Lãi suất trong năm 2022 sẽ diễn biến ra sao?
Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn sẽ giữ nguyên các loại lãi suất điều hành, không có thay đổi trong kịch bản cơ sở, và tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 14% tương đương mức tăng trong năm 2021.
Chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng hỗ trợ nền kinh tế
Báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam 2022 của KBSV nhìn nhận, chính sách tiền tệ trong năm 2021 vẫn nhất quán với chính sách nới lỏng thận trọng của NHNN xuyên suốt từ thời điểm dịch mới bùng phát cho đến nay.
Cụ thể, các chính sách hỗ trợ của NHNN tính đến thời điểm hiện tại, tập trung chủ yếu ở 3 lần hạ lãi suất điều hành trong năm 2020, vẫn tương đối nhẹ nếu so với các nước trong khu vực, và chủ yếu sử dụng nguồn lực từ các NHTM (nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn có thể duy trì dòng tiền hoạt động, ngoài việc yêu cầu các NHTM tiếp tục hạ lãi suất cho vay thì trong năm 2021 NHNN đã công bố Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN Việt Nam về cơ cấu nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi phí cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19).
Bên cạnh đó, việc nới room tín dụng cho các NHTM đã diễn ra trong quý 3 và 4 giúp tăng trưởng tín tín dụng năm 2021 đạt 12,68% so với cùng kỳ năm trước.
Xét cho cả năm 2021, lãi suất liên ngân hàng đã tăng lên mức nền mới nhưng vẫn ở mức thấp nhờ trạng thái thanh khoản dồi dào. Riêng trong quý IV, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh với lãi suất qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt 66 bps, 73 bps và 81 bps so với thời điểm cuối quý III. Điều này phản ánh trạng thái thanh khoản thiếu hụt cục bộ trong mùa cao điểm cuối năm.
Xét cho cả năm 2021, lãi suất huy động duy trì ổn định và biến động trong biên độ hẹp. Riêng quý IV, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng đi ngang tăng nhẹ ở các kỳ hạn ngắn (dưới 12 tháng). Dù vậy, biên độ biến động là tương đối hẹp (dưới 0,4%), cho thấy mặt bằng lãi suất huy động biến động ổn định, và nhìn chung duy trì ở mức thấp trên dưới 0,4%, cho thấy mặt bằng lãi suất huy động biến động ổn định và nhìn chung duy trì ở mức thấp.
Dự báo lãi suất 2022
Định hướng hỗ trợ chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được duy trì trong năm 2022. “Chúng tôi cho rằng định hướng hỗ trợ chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được duy trì trong năm 2022, tuy nhiên điều kiện khách quan không thuận lợi khi mà áp lực lạm phát là hiện hữu với kịch bản cơ sở lạm phát ở mức 3.8%”, chuyên gia KBSV cho biết. Do vậy, nhiều khả năng NHNN vẫn sẽ giữ nguyên các loại lãi suất điều hành, không có thay đổi trong kịch bản cơ sở, và tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 14% tương đương mức tăng trong năm 2021.
Trong khi đó, lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ nhích tăng nhẹ (trên dưới 0,5%) trong năm 2022. KBSV đánh giá mặt bằng lãi suất huy động, vốn đang ở mức thấp, nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong năm 2022. Nguyên nhân một phần do lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh.
Cùng với đó, nhu cầu tín dụng phục hồi khi nền kinh tế mở cửa và chính sách tiền tệ thận trọng hơn của NHNN. Mức tăng nhiều khả năng sẽ tương đối thấp (trên dưới 0,5%), tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%.
Mặt bằng lãi suất cho vay đi ngang hoặc chỉ giảm dưới chương trình cấp bù lãi suất. Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức nền như hiện tại và có thể giảm nhẹ ở một số ngành ưu tiên dưới tác động của gói hỗ trợ cấp bù lãi suất của Chính phủ (cụ thể Quốc hội thông qua gói chính sách tiền tệ hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng cho một số ngành nghề ưu tiên) khi các ngân hàng cũng cần duy trì một mức thu nhập lãi thuần cao (tương ứng NIM duy trì ở mức cao như hiện tại), để có dư địa tăng trích lập dự phòng khi các khoản nợ xấu do giãn cách xã hội dần bộc lộ trong thời gian tới.