Phối hợp tốt chính sách tài khóa và tiền tệ - “Chìa khóa” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Minh Hà

Tại Diễn đàn Tài chính năm 2021 với chủ đề “Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030 và các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 16/11/2021, các chuyên gia cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cần phối hợp tốt chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chính sách tài khoá “tiếp sức” cho người dân và doanh nghiệp

Ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế, cũng như chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, về chính sách về thu, năm 2020, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tổng số tiền thuế và phí thực hiện năm 2020 được giãn, giảm theo các chính sách đã ban hành là khoảng 129 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến, năm 2021, quy mô tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp là khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Theo thống kê, đến ngày 31/10/2021, số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí đã được miễn, giảm, gia hạn là khoảng 96,9 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, gói chính sách miễn, giảm, gia hạn vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 như: Giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; miễn thuế phải nộp phát sinh trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp tổ chức chức phát sinh lỗ trong năm 2020… Quy mô ước tính của gói chính sách hỗ trợ này là khoảng 20 nghìn tỷ đồng.

Về chính sách chi NSNN, đã tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Kết quả, đến ngày 10/11/2021, Trung ương đã quyết định chi 35,74 nghìn tỷ đồng để bổ sung cho các bộ và hỗ trợ các địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch.

Trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, ông Nguyễn Như Quỳnh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng,  ngành Tài chính đã tiên phong đề xuất và trình cấp có thẩm quyền các giải pháp về chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Có thể kể tới các chính sách như: Chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; miễn, giảm một số khoản phí, lệ phí; miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19; điều chỉnh biểu thuế nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giầy, dệt may, chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô...

Còn ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính cho rằng, chính sách tài khóa đã được thể hiện qua việc tăng cường kỷ luật tài khóa, kiểm soát thâm hụt NSNN và nợ công. Nhờ đó, thâm hụt ngân sách/GDP, nợ công/GDP, nợ Chính phủ/GDP năm 2020 lần lượt ở mức 3,5%, 43,5% và 38,6% (theo GDP điều chỉnh).

Cùng với đó, tăng cường các gói hỗ trợ tài khóa cùng với các gói hỗ trợ tiền tệ (miễn giảm, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế sử dụng đất nông nghiệp, phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước, tiền thuê đất...).

Nhìn chung, các chính sách tài khóa được ban hành trong thời gian qua đã hỗ trợ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận và đánh giá cao.

Phối hợp tốt chính sách tài khóa và tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Giai đoạn 2021-2030, giới chuyên gia nhận định, diễn biến tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới và khu vực trong giai đoạn tới sẽ còn phức tạp, khó lường. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, khả năng kéo dài nhiều năm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, làm thay đổi cấu trúc, trật tự kinh tế và tổ chức xã hội của nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao.

Chính vì vậy, trong giai đoạn này, việc phối hợp tốt chính sách tài khóa và tiền tệ có ý nghĩa, vai trò tiên phong trong việc huy động, giải phóng, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

Định hướng việc điều hành chính sách tài khóa thời gian tới, bà Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, việc điều hành chính sách tài khóa cần mạnh dạn tăng bội chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng bội chi cần phải chú ý khối lượng tiền lưu thông nhiều lên thì phải phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ.

Nêu quan điểm chính sách tài khóa tích cực, ông Hà Huy Tuấn - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, cần phải biến thách thức thành cơ hội, chấp nhận làm quen với trạng thái “bình thường mới” và coi chính sách tài khóa là yếu tố quyết định đến tăng trưởng kinh tế.

Đưa ra giải pháp tài chính trong thời gian tới, vị chuyên gia này cũng cho rằng, giải pháp tài chính cho thời gian tới cần cơ cấu lại ngân sách, cơ cấu lại thu ngân sách (tập trung vào bất động sản, đất đai, kinh tế số, chứng khoán); cơ cấu lại chi ngân sách (chi cho chống dịch, đầu tư công…).

Cùng với giải pháp về điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) kiến nghị, cần đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục và chi phí để tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.