Lãi suất cho vay: Cao vẫn đắt, thấp vẫn ế!
(Tài chính) Lãi suất cho vay của ngân hàng hiện ở mức rất thấp, chỉ từ 5 - 11%/năm, nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn hờ hững không vay. Điều này trái ngược với thời điểm năm 2010-2011, các DN "đổ xô" vay tiền ngân hàng để đầu tư, kinh doanh, bất chấp lãi vay đắt đỏ tới 20 - 22%/năm, chưa kể tiền chênh ngoài. Chiến lược cho vay của ngân hàng đang "lạc nhịp"?
Chi phí gọi vốn cao như vậy, nhưng nhiều DN vẫn "cắn răng" chấp nhận vay ngân hàng với hi vọng có tiền đầu tư tiếp hàng loạt dự án bất động sản, nhà máy sản xuất sắt thép, xi măng, thủy sản, đầu tư chứng khoán, vàng…
Nếu tính cả một số khoản phụ phí, tỷ lệ cắt "phết, phẩy" cho cán bộ ngân hàng, thì lãi vay thực trả cho ngân hàng lên tới 23 - 25%/năm, cũng không thua kém lãi suất tín dụng đen.
Ngân hàng "ăn đậm"
Giai đoạn tín dụng tăng trưởng "nóng" (năm 2010 - 2011), thị trường từng rộ lên thông tin về một số nhà băng đã cho vay lãi suất "siêu đắt", thu lời lớn từ mỗi bản hợp đồng cấp tín dụng vài chục, vài trăm tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, riêng nhóm 11 công ty của ông Phạm Văn Thụ - Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Sơn (Hải Phòng), đã được 14 tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay, với tổng dư nợ có thời điểm lên tới hơn 1.200 tỷ đồng. Trong số này, có nhiều khoản vay ngắn hạn, có lãi suất cao tới 23 - 24%/năm.
Tháng 6/2011, Ngân hàng SeAbank - Chi nhánh Hải Phòng đã duyệt cho Công ty Thái Sơn vay 6,9 tỷ đồng để thanh toán tiền mua một lô thép. Thời hạn vay là 4 tháng, lãi suất là 24,5%/năm (tương ứng hơn 2%/tháng). Khoản tiền lãi phải trả gần 140 triệu đồng/tháng.
Vay vốn lãi suất cao nhưng DN không dùng tiền để kinh doanh sắt thép, mà đem trả nợ lãi cho các công ty tại nhiều ngân hàng khác. Cụ thể, trả tiền lãi 709 triệu đồng cho Vietinbank, hơn 1,26 tỷ đồng cho Liên Việt và tiền lãi 1,98 tỷ đồng cho OCB…
Với những khoản vay dưới 12 tháng, nhóm công ty của ông Thụ đã phải trả lãi vay đắt đỏ tại hàng loạt ngân hàng khác, như HDbank (lãi vay VND là 20,2%/năm, vay USD là 8,5%/năm), Liên Việt (21,2%/năm), Maritimebank (21%/năm), VIB (22 - 23,5%/năm), DongAbank (22,6%/năm)…
Và, toàn bộ tiền trả lãi, "đảo nợ" gốc cũng được lấy từ chính những khoản vay của ngân hàng khác, mà cơ quan công an đã phát hiện ra nhiều sai phạm (hợp đồng mua bán khống, tài sản ảo...).
Như chính đại gia Phạm Văn Thụ thừa nhận, nguồn thu từ kinh doanh sắt thép không đủ để trả nợ, lãi vay quá lớn như vậy, dẫn tới phải "chế" hồ sơ vay vốn, rút tiền ngân hàng "đảo nợ" vòng quanh. Thế nên, khối nợ xấu hơn 550 tỷ đồng của các ngân hàng này giờ vẫn chưa rõ khi nào mới thu hồi được!
