 nghìn tỷ đồng) sẽ giảm thiểu áp lực tăng lãi suất; (iii) Lạm phát tăng so với năm trước nhưng dự báo cả năm vẫn ở mức thấp (3,5 - 4%); (iv) Tỷ giá và thị trường ngoại hối từ đầu năm vẫn khá ổn định, dự báo tỷ giá cuối năm chỉ dao động trong khoảng kỳ vọng (3%); (v) Lợi nhuận 6 tháng đầu năm các NHTM tương đối khả quan, tạo dư địa cho việc xử lý nợ xấu và tiết giảm chi phí hoạt động của hệ thống.