Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Các ngân hàng đang bước vào cuộc chạy đua nước rút nhằm tìm kiếm khách hàng giải ngân trong những ngày còn lại của năm, trong bối cảnh khách hàng ngại vay tiền. Nhiều ngân hàng đã đưa ra gói tín dụng với lãi suất thấp, như MaritimeBank với lãi suất 0% trong tháng đầu tiên.

Lãi suất cho vay khó giảm thêm
Nên giảm tiếp lãi suất để hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn cho DN. Nguồn: internet
Tuy nhiên, thực tế cho thấy mặc dù đẩy mạnh cho vay, nhưng các ngân hàng rất thận trọng trong việc giải ngân, vì nỗi lo nợ xấu tăng mạnh và mặt bằng chung lãi suất cho vay vẫn ở mức cao so với năng lực hiện tại của doanh nghiệp (DN). Nhiều chuyên gia đã khuyến nghị nên giảm tiếp lãi suất để hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn cho DN, nhưng xem ra điều này khó khả thi.

"Mắc rào" nợ xấu

Giới chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay sẽ ổn định từ nay cho đến hết năm 2014, khoảng 8 - 15%/năm, tùy từng khách hàng, nhưng bình quân khoảng 12 - 13%/năm và khó có sự chuyển biến tích cực.

Điều này cho thấy khả năng tiếp cận vốn của DN trong hiện tại và tương lai có thể sẽ không dễ dàng hơn nếu nợ xấu vẫn chưa được cải thiện.

"Sẽ không có một cú hích nào xoay chuyển tình hình khi nợ xấu ngân hàng chưa giảm, thua lỗ của DN Nhà nước chưa xử lý được. Nguyên nhân của sự chênh lệch này là ở chỗ nợ xấu được bán cho VAMC, nhưng thực chất là VAMC giữ hộ nợ xấu của ngân hàng trong 5 năm. Và, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu này. Như vậy có nghĩa là ngân hàng phải dùng lợi nhuận tương lai cho nợ xấu quá khứ. Chính vì thế sẽ đẩy chi phí giá vốn của ngân hàng lên cao, điều này trực tiếp đẩy lãi suất cho vay cao tới 12 - 13%/năm", TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Fulbright, nhận định.

Một thực tế là bản thân ngân hàng rất sợ cho vay vì lại lo nợ xấu, kể cả khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép nới lỏng điều kiện tín dụng. Sau 2 tháng NHNN ban hành Văn bản 7558 về việc cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) cho vay đối với DN có nợ xấu, nhưng có dự án sản xuất - kinh doanh khả thi, đến thời điểm này, vẫn chưa có ngân hàng nào dám cho DN có nợ xấu vay mới. Theo nhiều lãnh đạo ngân hàng, vì họ lo DN không dùng khoản này để triển khai dự án mà để trả nợ ngân hàng khác.

Không chỉ nợ xấu, mà lạm phát cũng là rào cản lớn. Giới chuyên gia phân tích, nếu lạm phát kỳ vọng năm tới là trên 6% thì việc kéo giảm lãi suất tiền gửi có kỳ hạn không còn nhiều dư địa và lãi suất cho vay vẫn còn khá cao, đặc biệt là lãi suất trung và dài hạn. Khả năng kéo giảm lãi suất không còn nhiều sẽ không kích thích được các DN đang có thị trường mở rộng đầu tư và làm tăng nợ xấu đối với DN đang nỗ lực phục hồi sản xuất.

Vậy nên, nhiều chuyên gia nhận định khả năng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% sẽ rất khó khăn khi tính đến cuối tháng 11/2013, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 7,54%. Như vậy, còn cách mục tiêu tăng trưởng năm nay gần 4,5%.

Với quy mô tín dụng của toàn nền kinh tế Việt Nam đến cuối năm 2012 khoảng 3 triệu tỷ đồng, để tăng thêm 1% tín dụng trong năm nay, ngành ngân hàng sẽ phải giải ngân khoảng 30.000 tỷ đồng. Và, để hoàn thành mục tiêu, ngành Ngân hàng sẽ phải giải ngân hơn 130.000 tỷ đồng chỉ trong tháng 12 này. Điều này là rất khó thực hiện.

Áp lực bỏ trần lãi suất


Một áp lực nữa đến từ nhu cầu tự do hóa lãi suất. Thực tế, con đường tự do hóa lãi suất đã đi "quá bán", khi NHNN đã bỏ trần đối với kỳ huy động từ 6 tháng trở lên. Nhưng với thực tế vốn đầu vào của ngân hàng đến từ dân cư chủ yếu dưới 6 tháng, cho thấy trần lãi suất vẫn là rào cản lớn.

Nhiều chuyên gia đã khuyến nghị NHNN nên tính toán để sớm bỏ trần lãi suất. Mới đây nhất, Trung tâm nghiên cứu thuộc NHTM Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đưa ra khuyến nghị: NHNN cần đưa ra lộ trình cụ thể nhằm tự do hóa lãi suất, bảo đảm lãi suất cho vay và huy động được xác định trên cơ sở cung cầu vốn của thị trường. Vì cơ sở để tự do hóa lãi suất là thanh khoản của hệ thống ngân hàng và lạm phát đã đi vào ổn định, chỉ số CPI giảm về mức dưới 7%.

Để các NHTM có cơ sở xác định lãi suất phù hợp, NHNN cần thiết lập đường cong lãi suất chuẩn của thị trường đối với tất cả các dải kỳ hạn.

Nếu NHNN cho phép các ngân hàng được huy động và cho vay theo tín hiệu thị trường, chắc chắn lãi suất cho vay sẽ tăng lên, có thể là không nhiều, nhưng mặt bằng lãi suất sẽ khó giảm. Nguyên nhân được nhiều chuyên gia phân tích là do nợ xấu. Ngoài ra, những bất ổn nội tại của hệ thống ngân hàng cũng là vấn đề đáng bàn.

Theo phân tích của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thực tế vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng luôn là vấn đề "nóng", vì sẽ rất khó dứt điểm được nếu sự chênh lệch về quy mô, khả năng quản trị rủi ro, theo các thông lệ quốc tế khác nhau và bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn đề nợ xấu, "nên chắc chắn chưa phải là một hệ thống bền vững và miễn nhiễm với các rủi ro, đặc biệt là rủi ro thanh khoản".

Một thực tế nữa ảnh hưởng tới lãi suất được Ủy ban kinh tế Quốc hội chỉ ra, đó là khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ từ kho bạc nhà nước, các tổng công ty nhà nước, làm dịch vụ giải ngân vốn ODA cho chính phủ… của các ngân hàng nhỏ là rất hạn chế. Các ngân hàng này chỉ có thể trông chờ vào huy động tiền gửi tiết kiệm từ người dân và những DN nhỏ và vừa. Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ thị trường này lại chủ yếu là ngắn hạn, rủi ro về kỳ hạn nên vấn đề thanh khoản khó tránh khỏi.

Điều này cũng có thể thấy phần nào trong bảng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng nhỏ, khi đẩy lãi suất huy động kỳ 1 năm trở lên lên 9%, trong khi, những ngân hàng lớn thì thấp hơn, chỉ khoảng 8 - 8,5%.