Thế nhưng, chưa có nhà băng nào bị thanh tra, xử lý vì cho vay vượt 150% lãi suất huy động. Còn lý lẽ của các ngân hàng khi ấy đều "đổ" cho việc họ cũng phải huy động vốn tới 16 - 18%/năm nên lãi vay cao là... đương nhiên!
3 năm trước, hoạt động cho vay của các ngân hàng hết sức sôi động, đến mức có chủ DN phải thốt lên: ngân hàng đã "ăn đậm" trên lưng DN! Nhận xét này không hoàn toàn đúng, nhưng thực tế là, tín dụng tăng trưởng nhanh chóng với lãi suất siêu đắt đỏ đã đem lại nguồn lợi nhuận không hề nhỏ cho các nhà băng.
Tự cứu mình
Nhằm chia sẻ khó khăn với DN, tháng 7/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Văn Bình, đã yêu cầu các TCTD phải rà soát, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm. Những chỉ đạo của NHNN sau đó, cũng nhằm "ép" ngân hàng hạ lãi vay xuống dưới 13%/năm và giờ, lãi vay phổ biến chỉ từ 5 - 13%/năm. Dù thế, tín dụng vẫn chưa có cải thiện đáng kể.
Chia sẻ với người viết, lãnh đạo cấp chi nhánh của một ngân hàng lớn cho biết các ngân hàng đã chủ động điều chỉnh giảm lãi vay cho DN trên cơ sở cân đối nguồn vốn, giảm lãi suất huy động.
"Với một số DN tốt, lãi suất vay áp dụng chỉ có 5,5%/năm, thấp hơn lãi huy động ngắn hạn (6%/năm), là "phá giá" lãi suất thị trường. Nhưng thực chất, ngân hàng có một số nguồn vốn với giá rẻ nên có thể cân đối, bù đắp lại được chi phí. Mà ngân hàng cũng không đòi tiền chênh ngoài lãi suất…", vị này nói, không quên đề cập áp lực phải đảm bảo chỉ tiêu cho vay, lợi nhuận của chi nhánh rất lớn.
Có một điều ít được công khai là mức biên lợi nhuận của ngân hàng hiện là bao nhiêu? Vì trong kinh doanh vốn, tối đa lợi nhuận thu về mới là mục tiêu của ngân hàng, chứ không phải lãi vay cao hay thấp. Theo một số lãnh đạo ngân hàng, mức biên lợi nhuận hiện rơi vào khoảng 2 - 3%, chứ không cao tới 4 - 6% như giai đoạn tín dụng "nóng". Dù vậy, rất ít ngân hàng bóc tách cụ thể phần chênh lãi suất huy động - cho vay trên các báo cáo công khai.
Theo báo cáo tài chính quý II/2014 của Sacombank, ngân hàng này đã phải trả lãi tiền gửi tới 4.162 tỷ đồng, 161 tỷ đồng trả lãi vay các TCTD khác, cùng với nhiều khoản chi khác mất khoảng 4.375 tỷ đồng, giảm 11%. Trong khi đó, 6 tháng qua, tổng thu nhập lãi và các khoản tương tự chỉ là 7.715 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ. Có thể thấy, tốc độ giảm chi phí đầu ra chỉ bằng 50% so với chi phí đầu vào, tức là ngân hàng vẫn cố gắng đảm bảo lợi nhuận. Còn người gửi tiền, sau mỗi đợt mặt bằng lãi suất giảm mạnh thì luôn cảm thấy bị thiệt!
Cũng có ngân hàng lại thay đổi chiến lược cho vay, nhắm tới những gói vay chỉ vài trăm triệu đồng, chỉ 1 - 3 tháng, nhưng tổng lãi suất có thể lên tới 21 - 22%/năm. Thực tế, khách hàng lại hài lòng với những gói vay nhỏ này.
Vậy thì, giải bài toán "tắc" tín dụng có nên chỉ chú trọng giảm lãi suất rẻ hay chọn thay đổi phương thức, quy mô tín dụng để phù hợp với nhu cầu thị trường?