Kỳ vọng kinh tế năm 2015
(Tài chính) Năm 2015, nền kinh tế Việt Nam sẽ có một “xung lực” mới khi mà Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến thành lập vào năm 2015. Đáng chú ý, thị trường bất động sản sau một thời gian dài “ngủ đông” sẽ có những bứt phá đi lên.
Các chỉ tiêu không có chuyển biến lớn
Bước sang năm 2015 dự báo xu hướng hồi phục và tăng trưởng trở lại của kinh tế thế giới ngày càng rõ nét. Cùng với đó xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế mạnh mẽ và đi vào chiều sâu. Bên cạnh xu hướng hợp tác, hòa bình và hữu nghị, bối cảnh khu vực và thế giới trong năm 2015 tiếp tục tiềm ẩn nhiều xung đột… Đây được xem là những cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015. Tuy nhiên bên cạnh cơ hội thì nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ chịu không ít thách thức từ những biến động kinh tế thế giới như: Cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ các nền kinh tế mới nổi như Lào, Myanmar là thách thức trong việc tạo ra đột phá về thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam trong một vài năm tới.
Khảo sát tại 1609 doanh nghiệp FDI trong dự án Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 cho thấy, Lào, Philippines, Myanmar đang ngày càng dành được sự quan tâm của các doanh nghiệp FDI. Đánh giá chung của các doanh nghiệp FDI, môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn về chi phí không chính thức, gánh nặng thủ tục hành chính, quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ hành chính công (giáo dục, y tế) và chất lượng của cơ sở hạ tầng.
Mặc dù vậy, Việt Nam cũng có được những ưu thế từ việc kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Trong năm 2015, dự kiến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô sẽ không có chuyển biến lớn. Các chỉ tiêu về tăng trưởng, lạm phát, đầu tư công, ODA, bội chi ngân sách không có đột biến. Tăng trưởng kinh tế năm 2015 ước đạt 6,13%, tiếp tục đà hồi phục so với giai đoạn trước đó. 2015, Việt Nam tiếp tục xuất siêu khoảng 2,53 tỷ USD. Đặc biệt trong năm 2015 dự kiến Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu trong lĩnh vực thương mại với các quốc gia thành viên. Đặc biệt thị trường bất động sản trong năm 2015 sẽ có chiều hướng đi lên ấm trở lại sau một thời gian “ ngủ đông”.
Tạo đồng thuận trong điều hành nền kinh tế
Để có được kết quả trên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, về giải pháp ngắn hạn thì cần phải giải quyết hàng tồn kho và hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào 3 trọng tâm của quá trình tái cơ cấu. Tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản; thực hiện các cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, nộp thuế, thành lập doanh nghiệp và các thủ tục hành chính khác.
Về giải pháp trung và dài hạn thì cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó tập trung vào cải cách hành chính, tạo lập khung pháp lý phát triển đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tái cơ cấu cần phải tập trung vào 3 trọng tâm: Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại...
Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2014 đã cho thấy những chuyển biến tích cực trên nhiều bình diện. Tuy nhiên, để có thể duy trì các thành tựu đã đạt được, cần thống nhất trong điều hành và thực hành chính sách đối với nền kinh tế. Thực hiện triệt để các quyết sách đã có, đồng thời tạo đồng thuận trong điều hành nền kinh tế. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế để hướng tới một chu kỳ phát triển mới.