Kinh tế - xã hội Quảng Nam năm 2021 tăng trưởng giảm nhưng không đáng lo
Năm 2021, tăng trưởng GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) của Quảng Nam không đạt chỉ tiêu nhưng thu ngân sách vẫn vượt. Sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng không đáng để lo ngại khi nền kinh tế vẫn vận hành bình thường, có đủ cơ hội phát triển.
Không như mong đợi
Không có phép màu nào cho tăng trưởng GRDP địa phương trước đại dịch chưa có dấu hiệu dừng lại trong mấy tháng qua. GRDP 6 tháng đầu năm của Quảng Nam đã “bất ngờ” đạt đến 11,7% (cao nhất vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đứng thứ 5 cả nước); là tỉnh duy nhất có tốc độ tăng trưởng trên 2 con số, trong khi hầu hết trong 9 tỉnh, thành miền Trung chỉ có mức tăng 1 con số (Bình Định tăng 6,1%, Thừa Thiên – Huế tăng 5,6%, Đà Nẵng tăng 5%, Quảng Ngãi tăng 4%...).
Theo thống kê, ngoại trừ năm 2020 tăng trưởng âm (lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế địa phương), 6 tháng đầu năm hay cả năm của các năm gần đây (2018, 2019) mức tăng trưởng kinh tế Quảng Nam cũng chỉ đạt 1 con số. Các cơ quan quản lý lạc quan chỉ cần 6 tháng cuối năm tăng thêm 2,3% GRDP nữa sẽ đủ để đạt chỉ tiêu (6,5 - 7%).
Nhưng không những không thể đạt con số tăng thêm như ước định, GRDP 6 tháng cuối năm lại bị âm, kéo theo tốc độ tăng trưởng cả năm dự kiến chỉ tăng 5,1% (thấp 1,4 - 1,9%) so kế hoạch.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam cho hay chính đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại các tỉnh phía Nam đã tác động đến nền kinh tế địa phương. Khu vực công nghiệp và xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề khi 6 tháng đầu năm tăng 33,6%, nhưng cuối năm giảm còn 7,8%. Công nghiệp từ 41,35% giảm xuống còn 9,1% và khu vực dịch vụ chưa thể hồi phục, chỉ đạt tăng trưởng ở mức 0,3% so với năm 2020.
Có thể dễ dàng nhìn thấy GRDP năm 2021 sụt giảm từ nhiều lý do. Cơn bão dịch tràn qua khiến toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Động lực tăng trưởng địa phương phụ thuộc vào gia tăng sản xuất, đầu tư. Khoảng 1.042 doanh nghiệp gia nhập thị trường (vốn 8.960 tỷ đồng), 457 doanh nghiệp tái hoạt động, thêm 6 dự án FDI (vốn 14,71 triệu USD) chưa thể đổ vốn vào nền kinh tế.
Trong khi đó, có đến 1.160 doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể, chờ giải thể. Gần như đến 99% doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch không doanh thu, đóng cửa, loay hoay không biết tìm đâu ra nguồn tài chính, có nguy cơ không trả được nợ và lãi vay, có thể phá sản và khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm.
Một khi sản xuất sụt giảm sẽ phải dựa vào đầu tư công, nhưng đến ngày 24.11 chỉ giải ngân hơn 65%. Mấy nghìn tỷ đồng đầu tư có thể sẽ không được sử dụng hết. Những thống kê về đầu tư yếu (công, tư), sản xuất đình đốn... thì lấy gì góp phần vào tăng trưởng?
Không đáng lo ngại
Theo ông Nguyễn Quang Thử, trong bối cảnh bị tác động nặng nề của dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng không đạt mục tiêu, nhưng Quảng Nam vẫn là một trong những tỉnh thành có mức tăng trưởng khá khi bình quân chung của cả nước chỉ khoảng 2 - 2,5%.
Có thể thấy, động năng tăng trưởng chính của địa phương sẽ vẫn dựa vào sự dẫn dắt của khu vực công nghiệp. Nền kinh tế địa phương vẫn vận hành bình thường dù phải “đu dây” giữa khó khăn trong việc kiểm soát, thích ứng dịch bệnh và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng của từng lĩnh vực vẫn có chiều hướng tăng trưởng dương và cao hơn nhiều so với năm 2020. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản luôn giữ mức tăng trưởng ổn định (tăng 3,6%).
Công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,8%. Thương mại - dịch vụ chưa thoát khỏi vòng xoáy kiệt quệ vẫn tăng 0,3%. Thuế sản phẩm (trừ sản phẩm trợ cấp) có dấu hiệu tăng trưởng nhờ doanh nghiệp bắt đầu hồi phục tăng 9,4%.
Tín dụng ngân hàng có mức tăng thấp nhất trong những năm trở lại đây nhưng vẫn ước đạt hơn 87.215,7 tỷ đồng (tăng 9,91%) với dư nợ doanh nghiệp vẫn đạt hơn 38.461,7 tỷ đồng (tăng 4,01% so đầu năm).
Không phải ngẫu nhiên Quảng Nam chỉ chọn mục tiêu tăng trưởng 1 con số thay vì 2 như trước đây. Chính quyền hiểu rõ quy mô nền kinh tế địa phương đã tăng cao. Động lực tạo ra nhiều năm đang dần hết dư địa, bão hòa, các nhân tố mới chưa xuất hiện, tăng trưởng sẽ chậm lại, không thể liên tục tăng trưởng 2 con số như trước.
Việc hướng về chất lượng cuộc sống người dân quan trọng hơn con số tăng trưởng GRDP nhiều hay ít đã khiến địa phương quyết định trở lại yêu cầu cơ bản của nền kinh tế là tăng năng suất lao động, đặt sự an toàn của cả nền kinh tế vào chất lượng tăng trưởng bằng chính hiệu quả của các kế hoạch điều hành kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, tạo nhiều phúc lợi cho người dân, không để thiếu hụt chi tiêu... là điều cần thiết.
Có thể thấy, năm 2021, GRDP không đạt nhưng GRDP bình quân đầu người đạt 67,5%, tăng 6,3% so cùng kỳ. Thu ngân sách 21.154 tỷ đồng, đạt 109,3% dự toán (thu nội địa 17.519 tỷ đồng, đạt 109,5%).
Cơ cấu nguồn thu giảm dần sự phụ thuộc vào một số sản phẩm chủ lực. Số thu từ ô tô chiếm hơn 70% tổng thu nội địa vào năm 2015 đã giảm xuống dưới 50% trong năm 2021.
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam cho hay, điều quan trọng là chi cho đầu tư hay chi thường xuyên của địa phương vẫn đạt từ 100% trở lên. Không để hụt các khoản phải chi tiêu.
Kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách, an sinh xã hội, kinh phí phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai. Bố trí đủ nguồn để thực hiện phòng chống dịch và phục vụ chiến lược tiêm vắc xin cho người dân. Đó là một thành công trong điều hành về sự vận hành của nền kinh tế.