Kinh tế Việt Nam: Nhìn lại năm 2016 và triển vọng năm 2017

TS. Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thanh Tùng - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trong bối cảnh phức tạp của môi trường toàn cầu, kinh tế Việt Nam tiếp tục bộc lộ những dấu hiệu cho thấy tính dễ bị tổn thương trước các cú sốc. Tăng trưởng suy giảm trong nửa đầu năm 2016 vì sự cố môi trường biển miền Trung và hạn hán tại miền Nam và Tây Nguyên. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2016 vẫn có những điểm sáng trong điều hành chính sách, cải cách hành chính mạnh mẽ, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Những yếu tố này sẽ làm nền tảng cho sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017.

Kinh tế Việt Nam năm 2016 vẫn có những điểm sáng trong điều hành chính sách, cải cách hành chính mạnh mẽ, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Kinh tế Việt Nam năm 2016 vẫn có những điểm sáng trong điều hành chính sách, cải cách hành chính mạnh mẽ, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bối cảnh kinh tế thế giới 2016

Kinh tế Việt Nam đã trải qua năm 2016 với nhiều khó khăn trước những biến động lớn của nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế thế giới, đặc biệt tại các nước phát triển, ẩn chứa nhiều yếu tố bất định. Nổi bật nhất trong số đó là sự kiện nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau một cuộc trưng cầu dân ý (Brexit) và chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016.

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump gây lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ với ý định rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong khi đó, Anh và EU vẫn chưa có quyết định chính thức về cách thức tiến hành Brexit. Tuy nhiên, bỏ qua những lo ngại về chính sách mà ông Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng, những điểm sáng của nền kinh tế Mỹ năm 2016 đã giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất cơ bản lần thứ hai, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Bên cạnh đó, chính sách nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản không đạt được như kỳ vọng khiến nước này chìm sâu hơn vào vòng xoáy giảm phát. Kinh tế châu Âu không có nhiều cải thiện so với năm 2015; lạm phát duy trì ở mức thấp, vấn đề về việc làm cũng không có nhiều chuyển biến.

Ngược lại, Trung Quốc và một số nước đang phát triển lại có sự tăng trưởng tương đối ổn định. Kinh tế Trung Quốc đang dần dịch chuyển đúng hướng theo chiến lược tái cân bằng mà chính phủ nước này đề ra. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế cũng đưa ra những đánh giá lạc quan về triển vọng của các nước nền kinh tế mới nổi trong giai đoạn tiếp theo.

Thị trường hàng hóa thế giới có sự thay đổi ngược chiều giữa một số loại hàng hóa cơ bản, trong khi tài sản biến động mạnh theo những sự kiện trong năm. Giá các mặt hàng năng lượng phục hồi ổn định trong khi giá các loại lương thực chính biến động mạnh trong năm 2016.

Kinh tế Việt Nam trong giai đoạn điều chỉnh

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ những dấu hiệu cho thấy tính dễ bị tổn thương trước các cú sốc. Tăng trưởng kinh tế của 2 quý đầu năm 2016 lần lượt là 5,48% và 5,78% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù, được phục hồi trong nửa cuối năm nhưng tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 6,21%, thấp hơn mức 6,68% năm 2015 và mục tiêu 6,3% mà Chính phủ đặt ra trong phiên họp thường kỳ tháng 9/2016.

Kinh tế Việt Nam: Nhìn lại năm 2016 và triển vọng năm 2017 - Ảnh 1

Theo Tổng cục Thống kê, nông nghiệp suy giảm kết hợp với khó khăn trong trong ngành Công nghiệp khai khoáng được cho là nguyên nhân chính dẫn tới tăng trưởng thấp. Khu vực nông nghiệp, vốn chiếm 11-13% GDP, nhưng ước tính mức tăng trưởng chỉ đạt 0,72% và đóng góp được 0,09 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Trong khi đó, tăng trưởng lâm nghiệp và thủy sản giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước khiến cả khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chỉ tăng 1,36%, tỷ lệ thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng nhóm ngành này đạt 11,09%, cao hơn so với 2 năm trước (năm 2014: 8,45%; năm 2015: 10,60%).

Tuy nhiên, với mức đóng góp lên tới 28,4% trong cơ cấu GDP khu vực công nghiệp, sự suy giảm của ngành khai khoáng đã tác động không nhỏ tới tăng trưởng khu vực này cũng như tăng trưởng kinh tế chung. Ước tính năm 2016, ngành khai khoáng suy giảm tới 4% so với cùng kỳ năm ngoái, làm giảm 0,33 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế.

Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) giảm dần so với mức tăng cùng kỳ năm 2015. Tính chung cả năm, chỉ số này chỉ tăng 7,5%, thấp hơn con số 9,8% cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, đà suy giảm từ đầu năm đã bắt đầu chững lại. Chỉ số tiêu thụ tăng nhẹ, trong khi tồn kho ngành chế biến, chế tạo giảm nhẹ. Chỉ số tiêu thụ và tồn kho cộng dồn tới tháng 11/2016 tăng tương ứng là 8,4% và 8,1%.

Kinh tế Việt Nam: Nhìn lại năm 2016 và triển vọng năm 2017 - Ảnh 2

Dù tăng trưởng suy giảm so với năm 2015, hoạt động của khu vực doanh nghiệp (DN), đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, vẫn được coi là một điểm sáng của kinh tế năm 2016. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) duy trì trên ngưỡng 50 điểm, cho thấy sự phục hồi trong khu vực sản xuất của Việt Nam.

Đặc biệt, chỉ số này đã đạt 54 điểm trong tháng 11/2016, cao nhất trong vòng 18 tháng trở lại đây. Tình hình đăng ký DN trong năm 2016 cũng có nhiều cải thiện. Số DN đăng ký hoạt động mới đạt 110,1 nghìn DN, tăng 16,2% so với năm 2015, với 891,1 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký, tăng 48,1%. Số vốn đăng ký trung bình trên một DN tăng 27,5% và đạt 8,1 tỷ đồng/DN.

Tuy nhiên, DN trong các ngành công nghiệp tiếp tục có xu hướng cắt giảm lao động, đặc biệt trong ngành khai khoáng. Số lượng lao động tại thời điểm 01/12/2016 chỉ tăng 2,9%, thấp hơn mức 6,4% năm 2015. Trong đó, lao động trong ngành khai khoáng giảm 6,9%; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 1,3%. Tăng trưởng lao động suy giảm trong cả ba khối DNNN, DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng lao động khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI lần lượt đạt 1,8% và 4,9%; giảm tương ứng từ 4,6% và 8,0% năm 2015.

Nguy cơ lạm phát tăng trở lại

Không còn được hỗ trợ bởi các yếu tố bên ngoài như năm 2015, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2016. Giá cả các loại hàng hóa cơ bản phục hồi kết hợp với điều chỉnh giá nhóm dịch vụ giáo dục và y tế đã gây ra sức ép lên lạm phát trong nước.

Kinh tế Việt Nam: Nhìn lại năm 2016 và triển vọng năm 2017 - Ảnh 3

Tính tới cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,74% so với tháng 12/2015. Trong khi đó, lạm phát lõi vẫn duy trì trong khoảng 1,7-1,9% trong cả năm 2016, điều này khiến khoảng cách giữa lạm phát và lạm phát lõi ngày càng được nới rộng. Điều này cho thấy, sự gia tăng mạnh trong chỉ số giá các nhóm hàng lương thực - thực phẩm, năng lượng và do Nhà nước quản lý.

Mặc dù, suy giảm trong những tháng giữa năm, chỉ số giá các mặt hàng lương thực thế giới do Ngân hàng Thế giới tính toán vẫn tăng từ 85,95 điểm cuối năm 2015 lên mức 93,15 điểm trong tháng 11/2016. Đi cùng xu hướng này, chỉ số giá nhóm hàng lương thực và thực phẩm của Việt Nam trong tháng 12 lần lượt tăng 2,57% và 3,34% (so với cùng kỳ năm trước), so với mức tăng -1,65% và 1,47% tương ứng của hai nhóm hàng này cùng kỳ năm 2015.

Trong khi đó, giá các mặt hàng năng lượng thế giới phục hồi tương đối vững chắc. Cùng sự tăng trưởng ổn định tại Trung Quốc và một số nền kinh tế mới nổi đã đẩy nhu cầu về năng lượng tăng lên trong năm 2016. Theo đó, cả dầu thô, than đá và khí ga tự nhiên đều có mức tăng ấn tượng so với năm 2015. Giá dầu thô WTI trung bình tháng 11/2016 đạt 45,6 USD/thùng, tăng 6,7% (so với cùng kỳ năm trước), trong khi đó, giá than đá tại Úc đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015 và đạt 100 USD/tấn.

Thị trường thế giới tác động khiến lạm phát tại Việt Nam tăng trở lại. Mức giá trong nước tăng nhanh sau những lần điều chỉnh giá nhóm dịch vụ y tế và giáo dục. Giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Tính tới cuối năm 2016, chỉ số giá nhóm hàng dịch vụ y tế đã tăng 77,57% so với cuối năm 2015, đóng góp tới 2,7 điểm phần trăm trong mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Trong khi đó, học phí được điều chỉnh trong tháng 9/2016 đã đẩy mức giá chung của nhóm hàng dịch vụ giáo dục tăng 12,5% (so với cùng kỳ năm trước).

