Kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng
Đây là nhận định được đưa ra tại Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2018.
Theo đó, báo cáo này khẳng định, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng. Cụ thể, GDP thực tế vẫn cao hơn so với xu thế. Kinh tế trong nước vẫn tiếp tục hưởng lợi từ 3 khu vực: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phục hồi rõ rệt, tăng 3,99% trong quý II/2018 và 3,93% trong 6 tháng đầu năm 2018; Tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 8,46%, với điểm sáng là tăng trưởng cao của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm sự phụ thuộc vào khu vực khai khoáng; Tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 7,3% - mức cao nhất trong cùng thời kỳ kể từ 2010.
Cũng theo báo cáo này, nhiều ngành kinh tế lớn đang vào chu kỳ tăng trưởng như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Bán buôn, bán lẻ; Kinh doanh bất động sản; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tạo điều kiện thuận lợi để duy trì đà tăng trong các quý còn lại của năm; Nhu cầu tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trên cơ sở lạm phát được kiểm soát khá tốt và thu nhập được cải thiện; Cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện...
Thực tế cũng cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm nhìn chung tiếp tục duy trì xu thế tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 giảm nhẹ so với tháng 6, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội; Thị trường tiền tệ, ngoại hối có biến động nhẹ và đã được kịp thời điều chỉnh linh hoạt, thanh khoản tốt, mặt bằng lãi suất ổn định. Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản được đảm bảo; Giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước có bước cải thiện.
Trong 7 tháng đầu năm, dòng vốn FDI duy trì ổn định và đạt mức tăng cao hơn cùng kỳ. Tính đến ngày 20/7/2018, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 22,94 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017, gồm: 1.656 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,2 tỷ USD, tăng 2,2%; 627 dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm khoảng 4,95 tỷ USD, giảm 15,8% và 3.331 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp là 4,79 tỷ USD, tăng 53,3%. Giải ngân vốn FDI ước đạt 9,85 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ giải ngân được 9,05 tỷ USD).
Lũy kế đến ngày 20/7/2018, cả nước có 26.214 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 333 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 182,22 tỷ USD, bằng 54,7% vốn đăng ký. Trong đó, lớn nhất là đầu tư từ Hàn Quốc với tổng số vốn đăng ký là 61,51 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18,5% tổng số vốn đăng ký; Nhật Bản 55,86 tỷ USD, chiếm 16,8%, tiếp theo lần lượt là Singapore, Đài Loan...
Phát triển ngành công nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đà tăng trưởng, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện tiếp tục có mức tăng trưởng tốt, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Trong khi đó, khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá, sức mua tiêu dùng tăng; Hoạt động du lịch sôi động với xu hướng khách nội địa tăng cao và khách quốc tế bắt đầu tăng trở lại. Xuất, nhập khẩu hàng hóa duy trì tốc tộ tăng cao, cân đối thương mại thặng dư khoảng 3,1 tỷ USD...