Hiệu quả đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trước và sau đại dịch COVID-19


Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp kéo dài, kể từ tháng 3/2020 đến nay, nhất là khoảng thời gian giãn cách xã hội, hầu hết các ngành nghề trong nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là khu vực sản xuất và dịch vụ, logistics nhưng thị trường chứng khoán lại là một trong số ít các ngành tăng trưởng rực rỡ, thậm chí đạt đỉnh lịch sử. Sử dụng thống kê mô tả và kiểm định T-test, bài viết nghiên cứu về hiệu quả của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung trong giai đoạn trung hạn, trước và sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và so sánh hiệu quả đầu tư trên giác độ vĩ mô giữa hai giai đoạn trước và trong giãn cách xã hội.

Bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam

Nhóm tác giả tập trung nghiên cứu, đánh giá tình hình phát triển của thị trường chứng khoán giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 3/2022, với các yếu tố sau: Quy mô thị trường, số lượng tài khoản chứng khoán, tính thanh khoản của thị trường, số lượng công ty chứng khoán và phí dịch vụ môi giới các công ty chứng khoán. Cụ thể:

Vốn hóa thị trường chứng khoán so với GDP liên tục tăng trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19

Hình 1 cho thấy, bất chấp dịch bệnh kéo dài và diễn biến khó lường, thị trường chứng khoán liên tục lập đỉnh mới với giá trị thanh khoản và lượng cổ phiếu giao dịch tăng trưởng mạnh. Đỉnh điểm, cuối năm 2021, vốn hoá thị trường đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng, tương đương gần 92,8% GDP năm 2020 tính theo giá hiện hàn, tăng 43,06% so với cuối năm 2020.

Hiệu quả đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trước và sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 1

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021, các chỉ số chính trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đều tăng cao so với đầu năm, cụ thể, chỉ số VN-Index đạt 1498,28 điểm, tăng 35,73%; VNAllshare đạt 1561,33 điểm, tăng 51,23%; chỉ số VN30 đạt 1535,71 điểm, tăng 43,42%. Tính đến ngày 31/12/2021, tổng giá trị và khối lượng giao dịch cổ phiếu lần lượt đạt khoảng 5,39 triệu tỷ đồng và 184,32 tỷ cổ phiếu, tăng lần lượt 244,51% về giá trị và tăng 118,68% về khối lượng so với năm 2020 (Thu Trang, 2022).

Số lượng tài khoản mở mới liên tục tăng

Tháng 12/2021, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, chỉ riêng tháng 12/2021, đã có 226.580 tài khoản chứng khoán mới được mở, tăng hơn 6.000 tài khoản so với tháng 11/2021. Trong đó, hơn 98% là tài khoản của nhà đầu tư cá nhân, phần còn lại là tài khoản của các tổ chức. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp số lượng tài khoản mở mới đạt con số trên 200.000. Tính chung, lượng tài khoản mở mới của năm 2021 đã lập kỷ lục chưa từng có trong lịch sử 21 năm thành lập của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổng 4 năm từ 2017 đến 2020, lượng tài khoản chỉ đạt 1,04 triệu trong khi năm 2021, đã có tới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi cả giai đoạn 2017-2020 (Hình 2) (VnEconomy, 1/2022).

Hiệu quả đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trước và sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 2

Như vậy, năm 2021 là năm kỷ lục về thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường với tốc độ tăng nhà đầu tư mở tài khoản tại các công ty chứng khoán cao nhất 21 năm qua (Hình 3). Điều đó cho thấy, cho dù đại dịch COVID-19 bùng phát và tác động tiêu cực, khiến nhiều ngành nghề đình trệ kinh doanh, lợi nhuận ảnh hưởng đáng kể, nhưng với lĩnh vực đầu tư chứng khoán, đây lại là năm thăng hoa của thị trường và thu hút lượng lớn người dân tham gia đầu tư. Điều này lý giải nguyên nhân thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021, dù trên thị trường sản xuất – lao động của hầu hết ngành nghề, kết quả kinh doanh năm 2021 đều không mấy khả quan.

Hiệu quả đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trước và sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 3

Thanh khoản thị trường đạt mức kỷ lục

Lượng cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ được giao dịch giai đoạn 2020 – 2021, đặc biệt năm 2021, tăng đáng kể so với giai đoạn 2019-2020 (Hình 4).

Năm 2021, giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 21.593 tỷ đồng và 737,29 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng 247,27% về giá trị và 120,43% về khối lượng bình quân so với năm 2020. Đặc biệt, vào ngày 23/12/2021, thị trường đã có phiên giao dịch kỷ lục với giá trị và khối lượng giao dịch lần lượt đạt trên 45.371 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD) và hơn 1,32 tỷ cổ phiếu.

