Kinh tế thế giới: Mối lo suy thoái?
Nhiều chuyên gia kinh tế mới đây đã đưa ra nhận định, kinh tế toàn cầu hiện phải đối mặt với những mối nguy được đánh giá là trầm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tăng trưởng chậm tại các nước phát triển
Theo Ông Larry Summers, Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, tình trạng kinh tế “trì trệ trường kỳ” tại các nước phát triển trở nên xấu đi, trong khi các thị trường mới nổi lớn, đi đầu là Trung Quốc, lại đang sa sút.
Các nước phát triển đang tăng trưởng ở mức không thỏa đáng, mặc dù họ đã viện tới chính sách tiền tệ siêu lỏng. Họ dường như không còn đủ sức để đương đầu với bất kỳ cú sốc quy mô toàn cầu nào.
Các nhà hoạch định chính sách ở các nước phương Tây dường như đánh giá thấp nguy cơ rơi trở lại suy thoái ở nước mình cũng như trên toàn cầu. Một khi xảy ra suy thoái, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ thiếu công cụ để đối phó với tình trạng này.
Thực tế, các nước công nghiệp hóa hiện dường như không còn nhiều công cụ trong tay. Lãi suất dự báo sẽ tiếp tục ở mức rất thấp trong thời gian dài ở Nhật Bản và châu Âu và tăng rất chậm ở Mỹ.
Ông Larry Summers cũng cho biết, nhịp độ tăng trưởng chậm lại của các nước công nghiệp gây tác động xấu tới các thị trường mới nổi và hệ quả là nhịp độ tăng trưởng kinh tế của các nước phương Tây càng chậm thêm.
Các thị trường mới nổi lâu nay là “điểm sáng” của kinh tế toàn cầu, tiếp nhận lượng vốn lớn từ các nước phát triển. Tuy nhiên, lượng vốn ròng chảy vào các nước đang phát triển lại giảm mạnh từ đầu năm đến nay và đây là lần sụt giảm đầu tiên trong gần 30 năm qua. Theo Viện Tài chính Quốc tế (Mỹ), ước tính khoảng 1.000 tỷ USD vốn tư nhân đã thoái lui khỏi các nước đang phát triển từ đầu năm 2015 tới thời điểm này.
Mối lo Trung Quốc
Tại các nền kinh tế mới nổi, đáng chú ý nhất là kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại một cách rõ rệt những năm gần đây. Chính quyền Bắc Kinh cho rằng nước này đang tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển từ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng sang thị trường tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc trên thực tế đã giảm tốc nhanh và mạnh hơn dự đoán. Điều này khiến chính quyền Bắc Kinh không kịp đưa ra những biện pháp đối phó hiệu quả. Hậu quả là những quyết định vội vàng của Trung Quốc đã tạo nên những biến động mạnh trên thị trường nước này cũng như toàn cầu.
Trong tháng 7/2015, xuất khẩu của nước này giảm gần 9% và ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ phá giá nhân dân tệ trong tháng 8 nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn suy giảm giảm 1,1% trong tháng 9/2015 so với cùng kỳ năm trước.
Dù mức suy giảm xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 không cao như trong tháng 7/2015 nhưng số liệu thương mại tháng 9/2015 do nước này công bố mới đây đã khiến các chuyên gia và nhà đầu tư lo lắng, không chỉ về tình trạng tăng trưởng chậm lại của nước này mà còn về rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu.
Xuất khẩu của Trung Quốc giảm cho thấy rủi ro trong sự suy giảm nhu cầu trên toàn thế giới. Như vậy, Trung Quốc không chỉ là nước gặp vấn đề về kinh tế, mà chắc chắn nhiều quốc gia khác cũng đang phải đau đầu trong việc duy trì tăng trưởng.
Kinh tế toàn cầu bước vào chu kỳ suy thoái?
Theo Ông Larry Summers kinh tế toàn cầu đang chững lại và đối mặt với mối nguy hàng đầu là nguy cơ suy thoái. Đồng quan điểm này, chuyên gia Ruchir Sharma của Morgan Stanley Investment Management cho rằng kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng 7 năm trước khi bước vào suy thoái.
Theo ông Sharma, nền kinh tế thế giới thường có chu kỳ suy thoái và tăng trưởng đan xen lẫn nhau qua mỗi 7-8 năm trong suốt 50 năm qua. Lần suy thoái gần đây nhất là vào năm 2007-2008 và đợt suy thoái này diễn ra khá mạnh.
Còn theo ông David Rubenstein, Giám đốc điều hành của The Carlyle Group thì nếu kinh tế toàn cầu bắt đầu chu kỳ suy thoái, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc xuống 2% GDP trong năm nay, kinh tế châu Âu chỉ tăng trưởng 1% còn Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6%.
Theo ông Rubenstein, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không còn nhiều công cụ để hỗ trợ thị trường khi mức lãi suất đã giảm xuống quá sâu.