MBS Research:
Lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 50 - 70 điểm cơ bản trong nửa sau năm 2024
Lãi suất liên ngân hàng gần chạm ngưỡng 5% trong tháng 4. Công ty Chứng khoán (CTCK) MBS (MBS Research) dự báo, lãi suất huy động nhiều khả năng tạo đáy trong quý II/2024 và tăng nhẹ từ 50 - 70 điểm cơ bản trong nửa sau 2024.
Trong tháng 4, thị trường liên ngân hàng trở nên sôi động khi lãi suất tăng vọt ở các kỳ hạn.
Theo thống kê của MBS Research, lãi suất qua đêm từ mức 0,1% cuối tháng 3 leo lên mức đỉnh 4,9% vào ngày 17/4, sau đó hạ nhiệt và duy trì quanh vùng 4,4% trong tuần cuối tháng.
Các chuyên gia cho rằng, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng khoảng 58.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống trong giai đoạn từ ngày 1/4 đến ngày 3/5, bên cạnh đó cầu tín dụng có xu hướng quay trở lại khi tính đến ngày 29/3, tăng trưởng tín dụng ghi nhận ở mức 1,34%, cao hơn so với 0.26% trước đó vào ngày 25/3.
Từ ngày 2/4, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu bơm ròng trở lại vào hệ thống song song với việc phát hành tín phiếu kỳ hạn 7-14 ngày, lãi suất 4% - 4,25%.
Tính đến cuối tháng 4, ước tính giá trị tiền ròng vào hệ thống khoảng 145,3 nghìn tỷ đồng, trong đó bao gồm 27 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
MBS Research ước tính khoảng 57,2 nghìn tỷ đồng tín phiếu sẽ tiếp tục đáo hạn trong tháng 5.
Lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại có những diễn biến khác nhau trong tháng.
Vào ngày 9/4, Vietcombank đã điều chỉnh giảm 0,1% tại các kỳ hạn, cụ thể lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm từ 4,7%/năm còn 4,6%/năm.
Hiện tại, lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh ở mức 4,7%, thấp hơn 26 điểm cơ bản so với đầu năm.
Ở chiều ngược lại, đã có thêm một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong tháng với mức tăng dao động trong khoảng 0,2% - 0,3%.
Theo MBS Research, lãi suất tiết kiệm các ngân hàng tăng trở lại trong bối cảnh tiền gửi của người dân rút dần ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đến 25/3, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%.
Tại cuộc họp báo ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 31/3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023.
Lãi suất cho vay bình quân mới của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm ngoái.
MBS Research cho rằng, cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 6% so với cùng kỳ, chỉ số Quản trị người mua hàng (PMI) tăng lên mức 50,3. Đầu tư công và tư nhân đều dần tăng 5,9%.
“Chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 50 - 70 điểm cơ bản, quay lại mức 5,1%-5,3% trong nửa sau năm 2024.
Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn”, chuyên gia MBS nhận định.