Kết quả kinh doanh bán niên có là cơ hội?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Chưa chính thức bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh nhưng nhiều con số lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đã được hé lộ, trong đó nhóm ngân hàng giữ được phong độ cùng với nhóm bất động sản, bán lẻ.

Những tác động của kết quả kinh doanh đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Nguồn: Internet.
Những tác động của kết quả kinh doanh đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Nguồn: Internet.

Theo thống kê từ các công ty chứng khoán (CTCK), kết quả kinh doanh quý I của khối doanh nghiệp (DN) niêm yết ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế là 65.170 tỷ đồng, tăng 3,4% so với quý I/2018 nhưng xét về mức tăng trưởng thì thấp hơn cùng kỳ với 21,6%.

Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm mà một số DN hé lộ, có thể thấy sự khả quan ở nhiều ngành, nhiều DN, đặc biệt là nhóm ngân hàng.

Những con số đáng trông đợi

Mới đây, Vietcombank đã công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 11.000 tỷ đồng, hoàn thành 54% kế hoạch của cả năm. Đây là con số cao kỷ lục trong nửa đầu năm của Vietcombank.

Một đại diện ở nhóm ngân hàng thương mại là TPBank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng với lợi nhuận đạt 1.620 tỷ đồng, hoàn thành 50,6% kế hoạch năm.

Dù chưa có tiết lộ con số chính xác nhưng tại một sự kiện của Nam A Bank, Tổng Giám đốc Trần Ngọc Tâm đã cho biết lợi nhuận 6 tháng của ngân hàng đạt khoảng 440 tỷ đồng, hoàn thành 55% kế hoạch năm.

CTCK KB Việt Nam (KBSV) cũng đưa ra dự báo những ngân hàng khác như MB, ACB, VIB… sẽ tiếp tục duy trì được con số lợi nhuận cao trong nửa đầu năm 2019.

Bên cạnh nhóm ngân hàng, CTCP Vicostone (mã: VCS) đã cho biết về khoản doanh thu 1.093 tỷ đồng trong quý II/2019, tăng trưởng 17,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 392 tỷ đồng, tăng 30%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu ước đạt 2.454 tỷ đồng, tăng 14% và gần 766 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng hoàn thành lần lượt 47,6%, 49% kế hoạch cả năm.

Tại nhóm ngành bất động sản (BĐS), trước làn sóng dịch chuyển do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, các DN hoạt động trong mảng BĐS khu công nghiệp như Nam Tân Uyên (mã: NTC), CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 (D2D), CTCP Phát triển KCN Tín Nghĩa (TIP), nhóm các DN Sonadezi… được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận tốt.

Tương tự, nhóm ngành thủy sản, dệt may được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mới ký kết (EVFTA, CPTPP) gần như chắc chắn sẽ tiếp tục công bố kết quả kinh doanh khả quan trong quý II cũng như nửa đầu năm 2019.

Các CTCK cũng đưa ra những nhận định khả quan cho các DN ngành bán lẻ, trong đó những DN đầu ngành vẫn giữ nhịp tăng trưởng tốt như FPT, Thế giới Di động.

Giá dầu hồi phục từ đầu năm đến nay sau nhịp sụt giảm trong quý IV/2018 là tín hiệu tích cực của nhóm DN dầu khí. Bên cạnh đó, việc tái triển khai các dự án mới của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã giúp các DN trong ngành như Tổng công ty Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí (mã: PVD), Tổng công ty Kỹ thuật Dầu khí (mã: PVS), CTCP Bọc ống Dầu khí (mã: PVB)… ghi nhận tăng trưởng doanh thu nhờ tăng hiệu suất hoạt động.

Cẩn tắc vô áy náy

Tuần giao dịch đầu tháng 7 đã diễn ra "cân não" với những phiên tăng – giảm đan xen, nhưng xét về tổng thể, thị trường đã có tuần giao dịch tích cực với mức tăng gần 2,7% của Vn- Index. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, thể hiện tâm lý e dè chưa chịu "xuống tiền" của các nhà đầu tư.

Khi thông tin kinh tế vĩ mô trở nên mờ nhạt bởi thời điểm này không có quá nhiều chính sách mới được đưa ra thì kết quả kinh doanh trở thành điểm tựa lớn nhất cho quyết định đầu tư. Đây là mùa mà nhà đầu tư trông đợi nhất, bởi nó phản ánh rõ nét nhất "sức khỏe tài chính" của DN.

Tuy nhiên, thông tin này hoàn toàn không phải là "cây đũa thần" hô biến sự biến động giá cổ phiếu, do đó nhà đầu tư vẫn cần cân nhắc trước khi xuống tiền.

Thực tế, những tác động của kết quả kinh doanh khả quan đã sớm phản ánh vào thị giá các cổ phiếu. Chẳng hạn như cổ phiếu VCB của Vietcombank ghi nhận mức tăng 31,5% trong 6 tháng đầu năm, đứng hạng nhất về thị giá trong nhóm cổ phiếu ngân hàng với 70.500 đồng/ cp (phiên cuối cùng của tháng 6).

Cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao là nhóm cổ phiếu khu công nghiệp: D2D tăng 80%, NTC tăng gần 50% trong 6 tháng đầu năm… là mức tăng rất ấn tượng trong bối cảnh chỉ số chứng khoán trong nước không có nhiều biến động.

Do đã đạt được mức tăng trưởng lớn trước đó nên việc điều chỉnh sẽ là yếu tố tất yếu. Vì vậy, khi bước vào tháng 7 là tháng đầu tiên của quý III và cũng là thời điểm bắt đầu mùa công bố kết quả kinh doanh, nhiều cổ phiếu dù ghi nhận kết quả tốt vẫn có thể giảm giá.

Về tình hình chung, thị trường cũng đã có những cảm nhận và chịu ảnh hưởng từ các dự phóng kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019 của các công ty niêm yết từ trước đây cả tháng.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia chứng khoán, tăng trưởng hay suy giảm lợi nhuận của các DN trong ngắn hạn không ảnh hưởng lớn đến chỉ số chứng khoán. Vì vậy, việc đánh giá và theo dõi các yếu tố khác cũng như duy trì một chiến lược đầu tư, hay lựa chọn nhóm cổ phiếu phù hợp sẽ quyết định đến hiệu quả đầu tư.