Bức tranh u ám của kinh tế thế giới nhìn từ những con tàu chở hàng trên biển

Theo Trí thức trẻ

Xét lại quãng thời gian vài năm trở lại đây, nhiều chỉ số đo lường hoạt động vận tải hàng hóa trên toàn thế giới đang phát đi tín hiệu cảnh báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet



Vận tải hàng hóa là ngành công nghiệp có liên hệ mật thiết với các hoạt động kinh tế trên khắp thế giới, phản ánh đúng nhịp độ, sức khỏe của hoạt động công nghiệp sản xuất, dịch vụ, thương mại trong nền kinh tế toàn cầu. Do vậy bấy lâu nay việc theo dõi các chỉ báo vận tải hàng hóa mà đặc biệt là ngành vận tải biển – con đường vận chuyển hàng hóa chủ yếu trên thế giới hiện nay, vẫn được xem là cách dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và của từng quốc gia nói riêng.

Xét lại quãng thời gian vài năm trở lại đây, nhiều chỉ số đo lường hoạt động vận tải hàng hóa trên toàn thế giới đang phát đi tín hiệu cảnh báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đi vào phân tích chi tiết sẽ thấy nhiều yếu tố cốt lõi trong hoạt động kinh tế đang xấu đi rõ rệt.

Đầu tiên là Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có ảnh hưởng to lớn tới kinh tế toàn cầu. Cùng đánh giá hoạt động vận tải hàng hoá bằng tàu hỏa tại Mỹ – đây là quốc gia có mạng lưới đường sắt dày đặc nhất thế giới, tỏa khắp tất cả các bang của quốc gia này. Nhờ sự tiện lợi và chi phí rẻ, vận tải hàng hóa bằng đường sắt chiếm tỷ trọng cao trong toàn bộ ngành vận tải hàng hóa của nước Mỹ cả trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Theo Hiệp hội đường sắt Mỹ thì kể từ giữa tháng 3/2015 tới nay, khối lượng vận chuyển đối với các sản phẩm nông nghiệp, hóa chất, than đá, kim loại, ô tô và hàng hóa khác trên đất Mỹ đã giảm dần sau mỗi tuần.

Khối lượng hàng hóa mà các công ty vận tải phải chuyên chở đang giảm dần đồng nghĩa là hoạt động kinh tế cũng đang bị suy giảm. Viện nghiên cứu kinh tế Prestige Economics tại Texas, Mỹ đã dành một thời gian dài để phân tích các số liệu về khối lượng hàng hóa đã được vận chuyển tại Mỹ từ nguồn dữ liệu do MHI khảo sát (hay MHIA - Materials Handling Industry trade association of America – Hiệp hội thương mại ngành công nghiệp bốc xếp hàng hóa Mỹ). MHI họ đưa ra mức điểm cân bằng là 50 điểm như nhiều chỉ báo kinh tế khác. Kết quả khảo sát thực tế cao hơn hay thấp hơn 50 sẽ tương ứng với sự mở rộng hay thu hẹp của động kinh doanh, sản xuất trong nền kinh tế.

Trong tháng 1/2016, mức điểm là 52, giảm đáng kể so với mức trung bình 60 của các tháng trước đó. 48% số công ty được khảo sát đã phản hồi rằng lượng hợp đồng thuê vận chuyển, bốc xếp mới trong tháng 1 suy giảm.

Tình hình bên ngoài nước Mỹ cũng không có nhiều điểm sáng. Theo dữ liệu thống kê, tính tới tháng 11/2015 đã có 197.400 đơn vị Côngtenơ (theo chuẩn TEU) được vận chuyển từ Bắc Mỹ tới châu Âu trong tháng 11/2015, giảm 22% so với mức đỉnh của năm 2014, cũng như thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh của các khoảng thời gian cùng kỳ của 2013, 2012.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang là tâm điểm của những lo lắng bất ổn kinh tế đối với toàn cầu. Theo báo cáo được công bố trên website của công ty nghiên cứu Clarkson, mức nhập khẩu than cốc (dùng trong sản xuất thép), than nhiệt (dùng trong các nhà máy nhiệt điện) và quặng sắt của Trung Quốc đã giảm 4,2% trong năm 2015, và được dự báo sẽ giảm thêm 2,4% trong năm nay. Nếu dự báo của Clarkson Research là chính xác, thì lượng nhập khẩu than nhiệt chuyên chở bằng đường biển cho các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc tính từ năm 2013 tới hết năm 2016 này đã giảm khoảng 40%.

Ngoài ra trong báo cáo của hãng nghiên cứu IHS Global về hoạt động vận tải biển, tốc độ trung bình hàng ngày của các đội tàu vận tải trên thế giới đã giảm khoảng 10% kể từ giữa năm 2008 tới nay và giảm đều qua các năm. Lời giải thích hợp lý nhất là do các công ty vận tải lo ngại về nhu cầu yếu đối với dịch vụ của họ do vậy họ cho tàu chạy với nhịp độ chậm lại nhằm hạn chế tối đa những khoảng thời gian tàu nhàn rỗi. Ngoài ra phải nói thêm rằng số lượng tàu vận tải biển trên thế giới đã tăng gấp đôi kể từ 2008 mà trong đó không ít các tàu cỡ lớn với trọng tải từ 150.000 tấn trở lên do đó tăng tính cạnh tranh về chi phí.

Tất cả các chỉ số đều đang vẽ nên một bức tranh triển vọng kém lạc quan đối với kinh tế thế giới. Và sự co cụm của ngành vận tải hàng hóa bằng đường sắt của Mỹ - nền kinh tế hàng đầu thế giới, lại gợi nhớ tới đợt khủng hoảng kinh tế xuất phát từ nền kinh tế này.