Kỳ vọng chuyển dịch cơ cấu cung ứng vốn của nền kinh tế
Cơ cấu cung ứng vốn của nền kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo được kỳ vọng chuyển dịch theo hướng tích cực hơn khi giảm dần tỷ trọng của kênh tín dụng, tăng tỷ trọng qua kênh thị trường vốn và đầu tư tư nhân.
Đó là ý kiến của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo "Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024", do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và BIDV đồng tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội.
Báo cáo là sản phẩm phối hợp của ba cơ quan nhằm đánh giá toàn cảnh về thị trường tài chính Việt Nam, bao hàm đầy đủ các lĩnh vực Ngân hàng - Chứng khoán - Bảo hiểm và Quỹ đầu tư.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế đánh giá, tiềm lực tài chính của Việt Nam vẫn phải dựa vào tín dụng ngân hàng. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã giao tỷ lệ tăng trưởng tín dụng lên 14 - 15% ngay từ đầu năm. Theo ông Nghĩa, đây là một tỷ lệ khá cao.
Tuy nhiên, có khá nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn. Khu vực có nhu cầu vay vốn lớn nhất là các dự án bất động sản, hiện có hàng ngàn dự án bất động sản ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây là một nơi thu hút vốn rất lớn, nhưng nếu không giải quyết được thủ tục pháp lý thì khó có thể thuyết phục được ngân hàng để giải ngân vốn.
"Trong khi đó, nhu cầu nhà ở đang rất thiếu và khả năng phục hồi lại thị trường bất động sản là có nhiều cơ may hơn các thị trường khác", TS. Lê Xuân Nghĩa nêu.
TS. Lê Xuân Nghĩa lưu ý, hiện nguồn vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng của ngành ngân hàng.
"Kể cả là nhà ở chính sách xã hội, nhà ở giá rẻ, rồi phục hồi bất động sản, phục hồi sản xuất kinh doanh… đều trông cậy khá nhiều vào ngân hàng. Cho nên tôi nghĩ rằng, cần phải có thêm một sự hỗ trợ khác nữa, có thể là nguồn vốn ngân sách", TS. Lê Xuân Nghĩa góp ý.
Theo Nhóm nghiên cứu, Chính sách tiền tệ năm 2024 được dự báo theo hướng chủ động, linh hoạt, lãi suất duy trì ở mức thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Tỷ giá mặc dù còn chịu áp lực lớn trước khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) quyết định giảm lãi suất nhưng sẽ hạ nhiệt dần từ cuối quý 2/2024, với mức tăng khoảng 2,5-3% trong năm 2024.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: Cơ cấu cung ứng vốn của nền kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo được kỳ vọng chuyển dịch theo hướng tích cực hơn khi giảm dần tỷ trọng của kênh tín dụng, tăng tỷ trọng qua kênh thị trường vốn và đầu tư tư nhân.
Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận của các định chế tài chính năm 2024 được dự báo sẽ ở mức cao hơn năm 2023 và thanh khoản thị trường chứng khoán cũng được kỳ vọng có sự cải thiện tích cực.
Đồng thời, khung pháp lý cho thị trường tài chính tiếp tục được hoàn thiện với thay đổi đáng quan tâm nhất là Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 với nhiều điểm mới quan trọng.
Đặc biệt, pháp lý cho thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục được hoàn thiện theo hướng thúc đẩy thị trường hoạt động an toàn, bền vững.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng: Năm 2024, kinh tế thế giới dự báo đi ngang hoặc tăng trưởng chậm lại (2,4% so với mức tăng 2,6% năm 2023) dù thương mại và đầu tư dần phục hồi, lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm (3,5-4% từ mức 5,7% năm 2023).
Đối với Việt Nam, Nhóm nghiên cứu dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6% - 6,5% (kịch bản cơ sở) với các động lực tăng trưởng phục hồi tốt hơn năm 2023, lạm phát tăng khoảng 3,4% - 3,8%, trong mục tiêu là 4% - 4,5%.
Cùng với khu vực kinh tế thực, khu vực tài chính của Việt Nam năm 2024 được dự báo sẽ tích cực hơn.
