Mặt bằng giá mới và cơ hội dài hạn

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Nhà đầu tư ngắn hạn cũng có thể xem xét giải ngân thêm nếu nhận thấy thị trường có sự ủng hộ của khối ngoại và giá trị giao dịch trụ vững ở mức 3.000 tỷ đồng/phiên hoặc cao hơn. Những nhóm ngành nên ưu tiên là logistics, thủy sản, xây lắp và dệt may, bởi có triển vọng lợi nhuận tốt vào cuối năm.

Mặt bằng giá mới và cơ hội dài hạn
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thặng dư thương mại có lẽ là diễn biến tích cực nhất hiện nay, nhất là khi cán cân thương mại hàng hóa quốc tế liên tục duy trì trạng thái xuất siêu trong mấy năm gần đây. Xét trong bối cảnh hiện nay, VDSC kỳ vọng thặng dư thương mại sẽ được duy trì ở mức khoảng 2 tỷ USD cho cả năm 2014.

Đó là về thị trường ngoài nước, ở trong nước, theo khảo sát mới nhất của ANZ Roy-Morgan, chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam tháng 11 tăng thêm 6,2 điểm so với tháng trước, lên mức 140,9 điểm, mức cao nhất từ đầu năm đến nay. So sánh với các nước khác trong khu vực, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Việt Nam hiện đang nằm trong top 3, sau Trung Quốc và Indonesia.

Chuyển biến của niềm tin tiêu dùng song hành đồng thời với sự tăng tốc của tổng cầu nội địa. Theo đó, doanh thu hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng bắt đầu tăng trong giai đoạn cuối năm nay, lũy kế 11 tháng tăng 6,5% (sau khi loại trừ lạm phát), cao hơn nhiều so với mức tăng 5,6% của cùng kỳ năm 2013.

Diễn biến này cũng tương đồng với số liệu thống kê của Ngân hàng HSBC khi chỉ số đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu đều tăng trưởng, góp phần đưa chỉ số quản trị mua hàng (PMI) lên mức 52,1 điểm trong tháng 11. Tựu chung lại, VDSC cho rằng, nhu cầu tiêu dùng càng về cuối năm càng được cải thiện, cả ở góc độ trong nước và thị trường nước ngoài.

“Bên cạnh yếu tố mùa vụ thì sự sụt giảm nguồn cung trên thị trường hàng hóa thế giới đã tác động tích cực lên cả sản xuất và tiêu dùng. Đây có thể được coi là điểm sáng của vĩ mô sau một thời gian dài nhu cầu tiêu thụ phục hồi khó khăn”, VDSC nhận định.

3 phiên đầu tuần này, thị trường lại đi xuống, VN-Index và HNX-Index lần lượt mất thêm 3,7% và 3,8%. Tuy nhiên, khi các chỉ số giảm xuống mức thấp nhất (phiên ngày 9/12, VN-Index còn 555,31 điểm; HNX-Index còn 83,85 điểm) thì thanh khoản thị trường lại tăng đột biến và các chỉ số đã phục hồi nhẹ trở lại. Từ diễn biến này, có thể nói thị trường dường như đã thiết lập được mức đáy cần thiết và ở mức này sẽ luôn xuất hiện lực cầu tranh thủ cơ hội gom hàng.

Diễn biến trên, cộng với bối cảnh kinh tế vĩ mô đang ngày càng sáng hơn, hoạt động mua bán ngắn hạn có vẻ như không thích hợp lắm trong lúc này, do lợi nhuận kỳ vọng không đáng kể so với chi phí giao dịch. Tuy nhiên, NĐT ngắn hạn cũng có thể xem xét giải ngân thêm nếu nhận thấy thị trường có sự ủng hộ của khối ngoại và giá trị giao dịch trụ vững ở mức 3.000 tỷ đồng/phiên hoặc cao hơn. Những nhóm ngành nên ưu tiên là logistics, thủy sản, xây lắp và dệt may, bởi có triển vọng lợi nhuận tốt vào cuối năm.

Theo VDSC, đối với NĐT trung và dài hạn, thị trường đi xuống chính là cơ hội tiếp tục nắm giữ và tích lũy thêm các cổ phiếu tốt với mức giá hấp dẫn. Những nhóm ngành nên để ý là khu vực sản xuất có sử dụng nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu như nhựa, hóa chất, vận tải, chăn nuôi, thủy sản, dệt may... Những nhóm ngành này đang hưởng lợi trực tiếp từ giá dầu thô, nguyên liệu liên quan và xăng dầu giảm.

Trong ngành logistics, ngoài mảng cho thuê kho bãi luôn có tỷ suất sinh lợi tốt, lĩnh vực vận tải bộ chuyên dụng và vận tải đường sông cũng được kỳ vọng sẽ là những điểm sáng mới trong năm sau. Riêng với nhóm ngành cảng, sẽ dần có sự phân hóa giữa các cảng có vị trí thuận lợi và bất lợi nên NĐT cần chọn lọc và cân nhắc vị trí các cảng cho dù ngành khai thác cảng và logistics nói chung vẫn được dự đoán sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi của sản xuất và xuất nhập khẩu.

Từ diễn biến thị trường những ngày đầu tháng, dễ dàng nhận thấy nhóm cổ phiếu ngân hàng đã rục rịch chuyển động. Thị trường hiện đang nhắc nhiều đến khả năng các ngân hàng sẽ hoàn nhập dự phòng cho các khoản nợ xấu, sau khi VAMC thanh lý được các khoản nợ này. Đây có thể là chất xúc tác cho sự hồi phục của các cổ phiếu ngân hàng. “Tuy nhiên, ít nhất phải đến giữa năm 2015 mới có thể hy vọng ngành này có sự chuyển biến tích cực”, VDSC dự đoán.