Kinh tế thị trường và các vấn đề xã hội


Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một văn kiện vừa có tính chất đúc kết thực tiễn, vừa là một bước đột phá nâng tầm lý luận về chủ nghĩa xã hội. Trong đó, một vấn đề rất đặc biệt được đề cập trong Bài viết là kinh tế thị trường và các vấn đề xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Nguồn: ITN
Ảnh minh họa. Nguồn: Nguồn: ITN

Phát triển ưu thế, khắc phục "khuyết tật"

Cách đây gần 30 năm, Tổng Bí thư và các nhà khoa học kinh tế đã vạch rõ tính chất hai mặt (ưu thế và khuyết tật) của nền kinh tế thị trường(1).

Mặt ưu thế bao gồm: Tính mềm dẻo, tính tự điều chỉnh cao nên dễ thích nghi khi có những biến cố, biến động. Tính năng động cao, luôn luôn có sự đổi mới kỹ thuật, công nghệ nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Nhu cầu xã hội rất đa dạng, do đó các loại hàng hóa, các loại dịch vụ cũng được đa dạng hóa và phải rất phong phú để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Mức độ hoạt động hiệu quả (cao hay thấp, hay không có hiệu quả) của từng doanh nghiệp được thể hiện rất rõ ràng. Người lao động buộc phải năng động, phải chủ động nâng cao trình độ mọi mặt và phải nghiêm túc trong lao động để không bị đào thải.

Mặt khuyết tật bao gồm: Kinh tế thị trường chỉ chú ý đầy đủ đến lợi nhuận, lợi ích cá nhân, khá nhiều trường hợp gây thiệt hại chung cho xã hội, hủy hoại môi trường sinh thái. Tính tự phát, cạnh tranh tự nó không bảo đảm được tính hợp lý về cơ cấu sản phẩm, gây lãng phí nghiêm trọng. Kinh tế thị trường không bảo đảm được cơ cấu kinh tế hợp lý, nói cách khác là, cơ cấu kinh tế hình thành tự phát. Đặc biệt là các mục tiêu xã hội không được giải quyết hợp lý, thấu đáo, vì kinh tế thị trường chỉ chú ý đến các nhu cầu có khả năng thanh toán, rất lạnh lùng với các nhu cầu không có khả năng thanh toán (của người nghèo, tầng lớp yếu thế trong xã hội). Kinh tế thị trường gây ra phân cực xã hội, phân hóa giàu nghèo với mức độ lớn. Quan hệ xã hội trong nhiều trường hợp lấy đồng tiền và địa vị cá nhân làm thước đo lẫn nhau. Các tệ nạn xã hội nảy sinh và phát triển rất nghiêm trọng.

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư đã nói rõ, kinh tế thị trường là thành tựu, là giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được qua các thời kỳ phát triển. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu đó phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát huy và phát triển. Điểm lại những ưu thế và khuyết tật của kinh tế thị trường là để chúng ta chọn lọc, kế thừa, phát huy và phát triển một cách đúng đắn những ưu thế của nó. Đồng thời phải ngăn ngừa, khắc phục, hạn chế tối đa những tiêu cực, những khuyết tật, những khiếm khuyết mang trên cơ thể nó.

Từ đó mà hình thành một nền kinh tế thị trường Việt Nam - nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo Tổng Bí thư, đó là “nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Lý luận đã được thực chứng

Từ thực thi đường lối của Đảng qua thực tiễn 35 năm công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư đã nêu lên một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường của Việt Nam là phải “gắn kết kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”.

Như đã nói, vì mục tiêu tối thượng là lợi nhuận tối đa nên khuyết tật “bẩm sinh” của kinh tế thị trường là không giải quyết được các vấn đề xã hội một cách hợp lý, thấu đáo; thậm chí rất thờ ơ, lạnh nhạt đối với các nhu cầu không có khả năng thanh toán. Ngược lại, kinh tế thị trường của Việt Nam lại coi mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội đúng đắn, hợp lý, hài hòa là vấn đề quan trọng hàng đầu của định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã và đang phục vụ đắc lực cho mục tiêu này.

