Kỷ niệm 67 năm thành lập ngành Tài chính (28/08/1945- 28/08/2012): Vẹn nguyên hào khí của Mùa thu Cách mạng

Bài đăng Tạp chí Tài chính số 8/2012

TCTC Online - Những ngày này, cả nước đang sống trong âm hưởng của Mùa thu Cách mạng - Mùa thu mà toàn thể dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vùng lên chặt đứt xiềng xích, giành lại độc lập, tự do.

“Người Việt Nam ta giữ vững trong tim lời thề/Mười chín tháng Tám/Chớ quên là ngày khởi nghĩa/Hạnh phúc sáng tô, non sông Việt Nam”.

Cứ mỗi lần lời bài hát “Mười chín tháng Tám” của nhạc sỹ Xuân Oanh vang lên, trong lòng mỗi người dân Việt Nam lại trào dâng niềm tự hào linh thiêng, hướng về Mùa thu Cách mạng. Dường như ký ức về Tổ quốc thêm một lần được khắc ghi bằng những tình cảm chân thành nhất, niềm tự hào sâu sắc nhất, thắp sáng chặng đường hướng tới tương lai... 67 năm đã trôi qua kể từ sự kiện chói ngời tháng Tám năm 1945, ngành Tài chính Việt Nam vinh dự, tự hào là một phần của lịch sử vinh quang ấy…

Như nghe đâu đây hào khí long trời lở đất từ chiến khu Tân Trào xuôi về dậy vang phố phường Hà Nội. Như vẹn nguyên cảm xúc lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Bắc Bộ Phủ, chấm dứt sự hiện diện hơn một trăm năm của chủ nghĩa thực dân xâm lược… Như còn đó không khí đặc biệt trong lễ bàn giao của triều đại phong kiến cuối cùng bên thành nội Huế, khép lại đêm trường phong kiến mấy ngàn năm…

67 năm đã qua. Ngày hôm nay nhìn lại, chúng ta càng thêm cảm phục sự tài trí của Đảng ta, chỉ với mấy ngàn đảng viên đã tạo một dấu son chói ngời trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Như một điểm hẹn của thời đại, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự gặp gỡ của khát vọng độc lập được dồn nén, hun đúc, với lý tưởng Cộng sản cao đẹp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, lòng yêu nước của các tầng lớp người Việt Nam đã bùng cháy thành ngọn lửa cách mạng sục sôi, biến cơ hội “ngàn năm có một” thành sự kiện lớn nhất trong lịch sử hiện đại - lật đổ mọi ách thống trị của phát xít, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.

Có thể nói Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đầu tiên trên thế giới do giai cấp công nhân khởi xướng và lãnh đạo. Đây là cuộc cách mạng có ý nghĩa nhất, góp phần tích cực vào phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa, mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, tự do của nhiều dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới trong thời kỳ đó.

Sự thành công của cách mạng tháng Tám là tiền đề của một giai đoạn mới đầy vinh quang cho đất nước, dân tộc với sự khai sinh ra nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chắc chắn mãi mãi sau này, lời vị Cha già Dân tộc trên Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 sẽ là những lời nói thiêng liêng nhất, những giờ khắc đáng nhớ nhất, để mọi thế hệ người Việt mai sau có thể đường hoàng sánh bước cùng bốn bể, năm châu…
Ngày hôm nay nhìn lại, phải khẳng định chính nghĩa và niềm tin lớn lao vào độc lập dân tộc, vào chân lý ngời sáng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã giúp Đảng ta, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, có đủ sức mạnh để bước qua những ngày tháng gian nan nhất, để chiến thắng “Thù trong, giặc ngoài” cùng sự đe dọa của giặc đói, giặc dốt… và hàng vạn khó khăn, thiếu thốn do đất nước nhiều năm liền bị tàn phá bởi thực dân Pháp và phát xít Nhật.

Như rất nhiều ngành tiêu biểu của đất nước, ngày 28/8/1945, ngành Tài chính Việt Nam ra đời và ngay lập tức phải đối mặt với muôn vàn khó khăn của nhà nước công nông non trẻ đầu tiên. Tiếp quản một nền tảng kinh tế kiệt quệ từ đáy của cơ cực, lầm than, nền tài chính cách mạng Việt Nam do Bác Hồ đặt nền móng dựng xây, được sự lãnh đạo của các bậc tiền bối cách mạng như Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Hiến, Hoàng Anh… không ngừng phát triển và ghi những dấu ấn lớn trên mỗi chặng đường đi lên cùng toàn dân, toàn Đảng... Với sự lớn mạnh của chính quyền công nông, ngành Tài chính đã kịp thời trở thành nơi tập hợp sức người, sức của, điều tiết các nguồn lực đất nước, giúp Chính phủ thực hiện thành công hàng loạt mục tiêu lớn, quan trọng trong những năm gian nan, trứng nước.

