Kinh tế thế giới: Chưa vào vùng sáng
Cuộc đại khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong thế kỷ XX bắt đầu từ năm 1929 và được cho là kết thúc vào năm 1933.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học khẳng định đây chỉ là một cột mốc mang tính ước lệ khi những hậu quả khủng khiếp của cuộc suy thoái đã kéo dài suốt những năm 1930 và thậm chí sang đầu những năm 40 của thế kỷ trước.
Sự đáng sợ của các cuộc khủng hoảng chính là những tổn thương dai dẳng của nó. Thế giới hôm nay cũng đang phải chật vật trải qua một thời kỳ hậu suy thoái nhiều di chứng như vậy sau biến cố tài chính năm 2008.
Gần 8 năm sau ngày đen tối được đánh giá là sự cố thế kỷ, nền kinh tế toàn cầu mới chớm thoát khỏi bóng đen khủng hoảng và đang hằng ngày phải đối diện với chuỗi loạt rủi ro bị kéo trở lại vòng xoáy trì trệ và bất ổn. Thực tế này cũng đã được nhận định trong hội nghị của các Bộ trưởng Tài chính Nhóm 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G20) vừa kết thúc tại thủ đô Washington của Mỹ.
Trong số những nguy cơ được các lãnh đạo tài chính G20 "điểm mặt, chỉ tên" thì biến động về tài chính, xuất khẩu khó khăn và lạm phát thấp được xác định là các căn bệnh trầm kha nhất đối với kinh tế toàn cầu. Thời gian qua, nhằm giành lợi thế cạnh tranh, các nền kinh tế đã vận dụng tất cả những công cụ có thể cho cuộc đua tăng trưởng.
Trong đó, việc sử dụng tỷ giá hối đoái, phá giá đồng tiền và thậm chí là lãi suất âm đã trở thành xu thế "thời thượng" khiến các chuyên gia kinh tế thế giới hơn một lần cảnh báo về hậu quả dài hạn mà những phương pháp trên mang lại nếu bị lạm dụng quá đà. Hội nghị G20 vừa kết thúc đã tái khẳng định cam kết kiềm chế sự "nở rộ" của xu hướng này nhằm bảo đảm một môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững và thống nhất hơn.
Tuy nhiên, khi mọi quốc gia đều đang phải tìm cách để "cứu lấy mình" trong thời buổi "người khôn của khó", việc triển khai được một chính sách đồng bộ là cực kỳ khó khăn. Trước khi G20 đưa ra nhận xét về sự trì trệ của hoạt động xuất khẩu hàng hóa, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2016 xuống 2,8% so với mức 3,9% đã từng nhận định. Đang duy trì ở mức yếu và không ổn định, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo nhấn mạnh rằng đây là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng thương mại toàn cầu ở mức dưới 3%.
Triển vọng hồi phục của kinh tế thế giới càng mong manh với các cuộc xung đột địa chính trị, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, cuộc khủng hoảng di cư đang gây áp lực trầm trọng cho Châu Âu và mối đe dọa từ việc Anh có thể rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU). Đây cũng là những nguyên nhân buộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lần thứ tư liên tiếp trong vòng một năm qua hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo cơ quan tài chính này, tốc độ hồi phục của kinh tế toàn cầu đang diễn ra theo cách ngày càng gây thất vọng, chỉ tăng 3,2% trong năm nay, giảm 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 1.
IMF cũng bộc lộ sự thiếu kỳ vọng vào các nền kinh tế phát triển gồm Mỹ, Canada, Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), Anh và Nhật Bản khi cùng lúc hạ thấp dự báo tăng trưởng của những đầu tàu kinh tế này. Nếu như kinh tế Mỹ được nhìn nhận là vững vàng nhất thì Châu Âu và Anh là những nhân tố gây lo ngại.
Giữa lúc chưa biết đối phó ra sao với dòng người di cư đổ về châu lục, chủ nghĩa khủng bố đã giáng thêm một đòn mạnh vào Lục địa già khi làm gia tăng mối hoài nghi về sự hiệu quả của các chính sách, gây áp lực đối với tinh thần đoàn kết và hợp nhất từng được xem là nền tảng của EU và thúc đẩy sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc.
Sự thật này đang được nhìn thấy khá rõ tại Anh với nguy cơ của việc ra khỏi EU hay còn gọi là Brexit. Nếu các cử tri Anh quyết định cuộc ly khai trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6 tới, thì sự việc này sẽ "làm gián đoạn và suy giảm các dòng chảy tài chính và thương mại" giữa Anh và EU.
Tuy nhiên, nỗi ám ảnh lớn nhất là những "trận cuồng phong" ngược đang vần vũ ở các nền kinh tế mới nổi. Từng ở vị trí dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu, năng lực nội tại yếu, chịu bất lợi do giá nhiên liệu và hàng hóa thấp, ảnh hưởng vì nhu cầu tiêu dùng giảm, những quốc gia mới nổi từ Trung Quốc, Nga đến Brazil đều ghi nhận một tốc độ tăng trưởng chậm dần đều.
Theo đó, nền kinh tế thứ hai thế giới là Trung Quốc được dự báo chỉ ở ngưỡng 6,5% vào năm nay trong khi Nga giảm 1,8% và Brazil tụt thêm 3,8%, bằng với mức suy giảm của năm ngoái.
Đã xuất hiện những ý kiến cho rằng thế giới đang đứng trước một cuộc khủng hoảng tài chính nữa trong vòng 5 năm tới trong điều kiện những yếu tố bất lợi dường như dễ nhìn thấy hơn các cơ hội. Triển vọng đen tối này có thể sẽ thành sự thật hoặc chỉ là tiên đoán một phần quan trọng sẽ phụ thuộc vào những hành động thực tế của từng quốc gia.
Lâu nay, các định chế tài chính lớn đang kêu gọi việc thực hiện sự phối hợp chính sách trên toàn cầu. Bởi lẽ, bất kỳ một sự "rẽ ngang" nào đều có thể gây ra những "tai nạn" khiến con tàu kinh tế thế giới không thể chạm đích.