Trên phương diện lập pháp, song song với việc xây dựng một hệ thống luật pháp kinh tế ngày càng hoàn chỉnh, Quốc hội đã cố gắng với mức cao nhất để có một hệ thống pháp luật xã hội đầy đủ nhất, nhằm điều chỉnh, áp dụng cho mọi đối tượng trong xã hội. Từ Hiến pháp đến tất cả các đạo luật, pháp lệnh đều đã hội tụ, quán triệt đầy đủ các quan điểm, đường lối, chính sách xã hội của Đảng. Hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, pháp luật về xã hội nói riêng được hình thành một cách dân chủ, chứa đựng các giá trị của quốc gia, dân tộc và quốc tế; hệ thống pháp luật đó nhằm mục tiêu bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng và lẽ phải, bảo vệ quyền con người và quyền công dân.

Có thể nói, đến nay hệ thống pháp luật về xã hội đã bao phủ được toàn bộ cuộc đời của mỗi con người ở từng giai đoạn của cuộc sống với tất cả các đối tượng. Khi mới sinh ra và trong giai đoạn niên thiếu thì có Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Lớn lên thì có Luật Thanh niên. Trong thời gian học hành thì có Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học. Ra làm việc thì có Bộ luật Lao động, Luật Việc làm; trong khi làm việc thì có Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Khi về già, bước ra khỏi quá trình lao động thì có Luật Người cao tuổi cùng chế độ hưu trí của Luật Bảo hiểm xã hội.

Nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân thì có Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Dược. Để bảo đảm quan hệ xã hội hài hòa giữa hai giới thì có Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đối với một số người có khiếm khuyết hình thể thì có Luật Người khuyết tật. Đối với những người có công trạng đối với đất nước thì có Pháp lệnh Người có công... Toàn bộ hệ thống pháp luật về xã hội đã và đang phát huy tác dụng tốt, tích cực trong đời sống xã hội.

Trên phương diện hành pháp thì ngay trong bài viết, Tổng Bí thư đã dẫn ra một số tình hình và số liệu rất cơ bản mà Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện. Đó là: “Hiện dân số Việt Nam là hơn 97 triệu người, gồm 54 dân tộc anh em, trong đó hơn 60% số dân sống ở nông thôn. Phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 80 và cải thiện đáng kể đời sống của Nhân dân.

Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước). Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại”.

Theo báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV tháng 10.2020, Chính phủ đã gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, chính sách bảo trợ xã hội; phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, bền vững; bảo vệ nhóm yếu thế trong xã hội... 

Gần 1,4 triệu người có công đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng; diện bao phủ bảo hiểm xã hội được mở rộng, tăng hơn 1,3 lần so với năm 2015, chiếm 33% lực lượng lao động năm 2020. Số bác sĩ trên 1 vạn dân tăng từ 8 bác sĩ giai đoạn 2011 - 2015 lên 9 bác sĩ giai đoạn 2016 - 2020; tương tự như vậy, số giường bệnh trên 1 vạn dân tăng từ 24 lên 28 giường; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 76,5% lên 90,7%; xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn 2 năm...

Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp dân cư đều có những bước cải thiện nhất định. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2020 đã tăng 39 bậc so với năm 2016, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ...

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và giải quyết các vấn đề xã hội luôn song song với nhau như hình với bóng, đó là vấn đề mà Tổng Bí thư nhấn đậm, “điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trên thực tế, toàn bộ lý luận trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chung, lý luận về đường lối giải quyết các vấn đề xã hội trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam nói riêng, từ lý luận đã được thực chứng và đang trở lại chỉ đạo mọi hoạt động thực tiễn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong giai đoạn mới của cách mạng.

(1) Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn của quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường ở nước ta. Tập I, các trang 15 - 19. Hà Nội 1992.

(*) TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội/daibieunhandan.vn