Làm gì để bảo đảm thu Ngân sách Nhà nước 2015?
(Tài chính) Triệt để tiết kiệm chi, thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, bám sát diễn biến giá dầu, tăng cường thu nội địa… là những giải pháp được Bộ Tài chính xác định để bảo đảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 2015.
Dẫn tính toán của chuyên gia, Bộ Tài chính cho biết, trong trường hợp giá dầu bình quân đạt 50USD/thùng trở lên thì thu NSNN cơ bản đạt dự toán, cân đối NSNN được đảm bảo. Trường hợp giá dầu bình quân giảm dưới 50USD/thùng thì NSNN sẽ hụt thu, ảnh hưởng đến cân đối NSNN (cho đến cuối tháng 3/2015, giá dầu đang dao động xung quanh mức 47-50USD/thùng, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối NSNN).
Vì vậy, để thực hiện tốt việc thu NSNN, Bộ Tài chính cho rằng cần phải tăng thu từ nội địa và xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù cho số giảm thu từ dầu thô.
Trong đó tập trung vào thực hiện các giải pháp quan trọng cơ bản sau: Trước hết, cần tập trung sức tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất- kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Giảm mạnh thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…; phấn đấu 2015 các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của ta đạt và vượt mức trung bình ASEAN-6. Phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 6,2% đã đề ra, tạo điều kiện phát triển nguồn thu ổn định cho NSNN.
Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình kinh tế và giá dầu thô, trên cơ sở đó thực hiện điều chỉnh thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng, dầu nhập khẩu ở mức phù hợp, trong khung thuế suất đã quy định để đảm bảo nguồn thu NSNN. Không đề xuất ban hành các chính sách mới làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp cắt giảm thuế theo cam kết quốc tế.
Thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế. Đẩy mạnh xử lý, thu hồi để giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai số nợ đọng thuế của từng địa phương, doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt các giải pháp tổ chức điều hành chi NSNN chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ mức bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định.
Các bộ ngành, địa phương điều hành chi thường xuyên chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi cho bộ máy quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công; chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, các khoản chi mua sắm trang thiết bị; tiết kiệm tối đa chi phí điện, nước, xăng dầu, văn phòng phẩm…; chủ động dự phòng ngân sách địa phương để ứng phó với thiên tai, bão lũ và các nhu cầu đột xuất…
Mặt khác, cần tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường-giá cả, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo để can thiệp thị trường, bình ổn giá cả, kiểm soát lạm phát.
Tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, giá cả và chất lượng hàng hóa, nhất là các mặt hàng liên quan trực tiếp đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng như: Sữa trẻ em, thuốc, giá cước vận tải… Tăng cường kiểm tra, thanh tra, minh bạch hóa thông tin, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Đặc biệt cần khẩn trương triển khai thực hiện tốt Nghị định 16/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để đẩy nhanh tiến độ đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương, đồng thời tạo bước đột phá trong tạo nguồn cải cách tiền lương của khu vực này; trên cơ sở đó cơ cấu lại chi NSNN của từng lĩnh vực để dành nguồn cải cách tiền lương.
Nhà nước có hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng chính sách khi giá dịch vụ công tăng; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế một cách tổng thể, nhất là tái cơ cấu DNNN. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2014-2015 theo đúng kế hoạch đề ra. Thường xuyên kiểm tra, giám sát kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo việc triển khai theo đúng lộ trình được phê duyệt. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định.
Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN.
Thực hiện tiết kiệm triệt để, đặc biệt dự toán chi mua phương tiện, trang thiết bị đắt tiền, hạn chế tối đa về số lượng và quy mô tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, động thổ, khởi công, khánh thành công trình, tiếp khách, đi công các nước ngoài và các nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách khác.
Xử lý kịp thời, đầy đủ và nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những cá nhân, tập thể vi phạm, thực hiện công khai kết quả, thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý vi phạm trong sử dụng NSNN.