Cán cân vĩ mô còn gặp nhiều khó khăn

Chuyển dịch cơ cấu thu ngân sách

Bên cạnh những điểm sáng đáng ghi nhận, nền kinh tế còn đối diện nhiều thách thức. Thu chi ngân sách đứng trước những khó khăn và có sự thay đổi rõ rệt trong cơ cấu thu. Tổng thu  ngân sách nhà nước (NSNN) đến 31/12/2016 vượt 7,8% so với dự toán giao, nhưng khó khăn vẫn hiện hữu.

Kinh tế Việt Nam: Nhìn lại năm 2016 và triển vọng năm 2017 - Ảnh 4

Ảnh hưởng từ giá dầu thô và hàng hóa cơ bản khác khiến tỷ trọng hai khoản mục thu từ dầu thô và thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh trong khi nhu cầu chi cho đầu tư phát triển ngày càng tăng mạnh. Chính phủ buộc phải đẩy mạnh các nguồn thu khác như thu thuế bảo vệ môi trường và thu tiền sử dụng đất và vay nợ.

Khi nguồn thu không có nhiều cải thiện, chi NSNN đã tăng nhanh trong ba tháng vừa qua. Tổng chi NSNN tính tới 15/12/2015 đạt 1.135,5 nghìn tỷ đồng, dẫn tới bội chi ngân sách 192,2 nghìn tỷ đồng. Trong khi chi thường xuyên vẫn ở mức cao (chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 786 nghìn tỷ đồng, bằng 95,4%), thì chi đầu tư phát triển chỉ đạt 190,5 nghìn tỷ và bằng 74,7% so với dự toán.

Phục hồi cán cân thương mại

Thương mại bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi trong nửa cuối năm 2016 khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bắt đầu tăng nhẹ. Tốc độ nhập khẩu giảm mạnh đã giúp cán cân thương mại dần chuyển sang thặng dư (sau khi thâm hụt nhẹ năm 2015).

Ước tính, đến cuối năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu chủ yếu vẫn nằm ở nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Xuất khẩu khu vực này đạt 125,9 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu khu vực trong nước đã có nhiều cải thiện đáng kể, tăng 4,8% (so với cùng kỳ năm trước).

Điện thoại và linh kiện điện thoại tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD. Tuy nhiên, sự kiện Galaxy Note 7 của Samsung bị lỗi kỹ thuật khiến xuất khẩu nhóm hàng này chỉ tăng 14,4%, so với mức tăng 29,9% năm 2015.

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu năm 2016 ước tính chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức 173,7 tỷ USD (năm 2015 là 12%). Trong đó, đáng chú ý là sự suy giảm của một số mặt hàng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất như: điện thoại và linh kiện (giảm 0,3%), phân bón (giảm 22%)…

Các nước Đông Á và Đông Nam Á vẫn là những đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam. Tuy nhiên, sự dịch chuyển nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước ASEAN sang một số nước khác đã trở nên rõ ràng hơn. Nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 49,8 tỷ USD, tăng 0,5% và chiếm 28,7% tổng kim ngạch, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2015. Tương tự, nhập khẩu từ các nước ASEAN cũng giảm 0,3% và đạt 23,7 tỷ USD.

Trong khi đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,6%. Điều này được giải thích bởi lượng vốn FDI đến từ Hàn Quốc ngày một lớn. Trong năm 2016, lượng vốn đăng ký từ Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 5,52 tỷ USD, chiếm 36,3% tổng vốn đăng ký đầu tư, nguồn vốn đầu tư này cũng đòi hỏi một lượng lớn nguyên vật liệu nhập khẩu cho các DN chế biến chế tạo.

Thị trường tài chính, tiền tệ và tài sản ổn định

Về cơ bản, điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2016 là linh hoạt và chặt chẽ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn bám sát mục tiêu ổn định lạm phát và thận trọng với mục tiêu này. Tuy nhiên, càng về cuối năm các nhân tố làm tăng lạm phát xuất hiện càng nhiều, bao gồm sự phục hồi của giá năng lượng và điều chỉnh giá dịch vụ công.

Thặng dư trên cán cân thanh toán ổn định góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho NHNN mua ròng ngoại tệ, để bổ sung dự trữ ngoại hối. Thông tin tại phiên họp thường kỳ tháng 12/2016, Chính phủ cho biết, dự trữ ngoại hối trong tính đến cuối năm đạt 41 tỷ USD, con số cao nhất từ trước tới nay.

