Kỳ vọng gì ở mạng di động thứ 6?


Cuối tháng 4 vừa qua, Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom đã cho ra mắt “mạng di động ảo” đầu tiên tại Việt Nam, sử dụng đầu số 087. Đây là mạng di động thứ 6 tại Việt Nam ra đời (sau MobiFone, VinaPhone, Viettel, Vietnamobile, Gtel), góp phần tạo sự cạnh tranh khốc liệt cho thị trường viễn thông.

Đông Dương Telecom ngày ra mắt
Đông Dương Telecom ngày ra mắt

10 năm cho “mạng ảo” 

Ngày 19-8-2009, Bộ Thông tin - Truyền thông chính thức trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động ảo cho Công ty Đông Dương Telecom. Thời điểm đó, Đông Dương Telecom dự kiến sử dụng hạ tầng của Viettel để cung cấp dịch vụ di động cho khách hàng theo mô hình mạng di động ảo MVNO (Mobile Virtual Network Operator) đầu tiên của Việt Nam.

Đông Dương Telecom không được cấp tần số mà được chia sẻ hạ tầng vô tuyến 3G với Viettel và được roaming với các mạng GSM (2G và 2,5G) khác. Đây là mô hình mạng di động dùng chung tài nguyên tần số đầu tiên được phép triển khai tại Việt Nam, theo hình thức bán lại dịch vụ. Tuy nhiên việc đàm phán với Viettel không đi đến kết quả cuối cùng và câu chuyện “mạng di động ảo” của Đông Dương Telecom treo từ đó đến nay.

Sau gần 10 năm và với việc đã có nhà đầu tư mới (Tập đoàn Bitexco), Đông Dương Telecom đã đàm phán và ký được thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn VNPT, sử dụng cơ sở hạ tầng của mạng di động VinaPhone với đầu số di động 087 để triển khai dịch vụ MVNO.

Theo đó, các sản phẩm dịch vụ di động của Đông Dương Telecom được xây dựng, thiết kế chuyên biệt, phù hợp cho từng nhóm đối tượng khác nhau. Trước mắt, Đông Dương Telecom giới thiệu sản phẩm, dịch vụ dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp ở 9 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TPHCM, Long An và Đồng Nai.

Tiếp theo, Đông Dương Telecom sẽ kết nối với tất cả các mạng có phần dung lượng dư để tạo ra dịch vụ tiện lợi. Bên cạnh đó, sẽ có đa dạng gói cước cung cấp cho những nhóm và phân khúc người dùng khác nhau như những người có thu nhập thấp, sinh viên, công nhân... Nhân dịp ra mắt vào ngày 25-4 vừa qua, Đông Dương Telecom đã thiết kế gói cước MAY dành riêng cho đối tượng công nhân, người lao động. 

Tạo dịch vụ tiện lợi

Theo ông Lưu Anh Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom, mạng di động ảo sẽ mang lại nhiều yếu tố tích cực trong phát triển của nhà khai thác di động có hạ tầng như VinaPhone. Mạng di động ảo có thể đem đến những mạng lưới phân phối bán lẻ và các kênh bán hàng trực tuyến có khả năng thúc đẩy khách hàng qua những phương thức kinh doanh khác nhau. Khi các mạng di động ảo đưa ra những dịch vụ di động giá trị gia tăng, các đối tác cũng được hưởng lợi từ chia sẻ nguồn tài nguyên này. 

Đông Dương Telecom và VNPT đều thấy lợi ích của mình khi triển khai mạng di động ảo và việc hợp tác này phù hợp với chiến lược kinh doanh của mỗi bên.

“Đông Dương Telecom sẽ kết nối với tất cả các mạng có phần dung lượng dư để tạo ra dịch vụ tiện lợi, kết nối tốt nhất nhưng giá cả, chi phí hợp lý, cung cấp chất lượng tốt. Đông Dương Telecom sẵn sàng hợp tác với tất cả các nhà mạng có hạ tầng, các đối tác công nghệ khác để có thể mang lại cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ mới nhất và tốt nhất”, ông Lưu Anh Sơn nói.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho rằng việc Đông Dương Telecom chính thức cung cấp dịch vụ MVNO đánh dấu bước quan trọng trong thị trường mua sỉ lưu lượng và bán lẻ cho người sử dụng. Việc hợp tác Đông Dương Telecom và VNPT sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường di động, đồng thời khách hàng được sử dụng những dịch vụ mới, gói cước phù hợp với nhu cầu của mình.

Mặc dù nhiều kỳ vọng như vậy, nhưng các chuyên gia vẫn đặt dấu chấm hỏi cho sự thành công đối với “mạng ảo” của Đông Dương Telecom. Bởi thị trường viễn thông di động Việt Nam hiện gần như đã bão hòa và có sự cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là giữa 3 mạng lớn Viettel, VinaPhone và MobiFone, hiện đang chiếm hơn 90% thị phần.

Thị trường viễn thông di động Việt Nam đã chứng kiến sự “ra đi” của mạng SFone (do SK Telecom của Hàn Quốc đầu tư), Beeline (do Beeline của Nga đầu tư), EVN Telecom (của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư). Dù bị thua lỗ đến giải thể, hay bị sáp nhập, mua bán thì đây đều là những mạng có hạ tầng, được cấp tần số kinh doanh và khi ra đời đều được kỳ vọng rất nhiều.

Đến nay, Vietnamobile (xuất phát từ HT Mobile do Hutchison Telecom Hongkong đầu tư) mặc dù đã phủ sóng khắp các trung tâm của các nước và triển khai dịch vụ 4G, nhưng thuê bao vẫn phát triển èo uột, nếu không nói là “không phát triển được”. Gtel (gốc từ mạng Beeline, hiện do Bộ Công an quản lý) thì gần như đang “cầm hơi”, mấy năm qua không có báo cáo về số lượng thuê bao và doanh thu.