Tiến triển rõ rệt và tích cực


Hài lòng không giấu giếm và lạc quan cho dù vẫn còn khá thận trọng là tâm trạng chung của cả Mỹ lẫn Iran về vòng đàm phán giữa hai bên vừa qua ở thủ đô Roma của Italia về vấn đề hạt nhân của Iran.

Bộ trưởng Ngoại giao Oman vẫn đóng vai trò ngoại giao trung gian. Cấp đàm phán vẫn giữa đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump là ông Steve Witkoff và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi. Việc thời gian vòng đàm phán thứ hai này dài gần gấp đôi thời gian vòng đàm phán trước đấy cũng là biểu hiện tích cực.

Cả Mỹ và Iran đều đánh giá tích cực về diễn biến và kết quả của vòng đàm phán thứ hai vừa qua. Phía Mỹ coi đấy là "tiến triển rất tốt đẹp", trong khi phía Iran còn đi xa hơn thế nữa. Iran cho rằng hai bên đã "tiến về phía trước" và "đã đạt được sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn và sự nhất trí về một số nguyên tắc và mục đích". Mỹ và Iran thỏa thuận sẽ gặp lại nhau vào ngày 26-4 tới tại Oman và kích hoạt quá trình thương thảo ở cấp kỹ thuật về khuôn khổ cho một thỏa thuận mới về giải pháp giúp giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân của Iran.

Cho dù hiện tại chưa có gì thật sự chắc chắn và hai bên vẫn còn phải cùng nhau đi chặng đường rất dài và phải cùng nhau vượt qua rất nhiều trở ngại ở phía trước nhưng kết quả ban đầu mà Mỹ và Iran đã đạt được cho đến nay vẫn gây bất ngờ thật sự.

Qua hai vòng đàm phán vừa qua có thể thấy cả hai phía đều mong muốn và có nhu cầu cấp thiết thực sự về nhanh chóng đạt được thỏa thuận nào đấy giúp giải quyết với nhau vấn đề chương trình hạt nhân của Iran. Vấn đề chỉ là hai bên có đủ mức độ thiện chí và kiên nhẫn, tin cậy lẫn nhau và sẵn sàng nhượng bộ với nhau để cùng đồng hành tới thỏa thuận cuối cùng hay không mà thôi. Vì thế, mỗi vòng đàm phán là một lần thử thách, là một lần vừa kiểm chứng thiện chí, vừa gây dựng lòng tin của hai nước.

Kết quả nổi bật nhất và quan trọng nhất của vòng đàm phán thứ hai vừa qua giữa Mỹ và Iran về vấn đề hạt nhân của Iran là đạt được "thỏa thuận về một số nguyên tắc và mục đích" như Bộ trưởng Ngoại giao Iran đã nêu bật. Ông Trump hồi năm 2018 đã đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận đã đạt được hồi năm 2015, viết tắt là JCPOA, giữa Mỹ (thời chính quyền Tổng thống Barack Obama), Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức và Iran về vấn đề hạt nhân của Iran nên giờ phải nhằm tới thỏa thuận hoàn toàn mới với Iran nếu muốn bảo toàn thể diện và uy danh. Iran cũng nhằm tới thỏa thuận mới chứ không theo đuổi việc khôi phục lại hoàn toàn hiệu lực của thỏa thuận JCPOA khi trước bởi phía Iran cần sự bảo đảm chắc chắn là hiệu lực của thỏa thuận mới từ nay không lệ thuộc vào sự thay đổi chính quyền 4 năm một lần ở nước Mỹ.

Ngoài hai điều trên, hai điều khác nữa cùng quyết định tiến trình đàm phán hiện tại giữa Mỹ và Iran rồi đây có kết thúc thành công hay không.

Thứ nhất là điều kiện của Mỹ về Iran không được chế tạo và sở hữu vũ khí hạt nhân. Mỹ coi đó là lằn ranh đỏ. Iran đã nhiều lần tuyên bố không có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân. Vì thế, thực chất ở yêu cầu này của Mỹ là xác thực và giám sát trên thực tế việc Iran không chế tạo vũ khí hạt nhân.

Thứ hai là điều kiện của Iran về tiếp tục chương trình hạt nhân vì mục đích dân sự hòa bình và Mỹ dỡ bỏ tất cả các biện pháp chính sách trừng phạt, cấm vận Iran.

Cả về hai điều này, Mỹ và Iran dường như đã đạt được sự đồng thuận quan điểm nhất định ở vòng đàm phán vừa qua.

Theo Hanoimoi.vn