Kinh tế Việt Nam đang bùng nổ và bứt phá


Từ một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh cùng bề dày văn hóa lịch sử, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trên toàn cầu.

Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn với các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Nguồn: seller.alibaba
Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn với các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Nguồn: seller.alibaba

Mới đây, website seller.alibaba của Trung Quốc đã dành một bài khá dài để nói về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Trang này nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang bùng nổ và là thị trường đầy hứa hẹn với các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Chỉ ra sức hấp dẫn của Việt Nam không chỉ ở tốc độ tăng trưởng GDP ngoạn mục mà còn có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác, bài viết khẳng định, khi bối cảnh thương mại điện tử toàn cầu thay đổi và phát triển, Việt Nam đang ngày càng bứt phá nhờ sự kết hợp giữa dân số trẻ, có trình độ học vấn cao và không ngại ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, Việt Nam có một chính phủ tận tâm cải cách kinh tế với những lãnh đạo có tầm nhìn cùng khả năng nắm bắt cơ hội là yếu tố then chốt trong sự phát triển kinh tế này.

Cùng với đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sôi động, xuất khẩu phát triển mạnh mẽ và tiêu dùng nội địa tăng trưởng ổn định cũng là những yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam.

"Sự bứt phá của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu thể hiện sự chuyển đổi, khả năng phục hồi và ra quyết định chiến lược của đất nước. Những tiến bộ đạt được trong vài thập kỷ qua không phải là kết quả của sự may mắn hay ngẫu nhiên mà là sự nỗ lực chung của các nhà lãnh đạo đất nước, cộng đồng doanh nghiệp và tất cả người dân Việt Nam", bài viết nhấn mạnh.

Theo nội dung bài viết, Việt Nam đã có những chính sách quan trọng để trở thành cường quốc ở Đông Nam Á. Đó là việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế định hướng thị trường; các chính sách đổi mới như mở cửa đầu tư nước ngoài, tư nhân hóa, tham gia các Hiệp định thương mại tự do; chiến lược xuất khẩu linh hoạt...

"Chính sách của chính phủ Việt Nam đã tạo nên sự bùng nổ kinh tế bằng cách đẩy mạnh tự do hóa kinh tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại quốc tế.

Cùng với đó là công tác "xây tổ" như đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh,... để "đón đại bàng" là các nhà đầu tư lớn trên toàn cầu.

"Bằng rất nhiều giải pháp, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được đánh giá là nhanh nhất ở Đông Nam Á, vượt xa một số nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan và Philippines", bài viết nhận định.

Cùng với việc phân tích chi tiết từng yếu tố quyết định sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, tác giả bài viết cũng chỉ ra những giải pháp và các biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế trong giai đoạn COVID-19.

Theo đó, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo sự ổn định.

Cụ thể, một mặt, Việt Nam đã có nhiều biện pháp sức khỏe như cách ly nhanh chóng các ca bệnh và truy tìm lịch sử tiếp xúc nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan.

Mặt khác, Chính phủ Việt Nam cũng định hướng lại xuất khẩu trong bối cảnh nhiều nước đóng cửa biên giới, tập trung vào các sản phẩm đang có nhu cầu lớn như thiết bị y tế.

Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng thúc đẩy hoạt động kinh tế đa dạng, từ nông nghiệp đến công nghệ thông tin, lĩnh vực này suy giảm thì những lĩnh vực khác sẽ tăng trưởng bù lại.

Nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam cũng đã tập trung các giải pháp hỗ trợ tài chính như đưa ra các khoản vay với lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tiêu dùng.

Cùng các khoản vay lãi suất thấp là việc giảm thuế và hoãn thuế cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng.

Tận dụng thời gian dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam cũng đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng được xúc tiến để tạo việc làm và nâng cao tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Không chỉ phân tích chi tiết những yếu tố mang lại sự tăng trưởng vượt bậc cho nền kinh tế Việt Nam, bài viết còn khẳng định về triển vọng cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Việt Nam.

Trong đó, có 3 lĩnh vực mới nổi đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trên toàn cầu cần được đẩy mạnh là công nghệ, năng lượng xanh và chế biến nông sản.

Cụ thể, bài viết đánh giá, với dân số trẻ, am hiểu công nghệ, Việt Nam có rất nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển thành trung tâm cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech, thương mại điện tử và dịch vụ phần mềm.

Về năng lượng xanh, Việt Nam đang đặt mục tiêu đầy tham vọng để phát triển bền vững, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng năng lượng mặt trời và điện gió.

Về chế biến nông sản, với tiềm năng to lớn về nông nghiệp, Việt Nam đang tiến lên đẩy mạnh chuỗi giá trị, chế biến nông sản để xuất khẩu.

Theo Minh Đức/thitruongtaichinhtiente.vn