Số lượng công ty niêm yết thiết lập đỉnh mới

Tính đến hết năm 2021, HOSE có 533 mã chứng khoán niêm yết; trong đó: 404 mã cổ phiếu, 03 mã chứng chỉ quỹ đóng, 08 mã chứng chỉ quỹ ETF, 113 mã chứng quyền có bảo đảm và 05 mã trái phiếu. Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 120,5 tỷ cổ phiếu. Tổng số lượng công ty có cổ phiếu niêm yết trên HSX, HNX và UpCom tính đến tháng 3/2022 là 1640 doanh nghiệp. Con số này tăng đáng kể so với số 940 doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu giao dịch ở cuối năm 2015 (Hình 3).

Số lượng và quy mô thị trường chứng khoán tiếp tục đạt đỉnh cao

Tính đến tháng 4/2022, theo thống kê của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, toàn thị trường có 105 công ty chứng khoán; trong đó có 12 công ty đã dừng hoạt động, bị thu hồi giấy phép hoặc bị sáp nhập. Như vậy, hiện tại toàn thị trường đang có 93 công ty chứng khoán đang hoạt động.

Về quy mô, nhiều công ty chứng khoán đã đặt kế hoạch tăng vốn kỷ lục và đã huy động lượng vốn đáng kể phục vụ các chiến lược kinh doanh. Chẳng hạn, công ty chứng khoán SSI và VNDirect, vốn điều lệ sau khi hoàn tất tăng vốn đã sánh ngang một số ngân hàng tầm trung như Eximbank, OCB, SeaBank, MSB … (Tuổi trẻ, 2021).

Về hiệu quả hoạt động, giai đoạn 2019 – 2021, nhất là năm 2021 chứng kiến sức tăng trưởng vượt bậc của các công ty chứng khoán về tình hình doanh thu phí dịch vụ, lợi nhuận cũng như khả năng tăng vốn

Hiệu quả đầu tư trên thị trường chứng khoán

Tháng 3/2020 là thời điểm dịch COVID-19 có những ca mắc đầu tiên tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chính sách giãn cách xã hội nhằm hạn chế thấp nhất số ca mắc bệnh. Xách này có lợi về mặt y tế lại không có lợi về mặt kinh tế do hầu hết ngành nghề sản xuất kinh doanh đều ít nhiều bị ảnh hưởng tiêu cực.

Hiệu quả đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trước và sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 4

Với thị trường chứng khoán, câu hỏi đặt ra là liệu sự xuất hiện của Covid-19 tại Việt Nam có tác động tiêu cực đến hiệu quả đầu tư? Có sự khác biệt nào không giữa trung bình lợi nhuận thị trường của giai đoạn trước khi có Covid-19 và giai đoạn sau khi có Covid-19 cùng các biện pháp chống dịch như giãn cách xã hội, tiêm vaccine phòng chống Covid-19…?

Sử dụng số liệu về giá đóng cửa và giá trị giao dịch theo tháng của thị trường chứng khoán Việt Nam 2016 – 3/2022 từ website Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, bài viết kiểm định t-test cho hai trung bình của hai mẫu cho hai giai đoạn trước và sau tháng 3/2020.

Thống kê mô tả số liệu:

Hai biến được sử dụng trong bài nghiên cứu phục vụ kiểm định t-test là diễn biến giá (price) và thay đổi % của chỉ số VNIndex (Change). Giá bình quân/tháng của chỉ số là 958.13 và tỷ lệ sinh lời bình quân/tháng trong giai đoạn 2016-2022 là 0.0146%.

Chênh lệch về giá trị giao dịch trung bình giữa hai thời kỳ trước và sau 3/2020 có thể cho thấy mức độ hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng lên hay giảm đi trong thời kỳ trước và trong giãn cách. Ngoài ra, chênh lệch giá trị tương đối (tính theo đơn vị %) giữa các tháng cũng là một cơ sở để nhận biết hiệu quả đầu tư trên thị trường. Nếu giá trị trung bình tăng lên một cách có ý nghĩa thống kê, có cơ sở kết luận hiệu quả cho nhà đầu tư tăng lên trong giai đoạn giãn cách so với giai đoạn trước giãn cách. Nói cách khác, đại dịch COVID-19 đem lại cơ hội cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hiệu quả đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trước và sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 5

Đối với kiểm định t-test cho bình quân giá trị giao dịch hàng tháng, kết quả được trình bày trong Bảng 2.

