Kinh tế Việt Nam: Tồn tại nhiều vấn đề trong bức tranh khởi sắc

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) “Nhìn bề ngoài, nền kinh tế Việt Nam khởi động năm 2015 với một vị thế mạnh mẽ..., nhưng mọi người vẫn đang trong tâm thế cẩn thận. Tại sao?”, các chuyên gia nghiên cứu của Ngân hàng HSBC đã mở đầu Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 3 bằng một câu hỏi như thế. Bởi, trong nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề và ngay trong bức tranh khởi sắc của kinh tế quý I, vẫn đang có những mảng tối đáng lo ngại.

Nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề. Nguồn: internet
Nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề. Nguồn: internet

Hai nguồn thu ngoại tệ chính đang giảm sút

Ngành sản xuất đã tăng trưởng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi lĩnh vực dịch vụ cũng có mức tăng đáng kể 5,8%. Chỉ số GDP quý I/2015 tăng 6,0% so với năm ngoái phản ánh chỉ số PMI có mức ổn định tương đối trong ba tháng qua.

Nhờ vào nhu cầu cao hơn, tăng trưởng tín dụng khối tư nhân trong quý I/2015 cũng đạt mức 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều đáng nói là mặc dù nhu cầu trong nước được cải thiện nhưng các điều kiện bên ngoài lại xấu đi, tạo sức ép lên hai nguồn thu ngoại tệ chính của Việt Nam.

Xuất khẩu mặc dù vẫn còn cao so với tiêu chuẩn khu vực trong quý I/2015, nhưng cũng đã giảm xuống mức 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái (quý I/2014 tăng 12,7%).

 Các lô hàng từ các doanh nghiệp trong nước tiếp tục giảm trong quý vừa rồi càng nêu bật việc doanh nghiệp Việt Nam đang dần mất năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sự gia tăng mạnh việc nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng như số liệu nhập xe ôtô đã  tăng 78,5% trong quý I/2015 so cùng kỳ năm trước.

Theo Bloomberg, Ngân hàng Nhà nước đang nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ mức 13 – 15% trước đây lên thành 17% để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 6,2% của Chính phủ.

Nếu như cho vay tiếp tục tăng trưởng nhanh, nhu cầu nhập khẩu cũng sẽ tăng dẫn đến thâm hụt thương mại ngày càng rộng.

Trong khi các kế hoạch cải cách đối với ngành ngân hàng đang được tiến hành một cách chậm chạp, thì tăng trưởng tín dụng nhanh lại trở thành mối lo, đặc biệt là đối với những lĩnh vực hoạt động kém hiệu quả như bất động sản.

Phần đóng góp của tín dụng cho GDP đã tăng đến mức 100% trong năm 2014 so với mức 95% vào năm 2012.

 Ngành du lịch cũng đang suy yếu. Trong quý I/2015 lượng khách du lịch đến Việt Nam đã giảm 13,7% so với năm ngoái chỉ đạt mức 2 triệu khách. Ngoại trừ khách du lịch đến từ Hàn Quốc, số lượng khách từ các nước giảm đều, chủ yếu là khách du lịch đến từ Úc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Năng lực cạnh tranh từ đồng ngoại tệ yếu là một phần nguyên nhân. Xét về mặt tỷ giá hối đối thực hữu dụng, tiền đồng Việt Nam đang tăng giá khoảng 8% kể từ cuối năm 2014. Nhu cầu bên ngoài đang giảm cũng là một nguyên nhân khác.

Doanh nghiệp Việt Nam đang bộc lộ rõ sự yếu thế

Việt Nam là một đất nước có nhân khẩu học mạnh. Điều này đã hỗ trợ với năng lực cạnh tranh là chi phí lao động và nhu cầu nội địa. Mức tăng trưởng bền vững của nguồn vốn giải ngân FDI cho thấy sức thu hút của Việt Nam là một trung tâm sản xuất. Tỷ lệ chi phí/chất lượng đã giúp hàng hoá Việt Nam có tính cạnh tranh.

Ngược với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước vẫn không thành công trong việc tận dụng nguồn lao động giá rẻ của Việt Nam. Mức độ xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước hàng quý chỉ dừng chân ở mức 10,6 tỷ USD. Thật vậy, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đều giảm trong quý I/2015 và quý IV/2014.