Có thể khẳng định, hành trình của một ngành non trẻ với những “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Hũ gạo nuôi quân” đến một ngành đóng vai trò then chốt trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam hôm nay là 67 mùa xuân kỳ vĩ nhưng rất đỗi gian lao mà ngành Tài chính đã nỗ lực vượt qua để ghi dấu ấn của thành quả và thắng lợi… Để có sự kiện hàng trăm tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài đến làm ăn tại đất nước chúng ta, hàng trăm tổ chức tài chính quốc tế uy tín trên thế giới đến ký kết hợp tác với Việt Nam hôm nay là cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc tròn 30 năm của nhân dân ta với bao hy sinh, mất mát để đánh thắng hai kẻ thù xâm lược, mà ngành Tài chính với sứ mệnh hậu cần cho tiền tuyến đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ hết sức nặng nề. Hành trình từ thời điểm tiếp quản nhà băng Đông Dương gần như trống rỗng đến lúc trái phiếu Chính phủ Việt Nam được giao dịch trên các thị trường tài chính thế giới, GDP bình quân đầu người Việt Nam đứng vào ngưỡng những nước có thu nhập trung bình là những chặng đường đổi mới, tìm tòi, sáng tạo không ngơi nghỉ, là muôn vàn nỗ lực khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế, xây dựng cơ chế của một nền kinh tế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước, tạo nền móng cho đất nước hội nhập, phát triển…

Ngày hôm nay, khi chứng kiến những khu công nghiệp lớn như Gang thép Thái Nguyên, Đạm Hà Bắc, Supe phốt phát Lâm Thao vẫn đang đóng góp hiệu quả vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hẳn không nhiều người biết những khu công nghiệp đó ra đời vào những năm đầu của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc mà ngành Tài chính đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển. Có chứng kiến ngành Tài chính hôm nay vừa đảm bảo mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, vừa phục vụ tốt mục tiêu an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, chắc không nhiều người nghĩ nhiệm vụ nặng nề nhưng vẻ vang đó đã được Đảng và Bác Hồ trui rèn cho Ngành từ nửa thế kỷ trước, khi vừa đảm bảo phục vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa cho miền Bắc, vừa là mạch máu hậu cần quan trọng cho công cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.

Nhìn lại chặng đường 25 năm đổi mới thành công của Đảng và Nhà nước ta, dễ dàng nhận thấy vai trò then chốt của ngành Tài chính. Không chỉ đi tiên phong trong xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, ngành Tài chính đã góp phần tạo ra hàng loạt thị trường dịch vụ, minh bạch hóa hệ thống quản lý, khơi thông dòng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh bằng các chính sách thuế, phí, thu, chi phù hợp…

Có thể nói, những dấu mốc lớn như Việt Nam gia nhập ASEAN, APEC, WTO, đều có công sức không nhỏ của Ngành bằng các cơ chế, chính sách hội nhập mang tính chất căn bản. Cùng với các “mặt trận” của Ngành, sự ra đời và phát triển các thị trường tài chính trong những năm qua và nỗ lực cải cách không ngừng để thị trường phát triển ổn định, bền vững là điểm sáng lớn của đổi mới, hội nhập. Không bằng lòng dừng lại, ngành Tài chính đang có những bước tiến mới, vững chắc mà điển hình là công tác hiện đại hóa ngành Thuế, xây dựng và phát triển hải quan điện tử, tạo điều kiện tốt nhất cho thu hút đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân... Với mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh và hiệu quả, ngành Kho bạc đang hoàn thiện Dự án TAMBIS để hướng tới chương trình Tổng kế toán nhà nước sẽ đi vào vận hành trong tương lai gần. Hàng loạt chương trình hành động lớn đang được Ngành triển khai đồng bộ và hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước, không chỉ gói gọn trong lĩnh vực tài chính - ngân sách.

Kỷ niệm 67 năm thành lập này với ngành Tài chính thật đặc biệt, khi lĩnh vực tài chính đang được Đảng và Nhà nước giao cho những trọng trách lớn, đóng góp vào công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế mà năm 2012 là cột mốc bản lề để thực hiện mục tiêu đưa đất nước phát triển ổn định, bền vững như Nghị quyết Đại hội Đảng thứ XI đã vạch ra. Bằng tinh thần của Mùa thu Cách mạng, ngành Tài chính tiếp tục đi đầu trong xây dựng các đề án căn bản, điển hình cho tái cơ cấu nền kinh tế… Nhanh nhạy và kịp thời, các cơ chế chính sách tài chính là điểm sáng tiêu biểu trong tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, là điểm tựa cho an sinh xã hội, cùng cả nước vượt qua bối cảnh khó khăn của năm 2012.

Những ngày này, toàn ngành Tài chính vừa chào đón một sự kiện thực sự ý nghĩa: Công trình nâng cấp xây dựng Khu hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 đã hoàn thành giai đoạn I. Đây là công trình được xây dựng từ sự đóng góp tự nguyện của hơn 8 vạn cán bộ, công chức trong Ngành tri ân các Anh hùng Liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chính lòng thành kính và biết ơn các thế hệ đi trước đã góp phần nhân lên niềm tin, khát vọng trong mỗi cán bộ, công chức Tài chính với mong muốn cống hiến nhiều hơn, hiệu quả và ý nghĩa hơn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tin tưởng rằng sứ mệnh mà toàn Đảng, toàn dân giao cho ngành Tài chính sẽ được mỗi cán bộ, công chức thực hiện trong hào khí Mùa thu Cách mạng, đủ sức đạp bằng mọi khó khăn, trở ngại, đóng góp tích cực vào công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế đất nước, xây dựng Tổ quốc Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” như mong ước lúc sinh thời của vị Cha già Dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.