Đào tạo nhà đầu tư F0 khi tài khoản chứng khoán mở mới tăng vọt

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

"Vấn đề là làm sao để các nhà đầu tư mới có thể tồn tại trên thị trường, khi mọi thứ không còn thuận lợi nữa, không còn giai đoạn đầu tư “phi tiêu”, bỏ tiền vào mã nào cũng thắng"...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tăng lượng nhà đầu tư chủ động

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ kể từ đầu năm 2020 đến nay, trở thành kênh đầu tư “hot” khi thường xuyên ghi nhận hàng trăm nghìn tài khoản mở mới để tham gia giao dịch mới mỗi tháng.

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trong tháng 9/2021 đạt 114.713 tài khoản, giảm nhẹ 4,7% so với tháng 8. Như vậy, cá nhân trong nước đã có 7 tháng liên tiếp duy trì mức mở mới trên 100.000 tài khoản/tháng. Tính chung 9 tháng, cá nhân mở mới đạt tới 956.081 tài khoản chứng khoán, gấp hơn 2,4 lần so với cả năm 2020.

Trong khi đó, lượng tài khoản mở mới của cá nhân nước ngoài chỉ đạt 121 tài khoản, giảm 50% so với tháng 8 và xuống thấp nhất kể từ tháng 2/2017. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm 30/9 đạt 38.306, tăng 152 tài khoản so với tháng trước. Toàn thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có hơn 3,73 triệu tài khoản chứng khoán.

Với việc tăng trưởng đột biến như vậy, các công ty chứng khoán cũng phải liên tục thay đổi để đáp ứng nhu cầu khách hàng như: ứng dụng công nghệ cho nhà đầu tư sử dụng công nghệ xác thực điện tử (eKYC), chỉ cần ngồi nhà và mất ít phút là có thể mở tài khoản giao dịch chứng khoán, hay tăng vốn cấp tốc để đáp ứng nhu cầu về vay ký quỹ (margin).

Đơn cử như tại CTCK SSI, do nhu cầu của khách hàng muốn chủ động giao dịch đang tăng cao, nên công ty đã chủ động chia và xây dựng chính sách dành cho nhóm khách hàng chủ động giao dịch và nhóm khách hàng có tư vấn viên chăm sóc. Việc phân loại này sẽ giúp công ty hiểu rõ về nhu cầu từng nhóm và xây dựng chiến lược riêng đối với từng nhóm khách hàng.

“Chúng tôi cũng đồng thời xây dựng một bộ phận dịch vụ trực tuyến chuyên biệt, nhằm hướng đến việc ứng dụng xu thế công nghệ thông qua các kênh trực tuyến, App công nghệ, mạng xã hội để phát triển, hỗ trợ và tư vấn cho nhóm các khách hàng thế hệ mới. Đây là những nhà đầu tư ưa thích công nghệ và yêu thích sự độc lập trong đầu tư”, SSI cho biết.

Cần chú trọng đào tạo kiến thức đầu tư

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính AFA Research&Education cho biết, thực tế là cứ khi thị trường chứng khoán tăng trưởng, thì sẽ đón làn sóng nhà đầu tư mới. Chẳng hạn như vào tháng 2/2007, thị trường đạt đỉnh khi VN-Index đạt 1.170 điểm, nhà nhà, người người đều nhắc đến chứng khoán.

Đến nay cũng vậy, khi thị trường chứng khoán bùng nổ cả về mặt số lượng và chất lượng, sẽ thu hút một lượng nhà đầu tư tham gia rất lớn. Nhưng vấn đề là làm sao để các nhà đầu tư mới có thể tồn tại trên thị trường, khi mọi thứ không còn thuận lợi nữa, không còn giai đoạn đầu tư “phi tiêu”, bỏ tiền vào mã nào cũng thắng. Điều đó phụ thuộc vào sự nỗ lực chung của tất cả các cơ quan quản lý, làm lành mạnh thị trường, các doanh nghiệp có thể cung cấp hàng hóa chất lượng và đặc biệt hiện nay có thêm các cố vấn tài chính tốt.

Nếu các cố vấn tài chính xây dựng được cả một kế hoạch tài chính dài hạn không chỉ cho cá nhân mà cho cả gia đình, thì nhà đầu tư sẽ dùng thị trường này như một nơi để tham gia và quản lý gia sản của họ, khi đó sự gắn bó với thị trường cũng bền vững hơn.

“Hiện nay, các nhà đầu tư mới cũng khác nhiều so với các nhà đầu tư của năm 2007. Mặc dù gọi là nhà đầu tư mới, nhưng thực chất có rất nhiều người giỏi, đến từ các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như kỹ sư, bác sĩ... họ không thuộc chuyên ngành tài chính, vì không phải ai cũng được đào tạo về lĩnh vực này. Nhưng họ lại có những năng lực khác như chịu khó tìm tòi, thông minh và có nhiều kênh để tiếp cận thị trường. Từ đó có cơ hội gắn bó với thị trường dài hơi hơn, không bị những cú lừa, cú sốc, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng ổn định kinh tế vĩ mô. Đó cũng là điều khác biệt so với giai đoạn năm 2007, thị trường tăng trưởng quá hứng khởi do Việt Nam mới gia nhập WTO, GDP và tín dụng cũng tăng trưởng cao”, ông Long đánh giá.

Trả lời báo chí, ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng nhóm Phân tích chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, một chiến lược đầu tư rõ ràng sẽ là cẩm nang giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định đúng và bảo toàn lợi nhuận. Cần lưu ý một chiến lược đầu tư phù hợp cũng bao gồm một chiến lược chốt lời và cắt lỗ hợp lý.

“Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần nâng cao kiến thức của bản thân. Vấn đề của nhóm nhà đầu tư F0 thường là đưa ra những quyết định không hợp lý, có phần cảm tính khi đầu tư, điều này xuất phát từ việc thiếu kinh nghiệm và kiến thức trên thị trường. Để khắc phục điều này, cách duy nhất là nhà đầu tư F0 cần nâng cao hiểu biết của bản thân về thị trường, lúc đó họ có thể đưa ra những quyết định “khôn ngoan” hơn”, ông Hiếu khuyến nghị.

Còn theo PGS.,TS. Lê Hoàng Nga, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán, việc đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư là rất cần thiết, do có nhiều nhà đầu tư F0 còn chưa có kiến thức về kênh này.

Trong khi đó, có những người hành nghề chứng khoán vẫn đang “ăn xổi ở thì”, chưa đi vào chiều sâu chất lượng. Cơ quan quản lý cũng chậm chuẩn hóa, đổi mới chương trình, ách tắc trong vấn đề tổ chức quản lý đào tạo. Đặc biệt, việc quản lý người hành nghề chứng khoán theo các chuẩn mực trong khu vực và quốc tế vẫn chưa làm được. Chính vì vậy, nhiều người hành nghề chứng khoán thiếu trách nhiệm với bản thân, công ty chủ quản và với nhà đầu tư của mình, dễ hô hào nhà đầu tư đầu tư theo phong trào, dẫn tới các rủi ro tài chính.