Lãi suất năm 2018: Khó giảm nhưng vẫn có cơ hội
Các chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo khác nhau về biến động lãi suất trong năm 2018. Một luồng quan điểm cho rằng lãi suất khó giảm, ngược lại, có ý kiến nhận định lãi suất vẫn có cơ hội giảm nhẹ, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ít dư địa giảm lãi suất
Tính đến cuối năm 2017, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn duy trì ổn định. Cụ thể, lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn ở mức 6 - 6,5%/năm, vay trung và dài hạn ở mức 9 - 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4 - 5%/năm.
Như vậy, so với thời điểm cuối năm 2016, lãi suất cho vay chỉ giảm nhẹ khoảng 0,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn trong các lĩnh vực ưu tiên và không thay đổi trong các lĩnh vực cho vay khác. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất chưa giảm như kỳ vọng là do thị trường tiền gửi và thị trường liên ngân hàng kém liên thông. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp trong khi lãi suất trên thị trường tiền gửi giảm không nhiều. Bên cạnh đó, nợ xấu vẫn là rào cản lớn cho việc hạ lãi suất.
Lãi suất huy động và cho vay năm 2018 được Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dự báo khá ổn định so với năm 2017 với biên độ dao động chỉ khoảng 0,2 điểm phần trăm. Lãi suất có thể biến động nhẹ do yếu tố mùa vụ đầu năm và cuối năm do nhu cầu tín dụng thường tăng; một số tổ chức tín dụng buộc phải tăng huy động dài hạn để bảo đảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định.
“Để giảm lãi suất trong năm tới là rất khó” - ông Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight và thành viên Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh nhận định. Ông Tín cho rằng, các ngân hàng còn cạnh tranh nhau về vốn, thị phần, khiến lãi suất huy động không thể giảm, dẫn đến lãi suất cho vay cũng không giảm và thanh khoản hệ thống ngân hàng không quá dồi dào.
Hơn nữa, theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn đã giảm từ mức 50% xuống 45% từ ngày 1/1/2018 và 40% kể từ 1/1/2019. Việc siết chặt này khiến các ngân hàng phải sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Khi đó, nhu cầu về vốn trung, dài hạn tăng, có khả năng sẽ phải tăng lãi suất trung, dài hạn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chi phí phi lãi của các ngân hàng cũng sẽ tăng như quỹ lương, tăng cường nhân sự để phát triển kinh doanh.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, khả năng giảm lãi suất thời gian tới rất ít do lãi suất đầu vào khó giảm. Trong khi đó, dù vấn đề nợ xấu hiện đã được xử lý nhanh hơn nhờ Nghị quyết 42 nhưng để giải quyết triệt để thì không phải ngày một ngày hai. Khi chưa thể xử lý nợ xấu nhanh hơn, hiệu quả hơn thì chưa thể giảm lãi suất.
Cùng với đó, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức tương đối thấp so với khu vực, chỉ 2,2 - 2,4%, so với Trung Quốc khoảng 3%, Philippines, Indonesia khoảng 2,8 - 3%. Trong khi đó, chi phí giao dịch kinh tế của Việt Nam rất cao.
Có thể giảm 1 điểm phần trăm
Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, việc thực thi chính sách tốt đã đem đến những thành công nhất định của tài chính trong năm 2017, bao gồm chứng khoán, bảo hiểm và đặc biệt là ngân hàng. Dự báo năm 2018, ông Nghĩa cho rằng, cơ hội giảm lãi suất có nhưng không nhiều.
Để giảm lãi suất, thứ nhất, lạm phát phải duy trì ổn định ở mức 4%. Thứ hai, Chính phủ ráo riết đặt mục tiêu xử lý nợ xấu trong năm 2018, từ đó nợ xấu được xử lý nhiều. Thứ ba, với những cải cách quyết liệt của Chính phủ có thể giảm chi phí hành chính, thủ tục, logistics… doanh nghiệp đang phải gánh. Thứ tư, đầu tư công liên quan đến tín dụng của ngân hàng nếu được kiểm soát tốt cũng là cơ hội để có thể giảm lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất chỉ giảm được một điểm phần trăm, và ưu tiên giảm cho trung, dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư lâu dài.
Nếu giảm nhiều sẽ buộc phải giảm lãi suất tiền gửi, nếu không kiểm soát được, đến mức độ nhất định sẽ rơi vào bẫy thanh khoản, người dân không gửi tiền nữa.
Một số chuyên gia cho rằng, để giảm lãi suất đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả Chính phủ và ngân hàng. Cụ thể, theo Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Nguyễn Hoàng Hải, Chính phủ phải mạnh tay cắt giảm chi tiêu công bằng các biện pháp như: Lĩnh vực nào doanh nghiệp tư nhân có thể đầu tư thì hãy để doanh nghiệp làm, ví dụ y tế, giáo dục; tinh gọn bộ máy...
Về phía ngân hàng, phải có giải pháp để các ngân hàng cổ phần lành mạnh hơn bằng những quy định về cấu trúc cổ đông hợp lý hơn theo thông lệ quốc tế. Đồng thời, từng bước thu hẹp quỹ tín dụng nhân dân hoạt động kém hiệu quả, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhưng thu hẹp phải có lộ trình.