Kinh tế Việt Nam 2015 nhìn từ số liệu thống kê
(Tài chính) Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2014 phát triển với những tín hiệu tích cực, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất. Điều đáng mừng là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng đạt mức khá và có dấu hiệu khả quan ở những ngành, lĩnh vực trọng yếu. Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn, kinh tế Việt Nam có bị ảnh hưởng không khi kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi và giá dầu đang giảm sâu.
Có thể nói, tình hình kinh tế nước ta năm 2014 có nhiều dấu hiệu tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 ước tính tăng 5,98% so với năm 2013. Năm 2014, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng cao là 8,45%, cao hơn nhiều so với mức tăng của một số năm trước. Cầu trong nước đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Cán cân thương mại được cải thiện, trong đó xuất siêu đạt mức cao và liên tiếp trong 3 năm liền. Dư nợ tín dụng tăng cao hơn mức tăng của các năm trước. Thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối ổn định. Khó khăn của doanh nghiệp đang dần được tháo gỡ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2014 tăng 10,6% so với năm 2013. Nền kinh tế tuy có nhiều khởi sắc nhưng thách thức cũng không nhỏ. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Lâm cho biết, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã diễn ra có dấu hiệu tốt, nhưng vẫn còn chậm. Vấn đề cầu nội địa, mặc dù, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm nay tăng 6,3%, nhưng đây chưa phải là mức tăng cao. Cán cân thương mại đã thặng dư, nhưng chưa bền vững
Còn nhiều thách thức đặt ra trong năm 2015. Thứ nhất là đó là lạm phát tuy ở mức thấp, nhưng vẫn bị ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, đặc biệt giá của nhiên, nguyên vật liệu nhập khẩu. Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế mở, tăng trưởng phụ thuộc vào giá trị xuất nhập khẩu, trong đó nhập khẩu tới 92%. Bởi vậy, khi giá cả của thế giới biến động lớn sẽ ảnh hưởng tới sản xuất trong nước, làm đội chi phí giá thành. Thứ hai là sản xuất của khu vực doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong năm 2015 và những năm tiếp theo, đặc biệt khi Việt Nam tham gia Cộng đồng ASEAN do có sự cạnh tranh rất lớn giữa các doanh nghiệp trong khối này. Vụ trưởng Vụ Quản lý Hệ thống tài sản Quốc gia Hà Quang Tuyến cho biết, nhìn vào số liệu của các năm thì thấy một số ngành và lĩnh vực đang có dư địa rất lớn, đơn cử như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2014 tăng 8,45%, nếu năm 2015 mà tăng được vì năm 2010 - 2011 mỗi năm tăng 4%. Nếu tiếp tục được đà tăng trưởng này thì công nghiệp chế biến, chế tạo của ta sẽ tăng khoảng 9,5 - 10% sẽ bù đắp vào việc cắt giảm sản lượng dầu mà do giảm giá không khai thác
Có một điểm nhấn trong bức tranh kinh tế là cuối năm 2014, đầu năm 2015, giá dầu trên thế giới giảm, kéo theo giá xăng dầu trong nước cũng giảm theo. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dầu là mặt hàng chiến lược của Việt Nam vì đó là nguyên liệu đầu vào, cũng là nguyên liệu dùng trong tiêu dùng trong các ngành và là một trong những mặt hàng thiết yếu trong đời sống của người dân. Giá dầu thấp là nhân tố thuận lợi cho nền kinh tế, giảm chi phí sản xuất. Mặc dù giá dầu giảm có thể ảnh hưởng đến khai thác và nguồn thu dầu thô của chúng ta, nhưng nhìn chung mặt lợi là nhiều hơn. Vấn đề là nếu giá dầu tăng trở lại thì sẽ tác động ra sao đối với phát triển kinh tế.
Năm 2015, tình hình giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn diễn biến khó lường, tác động không nhỏ đến nền kinh tế của ta, đòi hỏi cần có những điều chỉnh chính sách linh hoạt kịp thời mới có thể đảm bảo các chỉ tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.