Kỳ vọng gì ở chứng khoán quý III?
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần qua có phiên giảm hơn 16 điểm, khép lại tháng 6 giảm 10 điểm, đóng cửa tại gần 950 điểm. Liệu quý III thị trường có hồi phục trở lại?
Nhiều yếu tố hỗ trợ
Sáu tháng qua, kinh tế phát triển ổn định, với GDP ước tính tăng 6,76%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,64% so với cùng kỳ 2018, là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong ba năm gần đây, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt hơn 7,4 tỷ USD, vốn giải ngân đạt 9,1 tỷ USD, vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,12 tỷ USD, tăng 98% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 6, khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 640 tỷ đồng trên hai sàn chứng khoán. Động thái này có thể tiếp nối trong quý III, khi mới đây MSCI đã nâng bậc xếp hạng của thị trường Kuwait lên mới nổi, theo đó tỷ trọng của Kuwait trong rổ thị trường cận biên sẽ trở về mức 0% và nhờ đó, tỷ trọng của Việt Nam trong danh mục sẽ tăng từ mức 15% hiện nay lên 30%, có thể giúp thu hút thêm hàng trăm triệu USD.
Đáng lưu ý là với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết vào cuối tháng 6 giúp tạo hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam, qua đó gián tiếp tác động tới thị trường chứng khoán thông qua nhóm các cổ phiếu được hưởng lợi từ EVFTA, như dệt may, thủy sản, đồ gỗ, cảng biển... Cùng với Hiệp định CPTPP, EVFTA được trông chờ sẽ châm ngòi cho dòng vốn đổ vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh.
Có nên quá kỳ vọng?
Dù vậy, giới đầu tư cũng không nên quá kỳ vọng vào khả năng bứt phá mạnh của thị trường, khi những rủi ro cốt lõi vẫn chưa được xóa bỏ. Hiện tại, rất nhiều người đang mong chờ cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng định G20 tại Nhật Bản sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại được nối lại, giúp xoa dịu nỗi lo ngại và áp lực đang đè nặng lên các thị trường tài chính.
Nhưng dù cho đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại và Mỹ hoãn áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thì với tính cách khó lường của ông Trump cộng với chiến thuật “câu giờ” của Bắc Kinh, căng thẳng thương mại giữa hai nước có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào. Đó là chưa kể rủi ro chính quyền Trump có thể tiếp tục áp thuế lên hàng hóa các quốc gia khác mà được cho là đang gây ra tình trạng mất cân bằng thương mại với Mỹ, cũng như để hạn chế tình trạng hàng hóa Trung Quốc giả xuất xứ thương mại và tìm đường vào Mỹ từ một quốc gia thứ ba.
Về thị trường trong nước, quý III thường giao dịch khá chậm với thanh khoản thấp, đặc biệt là thời điểm tháng 7 âm lịch do nhiều nhà đầu tư tạm thoát khỏi thị trường và chờ đợi xu hướng rõ ràng hơn. Thực tế cho thấy trong những phiên phục hồi tích cực của tháng 6, khối lượng giao dịch cũng không có sự khởi sắc mấy cho thấy dòng tiền lớn tiếp tục đứng ngoài.
Ở các kênh tài sản khác, thị trường vàng liên tiếp tăng trong những tuần gần đây không chỉ hút bớt dòng tiền từ thị trường chứng khoán, mà còn có thể ảnh hưởng lên dòng tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng. Xu hướng này nếu tiếp tục diễn ra thì sẽ gây áp lực lên mặt bằng lãi suất, yếu tố luôn không tốt cho các kênh đầu tư như chứng khoán. Đặc biệt là khi tăng trưởng huy động vốn trong 6 tháng qua, nay chỉ đạt 6,09%, vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng tín dụng là 6,22%.
Hiện tại, giới chuyên gia đang dự báo thị trường trong tháng 7 có thể khởi sắc hơn nhờ chất xúc tác quan trọng là EVFTA, tuy nhiên về tổng thể quý III sẽ vẫn khó bứt phá mạnh khi nhà đầu tư tiếp tục thận trọng và rất nhạy cảm với tình hình hiện nay. Thực tế là trong thời gian qua, dù chứng khoán thế giới có nhiều phiên tăng mạnh thì chứng khoán Việt Nam vẫn nhuộm sắc đỏ hoặc nếu có tăng cũng chỉ ở mức rất khiêm tốn.
Dự báo thị trường trong tháng 7/2019 có thể khởi sắc hơn nhờ chất xúc tác quan trọng là EVFTA, tuy nhiên về tổng thể quý III sẽ vẫn khó bứt phá mạnh khi nhà đầu tư tiếp tục thận trọng và rất nhạy cảm với tình hình hiện nay. Thực tế là trong thời gian qua, dù chứng khoán thế giới có nhiều phiên tăng mạnh thì chứng khoán Việt Nam vẫn nhuộm sắc đỏ hoặc nếu có tăng cũng chỉ ở mức rất khiêm tốn.