Kinh tế thế giới 2015: Bài toán khó từ chính sách tiền tệ và giá dầu
(Tài chính) Giá hàng hóa giảm, chính sách tiền tệ phi truyền thống và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở mức cao đang định hình nền kinh tế toàn cầu như thế nào?
Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 45 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, phiên thảo luận với chủ đề “The new growth context” (tạm dịch: Bối cảnh tăng trưởng mới) đã được tổ chức.
Các diễn giả tham dự phiên thảo luận này bao gồm ông John Rice (Phó Chủ tịch tập đoàn GE), ông David M. Rubenstein (đồng sáng lập kiêm CEO của tập đoàn Carlyle), ông Axel A. Weber (Chủ tịch HĐQT ngân hàng UBS, Thụy Sĩ), bà Zhang Xin (CEO kiêm đồng sáng lập tập đoàn bất động sản SOHO, Trung Quốc) và ông Min Zhu (Phó Tổng giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế IMF).
Phiên thảo luận bắt đầu với câu hỏi được phóng viên Maria Bartiromo của hãng tin Fox Business: Giá hàng hóa giảm, chính sách tiền tệ phi truyền thống và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở mức cao đang định hình nền kinh tế toàn cầu như thế nào? Đây cũng chính là chủ đề chính của phiên thảo luận.
Thế giới đứng trước bước ngoặt của chính sách tiền tệ
Nói về chính sách tiền tệ mà các NHTW đang theo đuổi và về cuộc họp chính sách quan trọng của NHTW châu Âu (ECB) ngày mai, đứng trên lập trường của một lãnh đạo doanh nghiệp đồng thời từng tham gia quá trình hoạch định chính sách tiền tệ, Axel A. Weber cho rằng các NHTW trên toàn thế giới đều đang trên lộ trình quay về trạng thái bình thường sau nhiều năm thực hiện những chính sách phi truyền thống.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc chương trình nới lỏng định lượng (QE), NHTW Anh cũng có động thái tương tự và mới đây nhất là NHTW Thụy Sĩ thả nổi đồng franc.
Tuy nhiên, sau nhiều năm trì hoãn, NHTW châu Âu được dự đoán sẽ thông báo về một gói QE trị giá 550 tỷ euro vào ngày mai. Weber cho rằng châu Âu đã mắc sai lầm lớn khi chần chừ không thực hiện QE. “Châu Âu không quay trở lại nhưng hạn chót đã qua rồi”, Weber nói.
Axel A. Weber cũng cảnh báo triển khai QE ở châu Âu khó hơn rất nhiều so với ở Mỹ. Các nước châu Âu đã xây dựng một thị trường chung, sử dụng một đồng tiền chung, có một NHTW chung để quyết định về chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, chịu trách nhiệm triển khai chính sách ở từng nước lại là chính phủ các nước. Do đó, ở châu Âu hiện đang xuất hiện tình trạng bất cân xứng.
“Điều châu Âu cần làm bây giờ là ngay lập tức cải cách: cải cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải cách thị trường lao động … Ngày mai ECB sẽ không làm thị trường thất vọng, nhưng châu Âu sẽ không thể đạt được các mục tiêu lạm phát, tăng trưởng, thất nghiệp nếu như không cải cách”.
John Rice nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. “Bạn không thể có tăng trưởng bền vững trừ khi có việc làm, và bạn không thể có việc làm nếu như không có cơ sở hạ tầng tốt”.
Vấn đề thực sự của nước Mỹ
Nói về bức tranh kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại, David M. Rubenstein nhận định Mỹ đang là điểm đầu tư tốt trên bản đồ kinh tế thế giới: tăng trưởng tốt, lạm phát thấp, Fed vẫn duy trì lãi suất ở mức gần 0 … Đối với nền kinh tế vài nghìn tỷ USD như Mỹ, tốc độ tăng trưởng 3,5% (như dự đoán của IMF) đã là rất khả quan.
Tuy nhiên, chênh lệch giàu nghèo vẫn sẽ là điểm nhức nhối của nước Mỹ. Giống như trong quá khứ, tăng trưởng kinh tế nóng trở lại sẽ tạo đà tăng cho thị trường chứng khoán, khiến khoảng cách giàu nghèo tăng lên. Những người bị bỏ lại phía sau, không được hưởng đà phục hồi của nền kinh tế sẽ ra sao. “Đó mới là vấn đề thực sự của kinh tế Mỹ”, Rubenstein nói.
Giá dầu sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới ra sao?
Dẫu vậy, Rubenstein chia sẻ ông hi vọng rằng nước Mỹ sẽ tận dụng được thời cơ từ giá dầu giảm. “Mặc dù giá dầu giảm đe dọa các công ty khai thác dầu từ đá phiến, khiến họ phải cắt giảm nhân lực cũng như chi phí đầu tư, người tiêu dùng Mỹ (và cả thế giới) được hưởng lợi lớn. Đối với Mỹ, tiêu dùng đóng vai trò quan trọng hơn ngành dầu khí”.
Phản bác lại quan điểm này, lãnh đạo IMF Min Zhu nhắc đến những thiệt hại mà các nước xuất khẩu dầu phải chịu. Giá dầu giảm giúp tăng tiêu dùng nhưng bộ phận chịu thiệt thòi là các nhà sản xuất, là nhiều nước không thể giữ được trạng thái cân bằng ngân sách nếu giá dầu ở mức quá thấp.
Trong khi đó, Rice cho rằng giá hàng hóa luôn có chu kỳ, trong khi các dự án khai thác dều có tầm dài hạn và do đó giá dầu giảm không ảnh hưởng quá mạnh đến ngành dầu khí.
Ngành ngân hàng khỏe mạnh hơn
Ông Zhu nhận định ngành ngân hàng thế giới đã khỏe mạnh hơn so với cách đây 5 năm, đặc biệt là ở châu Âu. Các ngân hàng đã củng cố vốn và triển khai nhiều biện pháp phòng chống khủng hoảng. Tuy nhiên, rủi ro giờ lại nằm ở các ngân hàng trong bóng tối.