Kỳ vọng về thế hệ doanh nhân mang tầm vóc Việt, sẵn sàng “vượt sóng lớn”, vươn mình ra thế giới

PV. (T/h)

Nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2023), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trân trọng gửi lời chúc mừng đội ngũ doanh nhân Việt Nam và thể hiện sự tin tưởng vào sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới. Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ luôn đồng hành, tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Bộ trưởng nhấn mạnh, trên chặng đường phát triển kinh tế - xã hội của đất nước luôn có sự đóng góp quan trọng của giới doanh nhân.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trên chặng đường phát triển kinh tế - xã hội của đất nước luôn có sự đóng góp quan trọng của giới doanh nhân.

Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện tại, Bộ Tài chính đã triển khai những chính sách thiết thực nào thể hiện sự đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trong các năm 2020-2023, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tác động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Đó là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (BVMT), cùng nhiều khoản phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Theo đó, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 56 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có: 11 Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 18 Nghị định của Chính phủ; 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 25 Thông tư của Bộ Tài chính). Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng.

Năm 2023, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt khó để phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 196 nghìn tỷ đồng.

Một số chính sách hỗ trợ tài chính tiêu biểu như: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV). Dự kiến thực hiện giải pháp này số tiền thuế được giảm khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Để giải pháp này nhanh chóng đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 và có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Dự kiến thực hiện Nghị quyết này sẽ giảm thu NSNN khoảng 38 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo đó, dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn là hơn 110 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 về gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự kiến thực hiện giải pháp này sẽ gia hạn khoảng 10,4 nghìn tỷ - 11,2 nghìn tỷ đồng.

Mặt khác, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 về giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự kiến thực hiện giải pháp này sẽ giảm thu NSNN khoảng 8 nghìn - 9 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 44/2023/TT-BTC ngày 29/6/2023 về giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tiết giảm chi phí của doanh nghiệp, người dân. Dự kiến thực hiện giải pháp này sẽ giảm thu NSNN khoảng 700 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.

Dự kiến thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất là khoảng 196 nghìn tỷ đồng, trong đó: Số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; Số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch, ước tính gói hỗ trợ lên tới 347 nghìn tỷ đồng.

Cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nêu trên, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính. Đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về lâu dài, quán triệt các chủ trương, định hướng đã được đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN, đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế.

Bản lĩnh doanh nhân Việt Nam trong khó khăn, thử thách

Phóng viên Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của doanh nhân Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trên chặng đường phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước luôn có sự đóng góp quan trọng của giới doanh nhân, đưa Việt Nam trở thành quốc gia nằm trong Top 40 lớn nhất về GDP và Top 20 về quy mô thương mại thế giới.

Sau hơn 30 năm hội nhập và phát triển, đến nay Việt Nam không chỉ là một quốc gia tiếp nhận đầu tư hàng đầu trong khu vực mà còn vươn lên trở thành quốc gia có nhiều doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Những bài học thành công sẽ còn được nối dài trong câu chuyện đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Đạt được những thành tựu đó, chúng ta phải ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc cả tâm và tầm của các doanh nhân Việt Nam. Những cống hiến, đóng góp của giới doanh nhân Việt Nam đã được ghi dấu ấn trong suốt những năm qua, nhất là từ thời kỳ đổi mới đến nay.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các doanh nhân đã thể hiện tinh thần vượt khó, thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Khoảng thời gian đóng cửa do dịch bệnh kéo dài, thị trường trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng… khiến doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đã phải đứng trước những thách thức chưa từng có. 

Tuy nhiên, trong khó khăn, chúng ta đã nhìn thấy năng lực và bản lĩnh rất lớn của doanh nhân Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, sáng tạo, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn. Dù gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam còn có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, đóng góp lớn về tài chính vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19, hỗ trợ khẩu trang, trang thiết bị thuốc, bệnh viện dã chiến…giúp Việt Nam về đích sớm trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã biết nắm bắt cơ hội từ những chính sách hỗ trợ, giải pháp tháo gỡ khó khăn sau đại dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn, việc làm cho người lao động. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, ứng dụng các giải pháp, công nghệ số để mở rộng thị trường, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, góp phần duy trì tăng trưởng dương của nền kinh tế.

Chúng ta đều biết, tinh thần chung của doanh nhân Việt Nam đó là "Tâm - Tài - Cống hiến - Phụng sự Tổ quốc - Đồng hành cùng dân tộc”. Vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp đã cơ cấu lại, tăng cường năng lực quản trị, khả năng ứng phó với những biến động thị trường, quyết tâm chuyển đổi số, cơ cấu các nguồn lực theo hướng bền vững hơn… Với sự nhạy bén, sáng tạo cùng với nỗ lực không ngừng nghỉ, tôi tin tưởng rằng, giới doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, xứng đáng với sức mạnh và tinh thần, bản lĩnh Việt Nam.

Doanh nhân Việt Nam với thế, lực, quyết tâm mới để cạnh tranh và phát triển

Phóng viên: Hiện nay thế hệ doanh nhân Việt Nam cần phát triển như nào để tiếp nối được truyền thống đã có và đón đầu xu thế góp phần đưa nền kinh tế cất cánh trong giai đoạn tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đưa Đất nước tiến lên hùng cường và thịnh vượng.

Có thể thấy rằng, cùng với công cuộc đổi mới Đất nước, lực lượng doanh nhân Việt Nam, nhất là doanh nhân trẻ đã ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, từng bước nâng cao uy tín, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế của đất nước.

Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới. Nhiều doanh nhân trẻ đã thể hiện rõ phẩm chất, bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam hiện đại. Đó là sự sáng tạo, có tầm nhìn xa, dám nghĩ, dám làm, đương đầu với rủi ro, thách thức, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, vươn lên cạnh tranh trên thị trường quốc tế, có tinh thần dân tộc và ý chí kinh doanh tự chủ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, yêu cầu cạnh tranh khốc liệt mang tính toàn cầu... Để có thể đi xa hơn, tôi mong rằng, các doanh nghiệp trẻ, doanh nhân tiếp tục nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật và trách nhiệm xã hội, kinh doanh liêm chính, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác, trang bị những kiến thức, tiếp thu kinh nghiệm, tiên phong trong ứng dụng công nghệ để vươn lên. Các doanh nghiệp, doanh nhân cần đặt mình trong bối cảnh hội, nhập mở cửa thị trường toàn cầu, chuẩn bị thế và lực mới, quyết tâm mới ra biển lớn để cạnh tranh và phát triển.

Tôi rất tin tưởng và hy vọng về một thế hệ doanh nhân mang tầm vóc Việt, sẵn sàng “vượt sóng lớn” vươn mình ra thế giới với lợi thế là tuổi trẻ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khẳng định là vai trò trụ cột của nền kinh tế./.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!