Lãi suất giảm sâu chỉ mang tính chất định hướng trong bối cảnh hiện nay

Tuấn Thủy

Lãi suất, chủ yếu là lãi suất huy động, tiếp tục giảm sâu, không có nhiều tác động đến nền kinh tế và doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, theo ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup.

Dự báo cả năm nay lạm phát sẽ dưới 3% và cách xa mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đề ra.
Dự báo cả năm nay lạm phát sẽ dưới 3% và cách xa mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đề ra.

Các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ hôm nay (19/6/2023) theo quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo đó, lãi suất kỳ hạn từ một tháng đến 5 tháng đã giảm từ 5%/năm xuống mức kịch trần theo quy định mới là 4,75%/năm tại hàng loạt ngân hàng thương mại như: Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) giảm từ 0,3-0,5 điểm phần trăm lãi suất tất cả kỳ hạn; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) áp dụng biểu lãi suất mới giảm từ 0,2-0,9 điểm phần trăm so với kỳ trước; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) giảm lãi suất tất cả kỳ hạn tiền gửi từ 0,2-0,4 điểm phần trăm…

Ngoài ra, còn nhiều ngân hàng khác cũng đồng loạt thực hiện giảm lãi suất huy động như: Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), OCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)...

Theo ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup, việc giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay phần nhiều mang tính chất định hướng và mở rộng thanh khoản ngắn hạn cho hệ thống ngân hàng, chứ không tác động nhiều đến các doanh nghiệp và người dân bởi nếu muốn "thẩm thấu" nhanh đến nền kinh tế thì phải chờ sự đồng pha của thanh khoản hệ thống ngân hàng trung dài hạn và sức tiêu dùng của nền kinh tế.

Đánh giá động thái hạ lãi suất của NHNN không mang đến quá nhiều tác động tích cực đối với người dân và doanh nghiệp song ông Báu cũng chỉ ra rằng, khi những số liệu về tăng trưởng kinh tế, lạm phát lên "bàn cân", động thái giảm lãi suất nhanh và quyết liệt của NHNN là điều dễ hiểu. 

Sức ép của mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trong năm 2023 "đè nặng" vào số liệu hai quý cuối năm, khi quý I chỉ tăng trưởng 3,32% và quý II dự kiến đạt 4,5-5%. "Muốn có tăng trưởng cả năm theo đúng chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho, Chính phủ buộc phải kích thích tăng trưởng để quý II, III, IV đạt 7,5% mỗi quý mà theo tình hình hiện tại, nhiều khả năng quý II sẽ không đạt mục tiêu đề ra", ông Trần Ngọc Báu chia sẻ.

Trong khi đó, mối lo lớn nhất của lãi suất là lạm phát đã dần lùi về sau, chỉ số giá tiêu dùng  toàn quốc giảm khá rõ từ đầu năm 2023. Dự báo cả năm nay lạm phát sẽ dưới 3% và cách xa mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đề ra. Vấn đề tỷ giá cũng không còn căng thẳng khi dòng USD chảy vào Việt Nam trong các tháng qua vẫn tương đối khả quan.

"Nếu những con số quý II này thực sự xấu hơn dự phóng, tôi nghĩ có thể chúng ta vẫn còn 1-2 đợt giảm lãi suất điều hành trong năm nay", ông Báu dự báo và cho biết thêm, tốc độ giảm lãi suất liên tục là bình thường trong điều hành. Số liệu đã chứng minh thường vào chu kỳ giảm lãi suất cấp tốc, NHNN sẽ có tần suất giảm lãi suất 1,5-2 lần/tháng.