Lãi suất khó giảm nhưng ổn định

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Năm 2014 về cơ bản lãi suất vẫn sẽ ưu đãi cho các doanh nghiệp (DN) tốt với các chương trình khuyến mại dành cho khách hàng vay kỳ hạn ngắn, còn đối với kỳ hạn trung và dài vẫn là bài toán khó.

Lãi suất khó giảm nhưng ổn định
Lãi suất cho vay sẽ được cạnh tranh ở mỗi ngân hàng. Nguồn: internet

Khó kỳ vọng giảm lãi suất cho vay

Năm 2013, mặt bằng lãi suất huy động VNĐ giảm 2-3% so với năm 2012. Các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và các NHTM cổ phần lớn đã giảm lãi suất xuống dưới mức trần lãi suất huy động, đường cong lãi suất đã hình thành với xu hướng lãi suất huy động thấp kỳ hạn ngắn, lãi suất huy động cao kỳ hạn dài, các tổ chức tín dụng (TCTD) nhỏ khó khăn huy động vốn nhưng lãi suất vẫn sát mức trần huy động.

Hiện nay mặt bằng lãi suất huy động của các TCTD phổ biến từ 1-1,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 5-7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng 6,5-7,5%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng 7,5-8,5%/năm. Như vậy, diễn biến của lãi suất thời gian qua đã phù hợp dần với diễn biến kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát.

Lãi suất huy động giảm, kéo mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ giảm, trở về mức lãi suất giai đoạn 2005-2006, thấp hơn so với năm 2007.

Lãi suất cho vay của các NHTM nhà nước đối với 5 lĩnh vực ưu tiên phổ biến từ 7-9%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9-11,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn; 11,5-13%/năm đối với cho vay trung và dài hạn; một số DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả được các NHTM cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7%/năm.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ, với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay nhiều DN đã có thể giảm bớt chi phí vốn. Nhưng theo Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, hiện các DN mong muốn lãi suất cho vay sẽ giảm sâu hơn nữa để hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.

Để có thể tiếp cận vốn lãi suất thấp, DN đã chủ động tái cấu trúc, đầu tư hợp lý hơn, tập trung vào lĩnh vực ngành hàng truyền thống và triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm…

Tuy nhiên, Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng, muốn giảm lãi suất nữa là một vấn đề khá khó khăn, bởi các NHTM thực chất cũng là một DN, kinh doanh cũng phải có lợi nhuận. Hiện chi phí huy động vốn của ngân hàng chưa giảm nhiều nên khó kéo giảm lãi suất cho vay.

Trong bối cảnh hiện tại, việc tiếp tục giảm lãi suất nữa hay không trong năm 2014 sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố là giá vốn và năng lực tài chính của từng ngân hàng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định trong năm 2014, nếu có điều kiện Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục yêu cầu các TCTD kéo giảm lãi suất cho vay từ 1-2%, ngay cả khi mặt bằng huy động không thay đổi để hỗ trợ cho các DN sản xuất kinh doanh.

Tận dụng vốn ưu đãi

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, cho rằng năm 2014, lãi suất cho vay đối với các DN nhiều khả năng sẽ ổn định, tuy nhiên giữa các ngân hàng sẽ có sự cạnh tranh và từng ngân hàng sẽ tiếp tục đưa ra những chương trình khuyến mại ngắn hạn để thu hút khách hàng. Hiện nay, nhiều khách hàng tốt cũng được OCB cho vay ở mức 7-8%/năm.

Tuy nhiên, đối với các DN có mức độ rủi ro cao hơn, ngân hàng phải tính đến độ an toàn và áp dụng mức lãi suất cao hơn. Nhưng hiện nay, điều kiện để tiếp cận nguồn vốn giá rẻ cũng rất nhiều, như tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2013, qua chương trình kết nối ngân hàng và DN, đã có đến 532 DN, chủ yếu là DN nhỏ và vừa, 68 hộ gia đình và 3 hợp tác xã được tiếp cận vốn của các NHTM với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%/năm.

Theo thống kê của Sacombank từ tháng 8/2012 đến nay, ngân hàng này đã cung ứng 1.185 tỷ đồng cho DN với lãi suất ưu đãi theo chương trình này. Vì vậy, các DN có thể tận dụng những kênh cung cấp vốn ưu đãi này để có thể tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp.

Nhận định về lãi suất cho vay của các NHTM, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng hiện lãi suất các khoản vay cũ đã được TCTD tích cực giảm nhưng khả năng giảm lãi suất nhiều hơn nữa sẽ khó, bởi hiện nay lãi suất đối với những DN có điều kiện làm ăn tốt đã chấp nhận được, chỉ còn những DN khó khăn, rủi ro cao phải chịu lãi suất cao hơn.

Song cũng cần phải nhấn mạnh lãi suất dù đã giảm tích cực nhưng chỉ mới ở kỳ hạn ngắn, trong khi đó lãi suất trung hạn vẫn còn khá cao so với yêu cầu hỗ trợ tái cấu trúc của DN. NHTM cũng rất khó khăn trong việc này vì chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nhưng cho vay trung và dài hạn, nếu áp dụng lãi suất thấp nữa là cả một vấn đề.

Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 3-5 năm vào khoảng 7-8,5%/năm, các NHTM có thể mua trái phiếu chính phủ để bảo đảm an toàn, nếu NHTM cho DN vay lãi suất như vậy sẽ không an toàn. Đây là thách thức cho NHTM trong năm 2014.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng năm 2014 lãi suất cho vay vẫn sẽ tiếp tục dao động ở mức 8-15%/năm, tùy theo từng đối tượng khách hàng. Song vấn đề đặt ra là liệu những DN được vay với lãi suất 8%/năm có nhu cầu vay vốn không? Hay những DN chấp nhận vay với mức lãi suất cao hơn có thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh hay không.