Chính sách tiền tệ được dự báo theo hướng chủ động, linh hoạt, lãi suất duy trì ở mức thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Tỷ giá mặc dù còn chịu áp lực lớn trước khi Fed quyết định giảm lãi suất nhưng sẽ hạ nhiệt dần từ cuối quý II/2024, với mức tăng khoảng 2,5% - 3% trong năm 2024.
Cơ cấu cung ứng vốn của nền kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo được kỳ vọng chuyển dịch theo hướng tích cực hơn khi giảm dần tỷ trọng của kênh tín dụng, tăng tỷ trọng qua kênh thị trường vốn và đầu tư tư nhân.
Thanh khoản thị trường được kỳ vọng có sự cải thiện tích cực. Tăng trưởng lợi nhuận của các định chế tài chính năm 2024 được dự báo sẽ ở mức cao hơn năm 2023.
Khung pháp lý cho thị trường tài chính tiếp tục được hoàn thiện với thay đổi đáng quan tâm nhất là Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và các luật quan trọng khác (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,…) có hiệu lực từ đầu năm 2025, với nhiều điểm mới quan trọng.
Bên cạnh đó, pháp lý cho thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục được hoàn thiện theo hướng thúc đẩy thị trường hoạt động an toàn, bền vững, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025...
Mặc dù vậy, thị trường tài chính trong năm 2024 vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như: nợ xấu còn gia tăng trong nửa đầu năm nhưng sẽ giảm dần cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu nhưng tín dụng đang phục hồi và cả năm có thể tăng 14 - 15%, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản phục hồi chậm và cần thời gian để chuyển biến rõ nét hơn.
Việc tăng vốn điều lệ của các định chế tài chính vẫn là thách thức khi chính sách quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa có đột phá.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số và xu hướng tăng trưởng xanh, tài chính xanh đòi hỏi nguồn lực đầu tư, phát triển thể chế và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Rủi ro công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin, dữ liệu có xu hướng gia tăng…
Để ổn định và phát triển thị trường tài chính trong ngắn hạn của năm 2024 và trong dài hạn, Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số kiến nghị.
Thứ nhất, phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn, trong đó cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm bớt áp lực nguồn vốn trung - dài hạn cho hệ thống ngân hàng, hiện thực hóa việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ "cận biên" lên "mới nổi" theo đúng kế hoạch đề ra.
Thứ hai, đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế quản lý - giám sát thị trường tài chính để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại cũng như tận dụng xu hướng mới, cơ hội mới trong tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, tài chính xanh và chuyển đổi số.
Thứ ba, gia tăng nguồn lực cho các tổ chức tín dụng thông qua cho phép các tổ chức tín dụng có sở hữu Nhà nước được giữ lại cổ tức Nhà nước hàng năm để tăng vốn.
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém, và đẩy nhanh tháo gỡ pháp lý cho thị trường đất đai, bất động sản nhằm giải phóng nguồn lực, hỗ trợ xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa hệ thống.
Thứ năm, sớm có hướng dẫn triển khai Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi, phát triển tài chính xanh, cũng như các đạo luật quan trọng đã được ban hành.
Thứ sáu, nâng cao nhận thức và năng lực quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro công nghệ thông tin, an ninh mạng của các định chế tài chính; bình ổn thị trường vàng theo kế hoạch, giải pháp đã đề ra.
Liên quan đến quản lý Fintech tại Việt Nam, Nhóm Nghiên cứu kiến nghị, cần sớm hoàn thiện Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và tiến tới mở rộng sang các lĩnh vực tài chính khác như chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ.
Thúc đẩy hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo; cân nhắc thành lập Hiệp hội Fintech tại Việt Nam; tiếp tục nâng cấp hạ tầng số, hạ tầng tài chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia cùng với năng lực quản lý rủi ro CNTT, an toàn thông tin, dữ liệu.
Đồng thời, tăng cường đầu tư cho giáo dục tài chính nhằm nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân, nhà đầu tư; quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong cả mảng tài chính, công nghệ số và an ninh mạng…