Giá trị mua bán sáp nhập năm nay có thể đạt 7,6 tỷ USD

Theo Viễn Thông/Vnexpress.net

Các chuyên gia tại M&A Vietnam Forum 2019 nhận định ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống, bán lẻ và bất động sản vẫn là động lực thúc đẩy thị trường M&A.

Ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống, bán lẻ và bất động sản vẫn là động lực thúc đẩy thị trường M&A. Nguồn: Internet.
Ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống, bán lẻ và bất động sản vẫn là động lực thúc đẩy thị trường M&A. Nguồn: Internet.

Số liệu cập nhật tại M&A Vietnam Forum 2019 cho biết, tổng giá trị các thương vụ M&A 7 tháng đầu năm đạt 5,43 tỷ USD và dự báo năm nay có thể đạt gần 7,6 tỷ USD.

Trước đó, trong khảo sát đánh giá về triển vọng thị trường mua bán sáp nhập 2019 do MAF (Nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam) và CMAC (Trung tâm nghiên cứu Đầu tư và Mua bán sáp nhập), các nhà đầu tư và nghiên cứu đưa ra các dự báo khác nhau về thị trường M&A năm nay.

Cụ thể, 52% dự đoán giá trị thị trường ở mức 7 - 7,5 tỷ USD, 16% lạc quan hơn với mức 7,5 - 8,5 tỷ USD. Trong khi đó, 23% thận trọng ở mức 5 - 7 tỷ USD.

Giá trị mua bán sáp nhập năm nay có thể đạt 7,6 tỷ USD - Ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, đang có nhiều yếu tố khả quan giúp M&A thành kênh thu hút đầu tư quan trọng. Các chỉ số về tăng trưởng GDP, lạm phát, thu hút FDI, số doanh nghiệp thành lập mới đều ổn định và tích cực. Cùng với đó, các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, cũng tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn nước ngoài.

Nhóm nghiên cứu MAF và CMAC dự báo, trong năm 2019 và tiếp theo, các thương vụ M&A sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực như viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục... cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể.

"Chúng tôi nhìn Việt Nam là một nền kinh tế đang tăng trưởng, với 100 triệu dân và cách họ tiêu dùng. Chúng tôi quan tâm tất cả lĩnh vực ích lợi cho người dân hoặc đóng góp cho kinh tế vĩ mô, cải thiện được thị trường này", ông Andy Hồ - Giám đốc đầu tư VinaCapital nói.

Ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống và bán lẻ dẫn đầu về sức hấp dẫn nhờ vào quy mô thị trường lớn, dân số trẻ. Những doanh nghiệp có tiếng như Habeco, Vinamilk vẫn còn chỗ trống cho nhà đầu tư nước ngoài và sẽ là mục tiêu hấp dẫn của các tập đoàn từ châu Âu, Mỹ và Thái Lan.

Trong khi đó, bất động sản đang thu hút cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đang trong cuộc đua tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt nhất với kỳ vọng về dòng tiền sinh lời ổn định và lãi suất cao.

"Đất nước này đạt được tăng trưởng GDP tốt và quản lý vĩ mô khá tốt nên nhờ đó mà giá trị đất đai cũng tăng lên. Các dự án chúng tôi đầu tư từ khi mới bắt đầu phát triển đến nay đều tăng giá trị ở mức hai con số", ông Dennis Ng Teck Yow - Phó tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam nói.

Ông Richard Leech - Giám đốc cấp cao Alpha King nói rằng công ty đã nhìn thấy cơ hội và tầng lớp trung lưu phát triển nên quyết định tập trung vào bất động sản cao cấp ở quận 1, TP HCM. "Chúng tôi nhìn vào nhóm khách hàng có ảnh hưởng, phân khúc cấp cao. Đến nay, mọi chuyện vẫn tốt đẹp và công ty sẽ tiếp tục phân khúc đó", ông nói.

