Kinh tế Việt Nam: GDP tăng nhưng chưa có dấu hiệu “quá nóng”

Theo D.T/kinhtenongthon.com.vn

Nhiều lo ngại về chu kỳ tăng trưởng và diễn biến khó lường của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, GDP 6 tháng đầu năm vẫn đạt 7,08%, mức cao nhất kể từ năm 2011.

GDP 6 tháng đầu năm vẫn đạt 7,08%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Nguồn: internet
GDP 6 tháng đầu năm vẫn đạt 7,08%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Nguồn: internet

Sáng ngày 20/7, trong khuôn khổ Chương trình "Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam" (Chương trình Aus4Reform) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Cải cách và triển vọng trong một thế giới nhiều biến động".

GDP đạt 7,08% trong 6 tháng đầu năm

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM, kinh tế Việt Nam bước vào quý II với không ít hứng khởi và kỳ vọng. Những chuyển biến về cải thiện môi trường kinh doanh, tái cơ cấu kinh tế song song với ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô trong những quý trước ít nhiều đã củng cố niềm tin của thị trường. Tuy vậy, kết quả kinh tế - xã hội trong quý IV/2017 và quý I/2018 còn nhận được một vài ý kiến nghi ngại, đặc biệt là về chất lượng tăng trưởng và áp lực lạm phát. Rủi ro suy giảm kinh tế cũng được đề cập nhiều hơn, chủ yếu do lo ngại về diễn biến chu kỳ tăng trưởng và diễn biến khó lường của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% trong 6 tháng đầu năm, mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ 2011. Kết quả này giúp giảm áp lực điều hành trong 6 tháng cuối năm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm. Kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng. GDP thực tế vẫn cao hơn so với xu thế. Tăng trưởng GDP cũng chưa có dấu hiệu “quá nóng”.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phục hồi rõ rệt, tăng 3,99% trong quý II/2018 và 3,93% trong 6 tháng đầu năm 2018; tuy còn thách thức liên quan đến EU vẫn giữ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam và Trung Quốc có khả năng tăng yêu cầu chất lượng đối với hàng nông sản Việt Nam. Tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 8,46%, với điểm sáng là tăng trưởng cao của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm sự phụ thuộc vào khu vực khai khoáng. Tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 7,3% - mức cao nhất trong cùng thời kỳ kể từ 2010.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức thấp, trung bình tăng 1,35% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Diễn biến lạm phát trong 6 tháng đầu năm ít chịu áp lực từ các yếu tố tiền tệ hay tổng cầu, chủ yếu xuất phát từ các yếu tố “chi phí đẩy”. Áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm vẫn rất đáng lưu tâm. Yêu cầu xử lý áp lực lạm phát hiện nay cũng tương đối giống năm 2008 (dù khác mức độ) do còn rủi ro suy giảm kinh tế dưới tác động của các yếu tố bên ngoài.

Cần tập trung vào cải thiện kinh tế vi mô

Phân tích những cơ hội và rủi ro đối với mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS) ở Việt Nam, ông Dương cho rằng: Hiện nay, Việt nam nổi lên 3 loại hình dịch vụ KTCS chính bao gồm dịch vụ vận tải trực tuyến, dịch vụ chia sẻ phòng ở, và cho vay ngang hàng. Những lợi ích của KTCS bao gồm: Tiết kiệm tài nguyên thông qua việc sử dụng tiết kiệm tài sản trong toàn bộ vòng đời; giúp giảm chi phí giao dịch trong các hoạt động kinh tế; góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng.

Tuy nhiên, sự phát triển của KTCS cũng làm nảy sinh những rủi ro như phát sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, xung đột lợi ích giữa người mua và người bán, cạnh tranh không công bằng, và việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính. Báo cáo nhận diện những chính sách đặt ra liên quan đến đăng ký hoạt động, cơ chế thanh toán, các quy định về thông tin, thương mại điện tử, chính sách thuế và thanh kiểm tra.

Ông Dương đề nghị, nên thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ngoài ra cần xây dựng "cơ sở dữ liệu lớn", hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và áp dụng kinh tế số để vận hành chức năng đại diện chủ sở hữu; làm rõ cơ chế giám sát đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tập trung quyền sở hữu gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình; áp dụng cách thức và công cụ giám sát theo thông lệ tốt về quản trị DNNN.

Nửa đầu năm 2018 đã trôi qua với không ít điểm sáng trong diễn biến kinh tế - xã hội. Đà tăng trưởng kinh tế được duy trì, gắn với chuyển biến về môi trường kinh doanh, niềm tin của doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài được củng cố. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm không dựa vào mở rộng tiền tệ. Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư. Tăng trưởng kinh tế chưa kéo theo áp lực lạm phát theo chu kỳ, do ít có tác động của mở rộng tiền tệ và tài khóa.

“So với những lần khủng hoảng trước, Việt Nam hiện đã có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với tác động bất lợi từ những diễn biến kinh tế thế giới. Tuy nhiên, không ít băn khoăn vẫn hiện hữu, trong đó phải kể đến mức độ chuyển biến về chất lượng tăng trưởng còn chưa thực sự rõ nét; áp lực lạm phát còn hiện hữu; khả năng duy trì đà cải cách kinh tế vi mô nói chung và cải cách môi trường kinh doanh nói riêng là một dấu hỏi lớn” ông Dương lo ngại.

Do đó, cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.