Giảm lãi suất dịp gần tết - liệu có thành làn sóng?

Theo Nguyễn Thoan/nhadautu.vn

Thực hiện lời kêu gọi giảm lãi suất của Thủ tướng Chính phủ, nhiều ngân hàng đã mạnh tay giảm lãi suất 0,5% cho vay ngắn hạn. Tuy nhiên, động thái này mới chỉ diễn ra tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn, liệu nó có trở thành làn sóng dịp cuối năm âm lịch 2017?

Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank là 4 ngân hàng dẫn đầu xu thế giảm lãi suất đầu năm 2018. Nguồn: Internet
Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank là 4 ngân hàng dẫn đầu xu thế giảm lãi suất đầu năm 2018. Nguồn: Internet
Động thái ngược chiều
Thực hiện lời kêu gọi giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tại Hội nghị tổng kết ngành ngân hàng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, các ngân hàng lớn đã đồng loạt giảm lãi suất chỉ trong vòng vài ngày sau đó.

Đi đầu trong đợt giảm lãi suất này là ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB), với mức lãi suất giảm là 0,5% xuống còn 6%/năm, áp dụng cho những khoản vay mới áp dụng từ 15/1 - hết năm 2018.

Cùng chiều động thái trên, ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 6,5%/năm xuống còn tối đa 6,0%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8%/năm xuống còn từ 7,5%/năm, kể từ ngày 10/1/2018 và khách hàng là đối tượng ưu tiên có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) kể từ 15/1, cũng sẽ điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống mức tối đa 6%/năm, áp dụng đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Gần đây nhất, ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã công bố triển khai chương trình cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất ưu đãi có thể xuống tới 5%/năm. Theo đó, VietinBank áp dụng lãi suất cho vay chỉ từ 5%/năm đối với khoản vay có thời hạn tối đa 1 tháng; Lãi suất chỉ từ 6,0%/năm đối với khách hàng mới với thời gian ưu đãi ngắn hạn tối đa 3 tháng; Cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm với thời gian ưu đãi lãi suất lên tới 12 tháng kể từ ngày giải ngân cho khách hàng.

Đây có thể coi là những động thái đáng mừng, tích cực đối với doanh nghiệp sản xuất trong dịp cuối năm âm lịch. Tuy nhiên, đây cũng là một động thái "ngược chiều" so với tình hình lãi suất ngân hàng vào dịp này những năm - thời điểm thanh khoản của ngành ngân hàng căng nhất trong cả năm.

Bình luận về động thái "ngược chiều" này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng cho rằng: Chính phủ muốn ngân hàng giảm lãi suất để giúp các doanh nghiệp. Bản thân ngành ngân hàng cũng rất muốn làm điều này. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại chỉ có một số ngân hàng lớn hạ được lãi suất vì họ có thanh khoản tốt. Còn bản thân các ngân hàng nhỏ thanh khoản đang rất căng và càng về gần thời điểm tết âm lịch thì vấn đề thanh khoản càng căng thẳng hơn.

Vì vậy, ông Hiếu hy vọng sau tết Chính phủ sẽ có những động thái hỗ trợ cho các ngân hàng bằng cách bơm thanh khoản, giãm lãi suất tái cấp vốn, giảm lãi suất trên OMO... sẽ là những điều kiện tiên quyết để các ngân hàng giảm được lãi suất xuống trong năm 2018.

Cho đến thời điểm hiện tại, ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước có động thái giảm lãi suất thì còn lại gần 30 ngân hàng vẫn "im hơi lặng tiếng". Điều này cho thấy giảm lãi suất cho vay ở thời điểm hiện tại có thể là một hiện tượng nhưng khó trở thành làn sóng dịp cuối năm âm lịch.

Giảm lãi suất có khó đến thế?

Giải thích về những cái "khó" của ngân hàng để giảm lãi suất dịp cuối năm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Tất cả các ngân hàng đang nỗ lực để thực hiện yêu cầu giảm lãi suất của Thủ tướng. Tuy nhiên, một trong những khó khăn của ngân hàng ở thời điểm hiện tại là thanh khoản ngân hàng đang rất căng thẳng.

Cụ thể, vào dịp cuối năm ngân hàng phải trả tiền doanh nghiệp để họ thưởng tết, trả lương cho nhân viên. Đồng thời với đó là nhu cầu vào dịp tết cả người dân tăng lên, doanh nghiệp cũng cần vốn để sản xuất. Vì thế, thời điểm này tình hình thanh khoản của ngân hàng luôn căng thẳng nhất trong cả năm.

Ông Hiếu cũng cho biết, hiện nay NIM của hệ thống ngân hàng đang rất mỏng. Chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động của cả hệ thống là không quá 2,5%, có nhiều ngân hàng hệ số NIM chỉ đạt 2%. Với con số chênh lệch đó, các ngân hàng phải lo dự trữ bắt buộc, chi phí hoạt động, chi phí rủi ro. Vì thế, ngân hàng muốn không thua lỗ, thì giảm lãi suất cho vay đồng nghĩa với việc giảm lãi suất huy động.

"Với những ngân hàng trung và nhỏ ở thời điểm hiện tại mà giảm lãi suất huy động sẽ đối mặt với nguy cơ mất khách hàng dù mức lãi suất chênh so với các ngân hàng khác chỉ 0,25%", ông Hiếu bày tỏ lo ngại.

Cùng với đó, một trong những lý do có thể làm ngân hàng khó giảm lãi suất, theo ông Hiếu là lãi suất phát hành trái phiếu của Chính phủ hấp dẫn. Bởi rủi ro của trái phiếu Chính phủ là bằng 0, nên lãi suất ngân hàng phải chạy đua với lãi suất trái phiếu Chính phủ thì khó mà xuống.

Trái với ý kiến của ông Hiếu rằng ngân hàng khó giảm lãi suất, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng năm 2018 có ba điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất. Thứ nhất là, trái phiếu Chính phủ chưa giản ngân hết năm 2017 nên còn dư rất nhiều cho năm 2018. Vì thế, áp lực từ phát hành trái phiếu sẽ còn rất ít.

Thứ hai là, việc xử lý nợ xấu trong thời gian vừa rồi và năm 2018 sẽ được đẩy nhanh hơn, giúp giảm chi phí ngân hàng. Và theo ước tính khi làm Nghị quyết số 42 sẽ giảm được 0,5% điểm lãi suất trở lên.

Thứ ba là, nhiều khả năng NHNN tăng dữ trự ngoại tệ, đảm bảo khả năng NHNN điều hoà được thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt hơn.

Theo phân tích của ông Thành thì vẫn còn nhiều cánh cửa mở cho làn sóng giảm lãi suất của ngân hàng thời điểm này và trong cả năm 2018. Và lãi suất các ngân hàng giảm ở thời điểm hiện tại là một thực tế cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đầu năm 2018 đang khá dồi dào. Điều này cho thấy một tín hiệu tích cực của hệ thống ngân hàng khi không còn dồn dập chạy lo thanh khoản những dịp gần tết như nhiều năm trở về trước.