Trên thị trường ngoại hối, sau khi cơ chế xác định tỷ giá tham chiếu mới được thực hiện, diễn biến tỷ giá tương đối ổn định trong năm 2016. Tính tới 29/12/2016, tỷ giá tham chiếu do NHNN công bố ở mức 22.162 VND/1 USD, tăng 1,21% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá bán ra tại ngân hàng Vietcombank cũng chỉ tăng 1,11% lên mức 22.790 VND/1 USD.

Tuy nhiên, sự kiện Brexit và hai sự kiện lớn tại Mỹ (diễn biến của cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ cùng với quyết định tăng lãi suất của FED) đã khiến tỷ giá tăng mạnh trong thời điểm cuối năm. Yếu tố tâm lý của người dân cũng góp phần làm tỷ giá tăng. Ngoài ra, tin đồn thất thiệt về khả năng đổi tiền cũng đã làm cho người dân lo ngại và có khuynh hướng tích trữ USD, vàng, gây xáo động trên thị trường phi chính thức.

Theo dõi thị trường liên ngân hàng vẫn thấy cung cầu ngoại tệ tương đối ổn định. Nguyên nhân chủ yếu do tỷ giá bên ngoài tăng nhưng lượng giao dịch không thực sự lớn để có thể gây ảnh hưởng đến thị trường trong hệ thống ngân hàng. Hơn nữa, khả năng NHNN can thiệp là hoàn toàn có thể, do lượng dự trữ tương đối dồi dào.

Do đó, có thể khẳng định trong giai đoạn Tết Nguyên đán và đầu năm 2017, NHNN có thể ổn định được thị trường về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan cần phối hợp, chủ động trong tuyên truyền, nhằm giúp dư luận hiểu rõ thực chất tình hình và không gây ra những xáo trộn về tâm lý diện rộng.

Trên thị trường vàng, khoảng cách giá vàng trong nước và quốc tế cũng dần được thu hẹp, nhưng chưa thực sự có sự liên thông về giá giữa hai thị trường, nhất là trong thời điểm nửa cuối năm 2016. Trong khi giá vàng thế giới liên tục thay đổi sau các cuộc họp của FED, giá vàng trong nước lại thay đổi theo chiều ngược lại.

Kinh tế Việt Nam: Nhìn lại năm 2016 và triển vọng năm 2017 - Ảnh 5

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tiếp tục được nới rộng kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ và quyết định tăng lãi suất của FED. Tính tới ngày 29/12/2016, mức chênh lệch đã lên tới 5,07 triệu đồng/lượng, chủ yếu do giá vàng thế giới sụt giảm mạnh sau quyết định của FED.

Triển vọng năm 2017 và một số lưu ý

Ngoài những vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế nội địa, tình hình kinh tế thế giới đầy bất trắc cũng sẽ tác động không nhỏ tới Việt Nam.
Trước hết, việc FED tăng lãi suất cơ bản, đồng thời gợi mở khả năng sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017. Động thái này không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.

Một trong những thay đổi rõ rệt nhất chính là sự lên giá của đồng USD. Trong khi đó, VND hiện vẫn đang được neo giữ với USD và có xu hướng tăng giá thực so với các đồng tiền còn lại. Điều này có thể sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong năm 2017.

Việt Nam có thể phải tăng lãi suất tiền gửi để giữ giá trị tiêu dùng. Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng, từ đó dẫn tới phản ứng dây chuyền trên thị trường bất động sản có thể làm giảm giá hoặc tăng chậm hơn dự kiến và có thể gây ra những rủi ro cho các dự án bất động sản vốn đang trong tình trạng nhạy cảm, dễ tổn thương.

Bên cạnh đó, việc các nước xuất khẩu dầu đạt được đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng khai thác kể từ tháng 1/2017 cũng có thể đẩy giá dầu tăng trở lại. Điều này tuy có lợi cho cán cân ngân sách, nhưng việc giá dầu thô và các mặt hàng năng lượng tăng trở lại có thể sẽ tạo ra sức ép lên lạm phát trong nước. Mặc dù, tất cả các vấn đề trên là dự báo, song giới chuyên gia khuyến nghị các cơ quan điều hành cần lưu ý và cẩn trọng trong việc ban hành các chính sách.

Tài liệu tham khảo

1. Cơ sở dữ liệu CEIC, https://www.ceicdata.com;

2. NHNN (2016), http://www.sbv.gov.vn;

3. Tổng cục Thống kê (2016), Tình hình kinh tế - xã hội năm 2016;

4. Tổng cục thống kê (2015), Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015;

5. Tổng cục thống kê (2014), Tình hình kinh tế - xã hội năm 2014;

6. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) (2016), Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam hàng quý.