Kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều thách thức
Đối với các nền kinh tế phát triển, xu hướng sụt giảm tăng trưởng đã lan rộng, không chỉ dừng lại tại các nền kinh tế vốn đã phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng ảm đạm trong năm ngoái như khu vực EU, Nhật Bản, mà còn đã lan rộng sang các quốc gia khác như Mỹ, Canada…
Kinh tế toàn cầu trong quý đầu năm 2019 đã trải qua những tháng tăng trưởng khó khăn và nhiều thách thức. Xu hướng suy giảm diễn ra từ các nền kinh tế phát triển cho đến các nền kinh tế mới nổi. Sự chững lại trong tăng trưởng còn được ghi nhận trên nhiều mặt như các hoạt động thương mại, sản xuất và đầu tư. Diễn biến đó ngày càng ủng hộ những kịch bản dự báo không tích cực về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019. Chính vì vậy, trong thời gian tới sẽ vẫn là giai đoạn khó khăn với những thách thức đáng chú ý.
Trước hết, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trên diện rộng có thể sẽ đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào một chu kỳ suy thoái mới. Đối với các nền kinh tế phát triển, xu hướng sụt giảm tăng trưởng đã lan rộng, không chỉ dừng lại tại các nền kinh tế vốn đã phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng ảm đạm trong năm ngoái như khu vực EU, Nhật Bản, mà còn đã lan rộng sang các quốc gia khác như Mỹ, Canada…
Trong khi đó, xu hướng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tạo áp lực đến tăng trưởng kinh tế của nhiều nền kinh tế mới nổi, đặc biệt trong khu vực châu Á do mối liên hệ chặt chẽ về mặt thương mại và đầu tư giữa hai bên. Không những thế, bản thân nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển hiện vẫn còn tồn tại những yếu kém trong cấu trúc, dễ chịu tác động trước các áp lực về tỷ giá hoặc biến động dòng vốn (như trường hợp của Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018) cũng sẽ là những đối tác dễ chịu tác động đầu tiên khi suy thoái kinh tế lan rộng trên toàn cầu.
Một thách thức khác lại đến từ khu vực châu Âu. Khu vực này sẽ tiếp tục đối mặt với các rủi ro chính trị lan rộng như phong trào dân túy đang bùng nổ tại nhiều nước, tiến trình Brexit vẫn đang có những diễn biến phức tạp, căng thẳng ngân sách tại Ý, các cuộc bầu cử có thể gây chia rẽ chính trị nội bộ tại các quốc gia… từ đó có thể đẩy liên minh EU vào nguy cơ khủng hoảng và có thể tạo ra những tác động khó lường đến diễn biến địa chính trị toàn cầu, cũng như đến diễn biến kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại thế giới thể hiện ở xu hướng bảo hộ vẫn đang diễn biến phức tạp tại các nước lớn; mâu thuẫn trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và một số nước đồng minh lớn khác như EU, Nhật Bản có thể gia tăng trở lại. Những bất đồng trong việc áp thuế một số mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu giữa các quốc gia này và tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mặc dù đã có một số dấu hiệu tiến triển trong thời gian gần đây nhưng diễn biến còn khó đoán định và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
Một thách thức khác lại đến từ giá dầu. Sau quý I đạt mức độ gia tăng mạnh mẽ, giá dầu thế giới được dự đoán sẽ tiếp tục có nhiều biến động do chịu tác động từ các sự kiện địa chính trị tại các nguồn cung dầu mỏ lớn thuộc Trung Đông và Mỹ La tinh. Điều này sẽ tiếp tục tạo ra những tác động khó lường đến diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu và phần nào tạo ra các áp lực lạm phát tại các quốc gia, đặc biệt tại các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng.
Sự chững lại của kinh tế toàn cầu trong quý I cũng đặt ra những thách thức cho khả năng điều chỉnh chính sách tại các nền kinh tế chủ chốt. Theo đó, quá trình điều chỉnh CSTT của NHTW các nước lớn sẽ có tác động đến định hướng điều hành CSTT của các NHTW trên toàn cầu, có thể dẫn đến việc sẽ xuất hiện những gói kích thích kinh tế mới, tác động vào thị trường.
Ngoài ra, cuộc CMCN 4.0 tạo ra xu hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, kinh tế thông minh, sản xuất dịch chuyển dần từ các nước có lao động kỹ năng thấp nhưng giàu tài nguyên sang nước có lao động sáng tạo, nắm bắt được công nghệ và thị trường lớn. Điều này có thể dẫn tới những dịch chuyển lớn về dòng thương mại và vốn đầu tư, từ đó tạo ra những bất lợi cho các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài; đồng thời có thể tạo ra những biến động ngoài dự đoán trên các thị trường vốn, tài chính, tiền tệ trên toàn cầu.
Cuối cùng, có thể nhắc tới một số rủi ro địa chính trị mới phát sinh trong quý I, trong đó nổi bật lên là những rạn nứt trong quan hệ đồng minh giữa Mỹ và châu Âu, các điểm nóng địa chính trị (Syria, Nga, Ucraine, Venezuela…) tiếp tục diễn biến khó lường, từ đó tạo ra một môi trường không thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, cùng các xáo trộn tức thời trên các thị trường đầu tư.