Trong quý I, thâm hụt thương mại của các doanh nghiệp trong nước mở rộng ở mức 3,8 tỷ USD so với mức 2,4 tỷ USD trong quý I/2014. Các doanh nghiệp này chịu trách nhiệm chính cho việc thâm hụt thương mại nói chung của Việt Nam tăng thêm ở mức 1,8 tỷ USD trong quý I/2015. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lại có mức tăng thặng dư thương mại từ 2 tỷ USD trong quý I/2014 lên 3,5 tỷ USD trong quý I/2015.

Điều đó cho thấy, trong 5 năm qua, câu chuyện xuất khẩu xuất sắc của Việt Nam phần lớn là nhờ vào sự thúc đẩy của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Hiện trạng này không hẳn là một sự phát triển xấu khi đã đem lại cho các doanh nghiệp trong nước cơ hội để khai thác các chuỗi cung ứng toàn cầu và tận dụng hiệu quả.

Tuy nhiên, hiệu suất đáng thất vọng của các doanh nghiệp đầu tư trong nước cho thấy, quá trình này đang không xảy ra đủ nhanh và việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI bị giới hạn.

Nếu không có một chiến lược chủ động để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao kiến thức về công nghệ của mình, thì những lợi ích từ FDI sẽ bị giới hạn ngay cả khi Việt Nam tiếp tục đưa ra nhiều ưu đãi như thuế để thu hút nguồn vốn FDI kỹ thuật cao.   

 Vấn đề nhân công cũng đang là mối lo

Mặc dù môi trường bên ngoài còn nhiều khó khăn, nhưng ngành sản xuất của Việt Nam vẫn tăng trưởng kể từ tháng 9/2013.

Tuy nhiên, các chuyên gia của HSBC nhìn nhận, chỉ số PMI mới nhất cũng đã báo hiệu những mối lo ngại về khả năng bền vững của đà tăng ngành sản xuất. Mặc dù chỉ số toàn phần vẫn trên mức trung bình, nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại.

Trong tháng 3, chỉ số PMI đã giảm từ mức 51,7 điểm của tháng 2 còn 50,7 điểm. Đơn đặt hàng mới chậm hơn cũng như nhân công giảm là các nguyên nhân chính.

Nhân công giảm đang là mối lo ngại vì điều đó thể hiện các vấn đề lâu dài. Thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề cao luôn là vấn đề quan tâm khi hệ thống giáo dục đại học không theo kịp nhu cầu của công ty.

 Thêm nữa, mối quan hệ giữa quản lý và lao động vẫn còn là một thách thức gây ra tình trạng gián đoạn sản xuất. Điều này không nên ép sản lượng trong thời gian ngắn hạn.

Nhiều dư địa để cắt giảm lãi suất

Lạm phát tăng chậm ở mức 0,9% trong tháng 3 so với năm ngoái ngay cả khi điện đã tăng giá. Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố rằng, họ có thể sẽ nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 17% từ mức hiện tại 13-15% để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2015 đạt mức 6,2%. “Chúng tôi tin rằng có nhiều cơ hội để Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất thị trường mở OMO thêm 0,5%, đưa lãi suất này về mức 4,5%”, các chuyên gia của HSBC dự báo.

Thực tế, Việt Nam là nước phụ thuộc vào xuất khẩu với giao dịch bằng đường biển đóng góp đến 81% GDP của năm 2014. Du lịch cũng là một ngành quan trọng. Tỷ giá danh nghĩa thực hữu dụng tăng đang gây ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng phải cân nhắc đến chính sách giảm bớt những động cơ nắm giữ đô la Mỹ và vàng trong nền kinh tế. Tiền gửi bằng ngoại tệ đã giảm từ mức 21% của  năm 2009 xuống còn 14% của GDP.

Lãi suất trên thị trường mở OMO hiện đang ở mức 5% và vẫn còn cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước giảm các mức lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.

“Các mức lãi suất thực đang ở mức cao trong lịch sử và dự đoán lãi suất trên thị trường mở OMO giảm thêm 0,5% xuống còn 4,5%”, báo cáo cho biết.