Kỳ vọng gia tăng hút vốn ngoại vào M&A

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Năm 2020, dòng vốn từ Nhật Bản, Hàn Quốc được dự báo sẽ dẫn đầu các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) tại Việt Nam trong bối cảnh các doanh nghiệp trẻ, năng động ở trong nước đang có xu hướng hợp tác với những nhà đầu tư ngoại có tiềm lực.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), nhận định hoạt động M&A ở Việt Nam tiếp tục sẽ là xu hướng tất yếu không thể nào đảo ngược được. Tổng kết về M&A trong một thập kỷ trở lại đây cho thấy tổng lượng vốn hoá cho M&A tại Việt Nam đã vào khoảng 50 tỷ USD.

Xu thế vốn Nhật, Hàn

Đặc biệt là từ việc hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cộng một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam tham gia đã tạo nhiều cơ hội thúc đẩy gia tăng thêm hoạt động M&A từ dòng vốn ngoại.

Chia sẻ tại buổi họp báo ở TP. Hồ Chí Minh ngày 16/1 về kết nối đầu tư tư nhân và nước ngoài vào dự án khu công nghiệp, kho bãi, trung tâm thương mại, bất động sản du lịch…, ông Thắng cho rằng việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động M&A, liên kết với đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài và cả M&A trong nước với nhau sẽ có nhiều điều kiện phát triển trong thời gian tới.

Câu hỏi đặt ra là những nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài nào sẽ quan tâm đến hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2020? Theo nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, mọi thứ đều đang chờ đợi, nhưng với cá nhân ông thì thấy rằng xu thế sẽ đến từ các NĐT từ Hàn Quốc, Nhật Bản.

“Nếu không nói các hiện tượng đột phá từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung của năm 2019 như đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông đột biến tăng lên, nhưng xếp hạng về dòng vốn ngoại vào Việt Nam thì đến nay đứng đầu vẫn là Hàn Quốc và Nhật Bản”, ông Thắng nói.

Tuy nhiên, cần lưu ý là các NĐT lớn ở nước ngoài thông thường có các quỹ đầu tư. Đơn cử như quỹ đầu tư quốc doanh GIC dẫn đầu các NĐT đến từ Singapore với một loạt thương vụ có quy mô hàng trăm triệu USD vào các đơn vị IPO (phát hành cổ phần lần ra công chúng) của PAN Group, FPT, Vietombank, Vinhomes, Vietjet Air. Quỹ đầu tư này đang nắm giữ 5% cổ phần của Masan Group, 5% của Vietjet, 0,7% của Vinamilk và 3,5% tại FPT.

Ngoài ra, có thể kể đến những phi vụ M&A đình đám có liên quan đến bất động sản, như Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã chi 1 tỷ USD để mua lại cổ phần của Vingroup – một doanh nghiệp (DN) gắn nhiều với bất động sản. Hay như Nomura Real Estate Development đến từ Nhật Bản đã mua lại Sun Wah Tower (ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh); Idochina Capital (ICC) đã mua lại quyền phát triển dự án chuỗi khách sạn Wínk…

Đứng ở góc độ tổng giám đốc một DN ở TP. Hồ Chí Minh đang dành sự quan tâm lớn đến hoạt động M&A với dòng vốn ngoại, bà Lưu Thị Thanh Mẫu cho rằng trong xu hướng M&A, các DN trẻ, năng động sẽ đi theo xu hướng hợp tác với những DN có tiềm lực ở nước ngoài.

Nhiều NĐT ngoại dành nhiều quan tâm đến M&A với các DN Việt
Nhiều NĐT ngoại dành nhiều quan tâm đến M&A với các DN Việt
 

Tích cực từ đa chiều

“Xu hướng tất yếu này cũng đã được những con số chứng minh. Như Năm 2019 với khoảng 38 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có khoảng 6 tỷ USD là trong hoạt động M&A”, bà Mẫu cho biết.

Những con số này chứng minh rằng phương thức M&A giúp ích cho các NĐT đến với nhau. Thực tế như công ty của bà Mẫu đã liên doanh với Tập đoàn Mitshubishi Corporation (Nhật Bản) từ cách đây 3 năm và đã tham gia xúc tiến đầu tư với 10 tập đoàn lớn ở Nhật Bản.

Qua quá trình tiếp xúc với các đối tác ngoại, theo bà Mẫu, các DN Nhật Bản và những NĐT ở các quốc gia khác đã có sự chủ động tích cực trong việc tham gia vào thị trường vốn Việt Nam.

Đơn cử như Tập đoàn J Trust của Nhật đã thành lập những đội nhóm để đi xúc tiến đầu tư và họ gom lại khoảng 30 – 50 DN để hoàn thành các giai đoạn đầu tư.

Thời gian qua, tập đoàn này đã dành thời gian tìm hiểu và muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng tái cơ cấu tại Việt Nam, trong đó muốn mua lại Ngân hàng Xây dựng (CBBank).

Hay như hồi tháng 11/2019, Ngân hàng KEB Hana Bank (Hàn Quốc) đã chi 20.208 tỷ đồng mua lại 15% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) để trở thành cổ đông lớn thứ hai tại BIDV. Đây được xem là thương vụ M&A vào ngành tài chính ngân hàng đáng chú ý nhất trong năm 2019 với một trong 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam.

Vì vậy, các chuyên gia dự báo các NĐT Hàn Quốc, Nhật Bản có thể đứng đầu trong việc gia tăng làn sóng đầu tư vào tài chính đối với các DN ở Việt Nam cho thời gian tới.

Theo giới chuyên gia, sau giai đoạn thời kỳ mở cửa với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hiện nay Việt Nam đang tiếp nhận nhiều tín hiệu tích cực trong việc thu hút vốn đầu tư ngoại thông qua hoạt động M&A. Đây chính là xu hướng, là sự mở ra một cách tích cực từ đa chiều.

Và không chỉ là M&A giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài, mà còn là giữa các DN Việt với nhau, thậm chí các DN nước ngoài mời gọi các DN Việt tham gia M&A ở các quốc gia khác muốn chia sẻ nguồn lực với DN Việt.