Kinh tế thế giới tuần 16 - 22/3: Fed không còn kiên nhẫn, USD hạ nhiệt

Theo Infonet

(Tài chính) USD giảm mạnh nhất kể từ năm 2011, chứng khoán toàn cầu tăng mạnh nhất 2 năm, các chuyên gia đưa ra dự báo u ám về euro ... là những sự kiện nổi bật của kinh tế thế giới tuần qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Fed không còn “kiên nhẫn”

Sau cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 17 – 18/3, Fed đưa ra bản thông báo đặt dấu chấm hết cho “thời đại cũ” bằng cách loại bỏ từ “kiên nhẫn” khi nói về khả năng nâng lãi suất trong thời gian sắp tới. Ủy ban thị trường mở (FOMC) khẳng định thời cơ phù hợp để thắt chặt chính sách tiền tệ “là khi thị trường lao động tiến triển xa hơn và Fed khá tự tin rằng lạm phát có thể quay trở lại mức 2% trong trung hạn”.

Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn được trấn an khi Fed hạ dự báo về lãi suất trong giai đoạn cuối năm 2015 xuống còn 0,625%, so với mức 1,125% được đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái.

USD hạ nhiệt

Sau khi chạm mốc mạnh nhất 12 năm so với euro trong tuần trước, đồng bạc xanh đã hạ nhiệt sau khi Fed hạ dự báo về lãi suất. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index (USD giao ngay) theo dõi diễn biến của USD với 10 đồng tiền chủ chốt khác, giảm 2,2% trong tuần – mạnh nhất kể từ tháng 10/2011.

Chứng khoán toàn cầu tăng mạnh nhất 2 năm

Kết thúc tuần qua, chỉ số S&P 500 tăng 2,7%, mạnh nhất trong 6 tuần gần đây. Chỉ số MSCI All-Country World cũng tăng 3,3% trong tuần, mạnh nhất kể từ tháng 7/2013.

Các chỉ số chính tiến gần đến mức kỷ lục nhờ dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất ở mức gần 0 ít nhất là cho tới giữa năm nay trong khi châu Âu tiếp tục bơm tiền.

Dự báo u ám về euro

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo euro sẽ ngang bằng với USD trong 6 tháng tới và 1 năm nữa 1 euro chỉ đổi được 0,95 USD.

Sử dụng mô hình "đầu và vai", chuyên gia Rich Ross dự báo euro có thể giảm xuống mức 0,8 USD đổi 1 euro trong thời gian tới.

IMF: Kinh tế toàn cầu vẫn "dễ tổn thương và quá mong manh"

Phát biểu nhân chuyến thăm Ấn Độ, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 16/3 nhận định, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn "quá chậm chạp, dễ tổn thương và quá mong manh."

Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng lưu ý rằng sự chệch hướng trong chính sách tiền tệ giữa các nền kinh tế chủ chốt là một rủi ro có thể gây ra bất ổn trên thị trường tài chính.

Sức khỏe của ông Lý Quang Diệu xấu đi

Văn phòng Thủ tướng Singapore ngày 17/3 đưa tin tình hình sức khỏe của ông Lý Quang Diệu xấu đi do tình trạng nhiễm khuẩn. Theo các bác sĩ, bệnh viêm phổi của ông đã "trở nên tồi tệ do nhiễm trùng" và hiện ông đang được điều trị kháng sinh một cách tích cực.

Ông Lý Quang Diệu, sinh năm 1923, là Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Singapore, được xem là người lập ra nhà nước Singapore hiện đại. 

Kỷ niệm 1 năm Crimea về với nước Nga

Tròn một năm sau ngày sáp nhập bán đảo Crimea, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin đã giành lại được vùng đất lịch sử nhưng cũng phải hứng chịu nhiều thiệt hại.

Hàng rào bao vây cấm vận của phương Tây cộng với giá dầu thô giảm đã đẩy nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái, dự báo vào khoảng 3-5% trong năm 2015. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 7%, dòng vốn chảy ra nước ngoài lên tới 150 tỷ USD trong năm 2014.

Giá đồng rúp sụt giảm rất mạnh, đẩy tỷ lệ lạm phát Nga lên tới hơn 16%, giá cả mọi loại hàng hóa tăng vọt. Cuộc cuộc sống của người dân Nga trở nên khó khăn hơn.

Crimea hiện cũng đang bị rơi vào trạng thái cô lập chưa từng thấy.