Phòng vệ thế nào khi thị trường cơ sở có nguy cơ điều chỉnh mạnh?
Mặc dù còn nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho đà tăng của VN-Index, song nguy cơ về một đợt điều chỉnh lớn xảy ra đang lớn dần. Vì vậy, việc phân bổ tài sản và danh mục đầu tư là rất quan trọng đối với nhà đầu tư trong thời gian tới.
Giới phân tích cho rằng, hiện tại VN-Index đang đối mặt với 2 kịch bản. Đó là tích lũy tích cực trong vùng 1.270-1.280 điểm – tạo động lực hướng đến vùng 1.310-1.330 điểm. Chiều ngược lại, sau nhịp tăng điểm ấn tượng trong tháng 8, tâm lý chốt lời và tiêu cực quay trở lại có thể làm lu mờ những phiên tích cực trước đó.
Duy trì cân bằng tiền - hàng
Tuy nhiên, thị trường đã trải qua chu kỳ tăng (sóng hồi) và đang chạm kháng cự vùng 1.300 điểm. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức đều đang trong xu hướng sẽ tiếp tục tăng lãi suất, gây ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn vào thị trường chứng khoán (TTCK). Và thị trường đang rơi vào vùng trũng thông tin.
Không chỉ vậy, khối ngoại đang có xu hướng rút ròng trở lại với 5 phiên liên tiếp bán ròng - yếu tố làm ảnh hưởng tới tính ổn định của thị trường và tác động mạnh tới yếu tố tâm lý của nhà đầu tư trong nước.
“Hiện tại là lúc nhà đầu tư cần thận trọng và chờ đợi cơ hội rõ ràng”, ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư KHCN cao cấp, Chứng khoán MB (MBS) lưu ý.
Về chiến lược đầu tư, các chuyên gia phân tích khuyến nghị, nhà đầu tư tạm thời không nên mua mới bởi rủi ro tương đối cao. Hiện vùng mua khá rủi ro 50/50, nhà đầu tư tốt nhất nên đứng ngoài và quan sát, ưu tiên giảm tỷ trọng cổ phiếu về vùng cân bằng, ai dùng margin nên đưa về mức thấp.
Thay vào đó, nên cơ cấu đưa tỷ trọng về cân bằng hơn, đặc biệt nắm giữ cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt trong quý II, gồm một số cổ phiếu ở các nhóm ngành dẫn đầu có thể vẫn duy trì đà tăng, hút dòng tiền mạnh bất kể thị trường có áp lực điều chỉnh mạnh đến đâu gồm khí đốt, bán lẻ, hóa chất, sản xuất thực phẩm…
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể đợi đến khi có 2 kịch bản cân nhắc giải ngân trở lại. Thứ nhất, có thể đợi khả năng chỉ số vượt 1.285 điểm, rủi ro khi đó giảm đi. Thứ hai, đợi nhịp điều chỉnh sâu thêm của thị trường để mua vào các nhóm đang có cơ hội đầu tư hấp dẫn khi cổ phiếu giảm 10-20%, ở các nhóm cổ phiếu xuất khẩu (do tỷ giá hiện tại đang leo thang vượt quá 24.000 VND/USD), ngành chứng khoán (do đã triển khai T+2), ngành dầu khí (giá dầu hiện tại vẫn đang neo ở mức cao 90 USD), nhóm cổ phiếu có vùng nền quý 3/2021 thấp do giãn cách COVID-19 (năm nay kết quả kinh doanh quý III tăng gấp nhiều lần), sau đó đợi 1 – 2 tuần bán ra chốt lời.
Nhìn chung, trong bối cảnh TTCK đang đứng trước những ẩn số còn rất lớn, việc duy trì sự cân bằng trong trạng thái danh mục giữa tiền - hàng vẫn vẫn được ưu tiên lên hàng đầu và cũng khá nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm lựa chọn trong quá trình giao dịch. Do đó, việc phân bổ tài sản, phân bổ danh mục đầu tư trong quá trình tham gia đầu tư trên TTCK là điều rất quan trọng.