Ngoài ra, một số chuyên gia còn dành sự lạc quan cho M&A lĩnh vực tài chính ngân hàng. Mới tháng trước, KEB HANA Bank đã chi 885 triệu USD mua 15% cổ phần BIDV. Theo ông Nguyễn Phi Lân - Cục trưởng Cục giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), M&A ngành ngân hàng sẽ sôi động trong thời gian tới nhờ vào chính sách dành cho nhà đầu tư nước ngoài vào ngành này đã tương đối mở.

"Khối ngân hàng về dài hạn sẽ rất được quan tâm. Về ngắn hạn, với kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng và xoá nợ xấu, tôi hy vọng năm nay và năm sau sẽ có những thương vụ lớn liên quan đến việc tái cơ cấu", ông Lê Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Vietcombank nói thêm.

Các chuyên gia tại phiên thảo luận về các cơ hội bứt phá cho M&A tại Việt Nam. Ảnh: Viễn Thông
Các chuyên gia tại phiên thảo luận về các cơ hội bứt phá cho M&A tại Việt Nam. Ảnh: Viễn Thông

Trong khi giai đoạn 2014 - 2017, quy mô thị trường M&A Việt Nam vào khoảng 5 tỷ USD. Giai đoạn 2017-2019, con số đó là khoảng 7 tỷ USD. Năm 2018, hầu hết quốc gia Đông Nam Á đều sụt giảm về giá trị M&A và Việt Nam đứng thứ hai về giá trị, chỉ sau Thái Lan. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để thị trường lên một tầm cao mới thì vẫn cần chờ đợi những thương vụ lớn cũng như động thái mạnh mẽ hơn của chính phủ.

Theo khảo sát của nhóm MAF và CMAC, các trở ngại lớn nhất cho hoạt động M&A hiện là tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà nước đang quá lớn (85% đồng ý); báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch (80%); định giá quá cao (76%) và thời gian thực hiện thương vụ quá dài (75%).

Còn theo nhiều chuyên gia, đất đai chính là nguyên nhân hàng đầu gây 'vướng' cho các thương vụ M&A. Nó là nguồn cơn của việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm đi và dòng vốn ngoại chảy vào ngành bất động sản còn e dè.

Ông Lê Song Lai - Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, kết quả thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp của công ty hai năm qua đang chậm lại dù số tiền thu được vẫn đạt yêu cầu. Sáu tháng đầu năm 2019, SCIC mới thoái vốn được 4 doanh nghiệp trong khi mục tiêu năm nay là 108.

"Vướng nhất vẫn là đất đai. Ngay từ khi xác định giá trị doanh nghiệp, nhiều khu đất có giấy tờ không hoàn chỉnh. Nhiều khu hợp đồng cho thuê hết hạn nhưng địa phương vẫn cho thuê song có thể bị thu hồi bất kỳ lúc nào", ông Lai ví dụ và nói quy định về phương thức thoái vốn nhà nước cần sửa đổi bổ sung.

"Hiện thời, thách đố là có quá nhiều vụ điều tra về đất đai đang diễn ra dài và chưa kết thúc. Việc đó là tốt, nhằm dọn sạch thị trường nhưng cần có thời điểm kết thúc bởi nếu không thì các nhà phát triển bất động sản và nhà thầu sẽ gặp khó khăn về tài chính", ông Richard Leech bình luận.

Về mặt quản lý, để cải thiện môi trường thu hút vốn qua M&A, một số giải pháp cũng đã được đề ra. Ông Phạm Hồng Sơn - Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước nói cơ quan này sẽ trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi vào tháng 10/2019. Trong đó, đáng chú ý là việc sau khi IPO thì buộc các doanh nghiệp phải niêm yết nhằm tránh tình trạng IPO xong mà mấy năm sau chưa niêm yết dẫn đến không minh bạch.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang chủ trì xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, Luật doanh nghiệp sửa đổi, Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (TPP)....Ngoài ra, sắp tới Bộ Chính trị sẽ lần đầu tiên ban hành một Nghị quyết riêng về hợp tác đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới.