Kỳ họp thứ 5 và 5 điểm nhấn nổi bật
Quốc hội đã bế mạc Kỳ họp thứ Năm sau 23 ngày làm việc. Có thể khẳng định kỳ họp đã kết thúc tốt đẹp với 5 điểm nhấn nổi bật.
Đầu tiên là kỷ lục về số lượng dự thảo luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua và cho ý kiến. Có tới 20 dự thảo Luật và dự thảo Nghị quyết được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội trong kỳ họp này. Trong đó, Quốc hội đã bấm nút thông qua 8 dự thảo luật và 3 dự thảo nghị quyết.
Đây đều là những dự án luật, dự thảo Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của đất nước, phạm vi tác động sâu, rộng. Các dự thảo đã được các đại biểu đóng góp ý kiến sâu sắc, chất lượng cao trong một tầm nhìn xa và dài hạn, đặc biệt là về tính hợp lý, tính khả thi, tác động của các chính sách mới; sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Kỷ lục này chắc chắn sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, tạo động lực mới, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững đất nước.
Thứ hai, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri (gửi đến Kỳ họp thứ Tư). Có thể nhận thấy các đại biểu đã thảo luận hết sức thẳng thắn, chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong công tác này. Đây là căn cứ để tin tưởng rằng, thời gian tới, việc giải quyết kiến nghị của cử tri sẽ được thực hiện tốt hơn, thực chất hơn, qua đó củng cố và nhân lên niềm tin của người dân với người đại diện của mình.
Thứ ba, phiên chất vấn tràn đầy tinh thần 5T - “Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm” như đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Đã có tới 454 lượt đại biểu đăng ký tham gia chất vấn, 112 đại biểu thực hiện quyền chất vấn và 49 lượt đại biểu đã tranh luận để làm rõ hơn vấn đề - đều là những con số kỷ lục. Các đại biểu và các bộ trưởng, trưởng ngành rất nhanh chóng thích nghi với đổi mới trong phương thức tiến hành phiên chất vấn theo hướng hỏi nhanh, đáp gọn. Ai cũng tận dụng từng phút để làm rõ giải pháp và rõ trách nhiệm với từng vấn đề. Diễn biến phiên chất vấn cho thấy hình thức giám sát này có hiệu quả và được các đại biểu rất quan tâm; đồng thời chứng tỏ 4 nhóm vấn đề được lựa chọn để chất vấn (lao động, thương binh và xã hội; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải; dân tộc) là cần thiết, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân.
Thứ tư, phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách không chỉ làm rõ khó khăn, thách thức của nền kinh tế, các đại biểu còn đề xuất nhiều giải pháp giữ vững ổn định vĩ mô, ngăn chặn đà suy giảm tăng trưởng; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hiệu quả và thiết thực hơn. Các vấn đề cấp bách nhưng mới mẻ như thuế tối thiểu toàn cầu, thuế carbon… đều được các đại biểu đề cập và yêu cầu Chính phủ khẩn trương đề xuất chính sách phù hợp. Đặc biệt, nhiều ý kiến đại biểu về bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm - vấn đề rất nóng hiện nay.
Cuối cùng chính là hiệu quả mang lại của một đổi mới mang tính kỹ thuật - chia kỳ họp thành hai đợt cách nhau một tuần. Một tuần Quốc hội nghỉ họp là khoảng thời gian Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan tập trung cao độ hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết để trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp. Nhiều vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau một lần nữa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, cân nhắc kỹ lưỡng nhiều chiều để chọn lựa phương án hợp lý nhất trình Quốc hội xem xét và quyết định trong một dư địa thời gian rộng rãi hơn. Qua đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp của Quốc hội.
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, phiên chất vấn đã kết thúc tốt đẹp theo tinh thần rõ trách nhiệm và rõ giải pháp, nhưng có thành công tốt đẹp hay không phụ thuộc vào kết quả thực hiện các cam kết và lời hứa của Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và nhân dân giám sát Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp.
Cũng vậy, để bảo đảm thành công tốt đẹp của Kỳ họp thứ Năm, ngay sau kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các luật, nghị quyết. Công tác giám sát của Quốc hội cũng phải được chú trọng để tránh tình trạng quyết sách đúng, trúng, kịp thời nhưng triển khai chậm, kém hiệu quả.