Với mức ý nghĩa 1%, có cơ sở thống kê để kết luận rằng giá trị giao dịch trong giai đoạn sau tháng 3/2020 tăng lên so với giai đoạn trước. Thể hiện qua giá trị giao dịch bình quân từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2022 tăng gấp 4 lần so với bình quân của giai đoạn từ 2016 đến tháng 3/2020.

Chứng tỏ rằng, đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội không những không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán mà còn làm cho thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút lượng vốn lớn của nhà đầu tư cá nhân, tổ chức.

Đối với hiệu quả đầu tư trước khi có Covid-19 và sau khi Covid-19 xuất hiện, kiểm định t-test cho sự khác biệt về thay đổi giá đóng cửa VNIndex được trình bày trong bảng 3:

Theo kiểm định t-test đối với trung bình tỷ lệ sinh lời của VN-Index giai đoạn 27 tháng trước ngày 31/3/2020 và sau ngày 31/3/2020, có bằng chứng thống kê cho thấy hiệu quả đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam (sàn HoSE) cao hơn trong giai đoạn giãn cách so với giai đoạn trước giãn cách. Điều này có thể giải thích bằng việc dòng vốn trong thời gian giãn cách xã hội bị hạn chế cơ hội sinh lời và đã chảy vào thị trường chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận, khiến cho cả giá trị giao dịch lẫn hiệu quả lợi nhuận tăng lên.

Ngoài ra, việc nhà đầu tư tin tưởng vào khả năng phòng chống dịch của Chính phủ và các bộ, ngành cũng có thể là một nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của thị trường (Anh, D. L. T., và Gan, C. (2020).).

Hiệu quả đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trước và sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 6

Những kết quả này tương đồng với nhận định của Võ Xuân Vinh (2017) và (Anh, D. L. T., và Gan, C. (2020).) về ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng lên hiệu quả đầu tư chứng khoán tại Việt Nam. Dù thời gian và phương pháp nghiên cứu có sự khác biệt nhưng các tác giả đều khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam đã đem đến những kết quả tích cực cho nhà đầu tư trong giai đoạn nghiên cứu.

Kết luận và hàm ý chính sách

Bài viết sử dụng kiểm định t-test nhằm xem xét hiệu quả đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trước và sau khi có Covid-19. Có bằng chứng thống kê cho thấy, sau khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, hiệu quả đầu tư trên thị trường tăng lên trong hai giai đoạn nghiên cứu (7/2016-3/2020 và 4/2020-3/2022). Được xem là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, một thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả sẽ đem lại cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xét tổng thể, hiệu quả đầu trên thị trường Việt Nam chứng khoán có tăng, tuy nhiên, vẫn còn những tình huống, công ty có dấu hiệu vi phạm, gây bất ổn và thiệt hại cho nhà đầu tư (ví dụ như các vụ việc mà điển hình là vụ việc xảy ra tại Tân Hoàng Minh, FLC)... Nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư trên thị trường chứng khoán và thu hút nguồn vốn cho nền kinh tế, các cơ quan Chính phủ, đặc biệt là Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính cần tiếp tục duy trì điều kiện vĩ mô ổn định cũng như các chính sách nhằm vận hành thị trường một cách hiệu quả, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư. Có như vậy, mới duy trì và củng cố niềm tin của cá nhân và tổ chức khi sử dụng tiền nhàn rỗi tham gia thị trường chứng khoán.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thu Trang, Thị trường chứng khoán năm 2021 đạt nhiều kết quả ấn tượng, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/tttc/pages_r/l/chi-tiet-tin-tin-tuc-tai-chinh?dDocName=MOFUCM221675
  2. Tuổi trẻ, Công ty chứng khoán chạy đua nâng quy mô và vốn ngang ngửa ngân hàng, https://tuoitre.vn/cong-ty-chung-khoan-chay-dua-nang-quy-mo-va-von-ngang-ngua-ngan-hang-20211128133404847.htm
  3. VnEconomy, 1,5 triệu tài khoản cá nhân mở mới kỷ lục chưa từng có trên sàn chứng khoán Việt Nam, https://vneconomy.vn/1-5-trieu-tai-khoan-ca-nhan-mo-moi-ky-luc-chua-tung-co-tren-san-chung-khoan-viet-nam.htm.
  4. Anh, D. L. T., và Gan, C. (2020). The impact of the COVID-19 lockdown on stock market performance: evidence from Vietnam. Journal of Economic Studies.
  5. Vo, X. V. (2017). Trading of foreign investors and stock returns in an emerging market-Evidence from
  6. Vietnam. International Review of Financial Analysis, 52, 88-93.

 

* ThS. Lương Minh Hà., ThS. Vũ Thị Yến Anh - Khoa Tài chính – Học viện Ngân hàng

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 6/2022