Lãi suất cho vay khó giảm
Tín dụng tăng xấp xỉ 10%, thanh khoản dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng xuống thấp… được xem là những yếu tố giúp lãi suất cho vay có thể điều chỉnh xuống. Tuy nhiên, “cửa” hạ lãi suất từ nay đến cuối năm xem ra khá hẹp bởi các ngân hàng phải lo đảm bảo kế hoạch kinh doanh.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến hết tháng 8/2016 tăng trưởng tín dụng đạt mức 9,67%. Trong đó, tín dụng ngoại tệ giảm 0,33%; tín dụng bằng VND tăng 10,76%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.
Cụ thể, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đến tháng 8/2016 ước đạt khoảng 900.000 tỷ đồng, tăng 6,64% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 18% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Đối với hoạt động cho vay theo Nghị định 67, tính đến ngày 15/8/2016, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới 590 tàu, nâng cấp 73 tàu với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay 6.574 tỷ đồng. Doanh số cho vay đóng mới, nâng cấp tàu đạt 4.294 tỷ đồng, dư nợ đạt 4.288 tỷ đồng.
Nguồn vốn tập trung cho doanh nghiệp thông qua hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp được đẩy mạnh. Đến hết quý II/2016, có trên 540 hội nghị đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp được tổ chức tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt hơn 800.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần mức cam kết cho vay mới tại thời điểm cuối năm 2014.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, đây là yếu tố được dự báo sẽ giúp lãi suất có cơ hội giảm trong những tháng cuối năm để các doanh nghiệp tiếp cận vốn trong mùa kinh doanh cao điểm. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong 10 ngày đầu của tháng 9 dù có tăng nhẹ, song vẫn ở mức rất thấp: Lãi suất cho vay qua đêm, 1 tuần và 2 tuần trong lần lượt ở mức 0,69%; 0,83% và 1,06%. “Thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào. Đây là một yếu tố tích cực, hỗ trợ giảm lãi suất huy động, từ đó giúp các ngân hàng có điều kiện tiết giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp”- BVSC nhận định.
Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lại chia sẻ, thanh khoản của hệ thống quả thực đang có nhiều tín hiệu tích cực nhưng việc hạ lãi suất cho vay còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt phải kể tới “sức khỏe” của các doanh nghiệp. Hầu hết các ngân hàng đều mong muốn đẩy được lượng vốn ra nền kinh tế, nhưng nếu doanh nghiệp không đảm bảo đủ các yêu cầu vay vốn thì rất khó giải ngân.
Ngoài ra, công tác quản lý và kiểm soát nợ xấu tại các ngân hàng cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ thận trọng để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát của NHNN cũng là những nguyên nhân tác động tới chính sách lãi suất trong thời gian tới.
Mặc dù cho rằng có yếu tố để có thể giảm lãi suất nhưng BVSC cũng thẳng thắn nhìn nhận cơ hội để lãi suất tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm là không cao, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng tăng huy động kỳ hạn dài nhằm đáp ứng vốn vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, đồng thời tăng huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng quy định cơ cấu lại nguồn theo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN của NHNN.
Theo một số chuyên gia tài chính - ngân hàng, nợ xấu có dấu hiệu gia tăng cũng là rào cản cho việc giảm lãi suất cho vay bởi nợ xấu gia tăng đồng nghĩa với việc ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro, do đó, chi phí tăng lên.