Chẳng hạn, trong một số trường hợp, thị trường tiềm ẩn rủi ro – giá cổ phiếu tăng quá mức, thị trường có khả năng điều chỉnh mạnh thì việc quản lý tiền, giữ ít cổ phiếu cơ sở là điều cần thiết.
Dùng công cụ phái sinh
Song thực tế, trong quá trình đầu tư, khi thị trường biến động hay có những tín hiệu được cho là xấu, không phải lúc nào nhà đầu tư cũng bán hết cổ phiếu bởi họ theo chiến lược đầu tư dài hơi. Và thực tế cũng chứng minh rằng, thời gian nắm giữ lâu sẽ đem lại lợi nhuận lớn hơn so với việc trading hàng ngày.
"Do đó, để có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn trong thời điểm TTCK cơ sở có thể điều chỉnh mạnh và giảm thiểu mức độ rủi ro, thì việc sử dụng công cụ phái sinh là chiến lược đầu tư được nhiều chuyên gia đánh giá là hợp lý”, TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược Chứng khoán Dầu khí khuyến nghị.
Tuy nhiên, vì mang lại nhiều cơ hội hấp dẫn nên tiềm ẩn những con sóng ngầm nếu như nhà đầu tư chưa thực sự có đủ bản lĩnh. Bởi những sản phẩm phái sinh vẫn chưa phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, thậm chí nhiều người còn coi đây là “cờ bạc”.
“Mặc dù nhà đầu tư tham gia chứng khoán phái sinh để phòng ngừa vị thế trong giai đoạn thị trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng nhà đầu tư cũng cần cẩn thận quản trị rủi ro danh mục”, ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc SSI Research cảnh báo.
Vậy làm thế nào để giảm thiểu rủi ro, tối đa hóa lợi nhuận khi đầu tư chứng khoán phái sinh, bởi kiếm tiền trên thị trường phái sinh đã khó, giữ được tiền lại càng khó hơn?
Chuyên gia chỉ ra, sai lầm khiến nhiều nhà đầu tư dễ dàng để mất hết lợi nhuận, thậm chí thua lỗ chủ yếu đến từ hai nguyên nhân. Đó là không hiểu rõ quy luật vận động của thị trường và tham lam.
Vì vậy, trước hết nhà đầu tư cần hạn chế giao dịch quá mức. Trong khi diễn biến của TTCK cơ sở phụ thuộc vào tình trạng nền kinh tế, giao dịch mua bán cổ phiếu trên thị trường, thì yếu tố tâm lý khi giao dịch trên TTCK phái sinh đôi khi lại là yếu tố then chốt. Cho nên, giao dịch thận trọng, có tính kỷ luật cao và không giao dịch quá mức sẽ giúp nhà đầu tư quản trị rủi ro tốt hơn. Điều này đúng cho cả cổ phiếu cũng như công cụ phái sinh.
Thêm vào đó, sửa sai nhanh nhất có thể. Với chứng khoán phái sinh, chỉ nên giao dịch khi mà chỉ số VN30 bước vào giai đoạn tăng hoặc giảm rõ ràng. Nếu nhà đầu tư dự báo sai diễn biến của TTCK, thì nên đóng vị thế hơn là tiếp tục đầu tư theo xu hướng sai hoặc “đánh” gấp đôi tiền đặt cược.
Một điểm nhà đầu tư cần lưu ý. Đó là thị trường phái sinh hay có những phiên biến động bất thường, khiến các phương pháp phân tích kỹ thuật mất đi sự chính xác, các chỉ báo bị nhiễu loạn. Những phiên bất thường này thường rơi vào các ngày cuối tuần, cuối tháng, cuối quý, các phiên cơ cấu danh mục của các quỹ...
“Thị trường phái sinh mang lại cơ hội kiếm tiền hàng ngày nên khi đã lỡ một nhịp tăng hay giảm, nhà đầu tư không nhất thiết phải tham gia mua đuổi, bán đuổi bằng mọi giá. Hãy kiên nhẫn đợi cơ hội tiếp theo. Bởi, càng cố tham gia giao dịch trong những phiên biến động bất thường thì càng khó kiếm được lợi nhuận”, chuyên gia của MBS lưu ý.