Khó giảm lãi suất đồng loạt

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Thời điểm hiện nay, thanh khoản ở các ngân hàng nhỏ đều rất căng. Vì vậy, mong muốn lãi suất cho vay sẽ giảm đồng loạt là điều vô cùng khó khăn. Chỉ một số ngân hàng lớn, có thanh khoản dồi dào, mới có thể hạ lãi suất cho vay.

Thời điểm này, việc hạ lãi suất là khó. Hy vọng sau Tết, Chính phủ sẽ hỗ trợ các ngân hàng nhiều hơn, đặc biệt là NHNN sẽ hỗ trợ tăng thêm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng. Nguồn: Internet
Thời điểm này, việc hạ lãi suất là khó. Hy vọng sau Tết, Chính phủ sẽ hỗ trợ các ngân hàng nhiều hơn, đặc biệt là NHNN sẽ hỗ trợ tăng thêm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng. Nguồn: Internet

Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, sau Tết Nguyên đán, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng thêm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng, đồng thời giảm lãi suất điều hành trong đó có lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu khoảng 0,5 điểm % thông qua thị trường liên ngân hàng thì mới hy vọng lãi suất cho vay sẽ đồng loạt giảm. 

Tín dụng vẫn không đạt mục tiêu

Nhận định về tăng trưởng tín dụng trong năm 2017, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cho hay năm 2017, tăng trưởng tín dụng không đạt mục tiêu do Chính phủ đề ra. 

Tính tới thời điểm 20/12/2017, tăng trưởng tín dụng đạt mức 16,96% so với tháng 12/2016, không chênh nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước (2015 đạt 17,02%; 2016 đạt 16,46%). 

Bên cạnh đó, trong năm 2017, tăng trưởng huy động đạt 14,50%, thấp hơn so với mức 16,88% của cùng kỳ năm 2016. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt hơn 2,46% so với tốc độ tăng trưởng huy động. 

Song tín dụng tập trung phần lớn vào ngành công nghiệp, thương mại với 78,4% tổng tín dụng. Điều này một phần lý giải mức tăng trưởng ấn tượng ở khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như ở ngành dịch vụ.

Tuy vậy, trong báo cáo về tình hình phát triển kinh tế năm 2017 của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, tính đến hết năm 2017, tín dụng đã ở mức khoảng 135% GDP, cao hơn các quốc gia có trình độ phát triển tương đương. 

Tỷ lệ này đang tiến gần tới mức của thời kỳ bất ổn trước đó, do đó có thể dẫn tới rủi ro đối với cân đối tài chính của hệ thống ngân hàng. Tuy cung tiền tăng trưởng thấp hơn năm 2016 hơn 2 điểm phần trăm, tỷ lệ M2/GDP của năm 2017 đã đạt mức khoảng 165%, cao hơn khá nhiều so với 146% của năm 2016. 

VERP khuyến cáo NHNN cần bắt đầu thận trọng với tốc độ tăng cung tiền vì có khả năng dẫn tới bùng phát lạm phát trong thời gian tới khi các ảnh hưởng trễ phát huy tác dụng. 

Dẫu vậy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng năm 2017 vẫn được đảm bảo nhờ việc NHNN mua 7,5 tỷ USD trong cả năm, trong khi chỉ hút vào gần 31 nghìn tỷ VND qua kênh tín phiếu. 

Thanh khoản hệ thống ổn định tạo điều kiện cho lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục được giữ ở mức thấp trong năm 2017. Tuy lãi suất có biến động với xu hướng tăng nhẹ trở lại trong quý IV, lãi suất qua đêm và một tuần cả quý cuối năm bình quân vẫn ở mức thấp, lần lượt là 0,88% và 1,06%. Lãi suất huy động VNĐ dài hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,4-7,2%. 

Nhóm nghiên cứu VERP cho rằng sự kiện đáng chú ý trong năm 2017 là NHNN giảm 0,25%/năm đối với các mức lãi suất điều hành và giảm 0,5%/năm với lãi suất cho vay trên nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế trong bối cảnh thuận lợi là lạm phát năm 2017 ở mức thấp. 

Theo đó, lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn lần lượt hạ về mức 4,25% và 6,25%. Đây là cơ sở then chốt để các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn và giảm chi phí vay vốn, từ đó thúc đẩy sản xuất và kinh doanh.

Thanh khoản căng ở nhiều ngân hàng 

Nhận định mục tiêu giảm lãi suất trong năm 2018, đặc biệt là mới đây hai ngân hàng thương mại nhà nước đã có động thái giảm 0,5 điểm % ở 5 lĩnh vực ưu tiên, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hiện nay, thanh khoản ở hầu hết các ngân hàng vừa và nhỏ rất căng. 

“Chính phủ mong muốn các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, bản thân các ngân muốn thực hiện, nhưng tại thời điểm này chỉ có mấy “ông lớn” có thanh khoản tốt mới có thể giảm được lãi suất, còn những ngân hàng nhỏ, thanh khoản thời điểm này căng”, ông Hiếu nói. 

Trong khi đó, biên độ lợi nhuận của các ngân hàng hiện đang rất mỏng. Ở các nước trên thế giới biên độ này thường được duy trì ở mức 3%, nhưng ở Việt Nam hiện tại không quá 2,5%, thậm chí có ngân hàng chỉ ngấp nghé mức 2%, nhưng phải bù trừ cho dự trữ bắt buộc, phải chi phí hoạt động rủi ro. 

Vì vậy, hầu hết các ngân hàng đều khẳng định, chi phí 2% không đủ. Nên nếu giảm lãi suất cho vay, bắt buộc ngân hàng phải giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, điều này là không khả thi.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Nếu chúng tôi mà hạ lãi suất huy động, rất nhiều khách hàng sẽ chạy sang ngân hàng khác, chúng tôi sẽ mất khách hàng, điều này lại tiếp tục ảnh hưởng đến thanh khoản ngân hàng”. 

Ông Hiếu cho rằng, thời điểm này, việc hạ lãi suất là khó nhưng hy vọng sau Tết, Chính phủ sẽ hỗ trợ các ngân hàng nhiều hơn, đặc biệt là NHNN sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng tăng thêm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng. 

Đồng thời, NHNN sẽ giảm lãi suất điều hành, trong đó có lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu ở mức khoảng 0,5%. Thông qua thị trường liên ngân hàng có thể kéo được mặt bằng lãi suất xuống.