Lãi vay giảm tới 3, cho vay chỉ giảm 1
(Tài chính) Trần lãi suất huy động có thể giảm thêm 0,5% sau động thái một loạt ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh ồ ạt hạ lãi suất. Tuy lãi suất huy động đang giảm nhanh nhưng lãi suất cho vay giảm rất chậm.
Lãi tiết kiệm ồ ạt giảm, lãi cho vay từ từ
Sáng 25/8, Ngân hàng Vietcombank đã chính thức điều chỉnh giảm 0,2%/năm lãi suất ở tất cả các kỳ hạn đối với tiền gửi VND. Theo đó, mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng gửi bằng VND tại ngân hàng này giảm về còn 4,8%/năm, kỳ hạn 2 tháng còn 5%, kỳ hạn 3 - 9 tháng là 5,7%/năm.
Trước đó, Ngân hàng BIDV cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho một loạt kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 4,5%/năm, thấp nhất trên thị trường hiện nay và giảm tới 1,3%/năm so với đầu năm. Ở mức kỳ hạn gửi 2 tháng, BIDV cũng giảm lãi suất về còn 5%/năm; kỳ hạn 3 - 9 tháng là 5,75 -6,5%/năm.
Chiều ngày 25/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa phát đi thông báo điều chỉnh các mức lãi suất điều hành. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, trong tình hình hiện nay, khả năng NHNN sẽ giảm thêm 0,5% với trần lãi suất huy động.
Đáng nói là, trong khi lãi suất huy động giảm nhanh, thì lãi suất cho vay lại giảm khá chậm. Báo cáo tháng 7 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tính đến tháng 7/2014, lãi suất huy động bình quân là 5,53%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm, còn lãi suất cho vay bình quân là 10,08%/năm, giảm 0,25 điểm phần trăm so với cuối năm 2013. Điều này có nghĩa là, lãi suất huy động giảm 3, thì lãi suất cho vay mới giảm 1. Đây cũng là nguyên nhân khiến chênh lệch lãi suất huy động - cho vay đang có xu hướng gia tăng.
Chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm cho rằng, lãi suất tiết kiệm hạ, thì lãi suất cho vay chắc chắn sẽ hạ theo. Tuy vậy, không thể đòi hỏi ngân hàng giảm ngay lãi suất cho vay, vì các khoản vay cũ được căn cứ dựa theo lãi suất huy động cao áp dụng trước đó.
Giảm lãi suất không còn quan trọng?
Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, hiện lãi suất không còn rào cản tiếp cận tín dụng, mà vấn đề là ở xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, tháo gỡ rào cản về tài sản đảm bảo…
Trên thực tế, có phải lãi suất cho vay đã ở mức hợp lý và doanh nghiệp không còn quan tâm đến hạ lãi suất?
Ông Tô Văn Nam (Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Việt Nam) cho biết, Công ty đã vay được vốn ngân hàng và vẫn muốn vay nhiều hơn. Tuy nhiên, mức lãi suất 9-10%/năm hiện nay vẫn là quá cao. “Khách hàng đang nợ chúng tôi 400 tỷ đồng tiền hàng không trả lãi suất. Không bán chịu, không cho trả chậm, thì khách hàng không mua, mà đó toàn là doanh nghiệp lớn. Trong khi chúng tôi lại phải vay ngân hàng 200 tỷ đồng với lãi suất cao. Chúng tôi rất mong các ngân hàng hạ thêm lãi suất nhiều hơn nữa”.
Tương tự, ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cho rằng, dù lãi suất đã giảm, song vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo ông Nam, lãi suất cho vay nên đưa về mức 6-7%/năm.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mức giảm lãi suất cho vay hiện nay chưa đủ sức phá băng tín dụng. Nếu muốn kích cầu tín dụng, lãi suất cho vay phải đưa xuống 5-7%/năm. Tuy nhiên, để làm được điều này, Chính phủ sẽ phải giải bài toán vừa kéo giảm lạm phát, vừa phải giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay.